Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-4 (giờ địa phương) cho biết, mối quan hệ của ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vẫn “rất tốt”, ngay cả khi ông đã phải từ bỏ một thỏa thuận được đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi cuối tháng 2 vừa qua tại Hà Nội. Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời bày tỏ hy vọng hai nước có thể sớm đạt được một điều gì đó.
Phát biểu tại cuộc họp lãnh đạo mùa xuân 2019 của Liên minh Do Thái Cộng hòa tại thành phố Las Vegas, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Chúng ta có quan hệ tốt với Triều Tiên. Cứ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào, nhưng chúng ta có quan hệ tốt. Đừng quên, tôi đang có quan hệ rất tốt đẹp với ông Kim Jong-un”.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ông hi vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ tận dụng một cuộc họp của quốc hội nước này vào tuần tới để tuyên bố công khai rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân là việc làm đúng đắn đối với Bình Nhưỡng. Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên dự kiến tổ chức phiên họp đầu tiên trong năm 2019 vào ngày 11-4, và nhân sự kiện này, ông Kim Jong-un sẽ có bài phát biểu công khai đầu tiên về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua giữa ông với Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. |
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Đó là một sự kiện thường niên mà nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp xúc với người dân nước này. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao những nội dung phát biểu của ông Kim Jong-un. Tôi không hy vọng sẽ có bất ngờ lớn, song hy vọng rằng ông ấy sẽ chia sẻ cảm nghĩ của mình. Tôi tin rằng, với tư cách là nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông ấy sẽ nhấn mạnh việc làm đúng đắn đối với Triều Tiên là cam kết với Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên”.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết, các kênh ngoại giao Mỹ-Triều vẫn rộng mở và hai bên đã “có các cuộc tiếp xúc sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội” nhằm thảo luận về các bước đi tiếp theo giữa hai bên. Theo ông, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba sẽ sớm diễn ra, mặc dù hiện vẫn chưa ấn định thời gian cho hội nghị này.
Những diễn biến này cho thấy, cánh cửa đàm phán Mỹ - Triều vẫn chưa khép lại. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra hiện giờ là nên sử dụng chính sách của bên nào để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán. Đại sứ Chris Hill, người đứng đầu các cuộc đàm phán của Triều Tiên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, gần đây đã lập luận rằng, đề nghị của ông Kim Jong-un trên bàn đàm phán tại hội nghị hồi tháng 2 rất đáng để nghiên cứu.
Việc tháo dỡ hoạt động sản xuất plutonium tại Yongbyon sẽ loại bỏ một con đường dẫn đến việc chế tạo bom hạt nhân và là điểm khởi đầu để giải quyết tất cả việc sản xuất vật liệu phân hạch. Hơn nữa, việc cho phép các thanh sát viên trở lại Triều Tiên sau thời gian gián đoạn 10 năm cũng sẽ là một dấu hiệu hữu hình cho cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Hồi tháng trước, trong một động thái được đánh giá là nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng hoặc báo hiệu chiến dịch trừng phạt tối đa áp lực đối với Triều Tiên sẽ không tăng mạnh hơn, Tổng thống Donald Trump đã hủy kế hoạch gia tăng các lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết: “Tổng thống Donald Trump thích Chủ tịch Kim Jong-un và ông ấy không nghĩ rằng những lệnh trừng phạt này sẽ cần thiết”.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, ông Lee Do-hoon cũng cho rằng, nếu chỉ dựa vào các biện pháp trừng phạt không thể thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông Lee Do-hoon nêu rõ: “Trừng phạt là một cách để ngăn chặn Triều Tiên đưa ra những quyết định tồi, nhưng bản thân các biện pháp trừng phạt về cơ bản không giải quyết được vấn đề”.
Theo ông, trên thực tế, Bình Nhưỡng đã duy trì phát triển hạt nhân trong nhiều thập kỷ bị áp đặt trừng phạt và gây sức ép. Vì vậy, nếu cho rằng trừng phạt mạnh hơn hay gia tăng sức ép có thể khiến Triều Tiên đột ngột từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân thì đó là “ảo tưởng”.
Đặc phái viên Hàn Quốc cũng cho rằng, dù kết quả hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 tại Hà Nội không như mong đợi, nhưng hai bên đã đạt được những tiến bộ đáng kể về một số vấn đề, giúp thu hẹp khác biệt và gần như có thể tiến tới một thỏa thuận.
Theo ông, cách tiếp cận từ trên xuống, “cùng với quyết tâm chính trị và được hỗ trợ bởi sự tương tác có ý nghĩa cấp làm việc” là cách làm khả thi duy nhất để tìm kiếm một sự đột phá cho tình trạng bế tắc đàm phán hiện tại.
Đặc phái viên Lee Do-hoon nhấn mạnh, đàm phán Mỹ-Triều, nếu được nối lại, cần phải đạt được kết quả sớm nhất có thể, “dù lớn hay nhỏ”, để đẩy lùi “những ngờ vực đối với Bình Nhưỡng và sự hoài nghi đối thoại” - yếu tố mà ông cho là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nỗ lực hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định rằng, Mỹ và Triều Tiên càng trì hoãn việc thiết lập một quá trình đàm phán nghiêm túc ở cấp độ làm việc lâu bao nhiêu, thì tình hình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ càng khó lường và bất ổn bấy nhiêu.
.