Kể từ khi biến mất khỏi màn hình radar hôm 8-3-2014, đến nay, sau đúng 3 năm, mọi tung tích của chiếc máy bay cỡ lớn Boeing 777 vẫn biệt tăm, trở thành ẩn số lớn nhất với ngành hàng không dân dụng hiện đại.
Nỗi lo bị quên lãng
Tháng 1-2017, sau 3 năm trình tìm kiếm một khoảng rộng lớn chưa từng có ở Ấn Độ Dương lên tới 120.000 km2 với sự tham gia của hàng chục quốc gia và không đạt được bất kì kết quả khả quan nào, Chính phủ Australia, Malaysia và Trung Quốc đã quyết định không mở rộng cuộc tìm kiếm chiếc MH-370.
Việc này, theo gia đình các nạn nhân vụ mất tích, đã dấy lên lo ngại việc bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại sẽ bị quên lãng không có lời giải đáp.
Một bức vẽ chiếc MH-370 tại Malaysia để tưởng nhớ các hành khách trên chuyến bay xấu số |
Chuyến bay MH370 cất cánh lúc 0h35 ngày 8-3-2014 tại Kuala Lumpur, Malaysia để thực hiện chuyến hành trình tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Máy bay có liên lạc với radar lần cuối cùng vào khoảng 2h22 khi bay qua Ấn Độ Dương.
Theo giới chức Malaysia, chiếc Boeing 777 trước khi mất tích đã chuyển hướng trở lại Malaysia, rồi qua biên giới Thái Lan và Malaysia, tới bờ biển Andaman ở phía Bắc Indonesia. Và sau 1h cất cánh, chuyến bay MH-370 cùng toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn, phần lớn là người Trung Quốc đã biến mất.
Gần một năm sau ngày mất tích, tháng 1-2015, chính phủ Malaysia chính thức tuyên bố chuyến bay MH370 là một tai nạn và tất cả hành khách cũng như phi hành đoàn được xem là đã thiệt mạng.
Việc 3 quốc gia Trung Quốc, Australia và Malaysia quyết định ngừng tìm kiếm MH-370 theo đề nghị từ các nhà điều tra đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía thân nhân nạn nhân của vụ mất tích máy bay do trước đó Chính phủ Malaysia và Trung Quốc từng hứa “sẽ làm mọi thứ để tìm MH-370”.
Voice370 - nhóm ủng hộ dành cho các thành viên gia đình người đi trên chuyến bay đã phát đi thông báo cho thấy sự thất vọng về quyết định nói trên và rằng “việc dừng lại là hành động vô trách nhiệm”.
Không để việc tìm kiếm bị đình trệ, gia đình các hành khách trên chuyến bay MH-370 đã quyết định phát động một chiến dịch nhằm kêu gọi quyên góp để nối lại các hoạt động tìm kiếm.
Phát biểu tại chiến dịch quyên góp tại thủ đô Kuala Lumpur, Grace Nathan, một nữ luật sư người Malaysia có mẹ là hành khách trên chuyến bay, cho biết các gia đình hy vọng có thể quyên góp được 15 triệu USD cho công tác tìm kiếm ban đầu ở phía Bắc của khu vực tìm kiếm trước đó.
Vị trí khoanh vùng được cho là nơi chiếc MH-370 có thể đã rơi. |
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết nhà chức trách đã phân tích 27 mảnh vỡ có khả năng của MH370 dọc bờ biển Đông Phi, trong đó có 2 mảnh mới được tìm thấy tại Nam Phi cách đây 2 tuần và cho hay việc ngừng chiến dịch tìm kiếm chỉ là tạm thời do không phát hiện thêm được thông tin mới nào để xác định được vị trí cụ thể của máy bay.
Trong một nỗ lực khác nhằm không để vụ việc bị chìm vào quên lãng, gia đình 15 hành khách người Trung Quốc hôm 4-3 đã tập hợp đủ hồ sơ để kiện hãng hàng không Malaysia Airlines, chủ nhân của chiếc máy bay xấu số với lí do công ty này đã gây tổn hại nghiêm trọng cho gia đình các nạn nhân bằng những hành động “sai trái” liên quan đến tài chính và tâm lý.
Theo giới truyền thông Malaysia, các gia đình nói trên khẳng định rằng vụ việc sẽ không thể xảy ra nếu không có sự bất cẩn nghiêm trọng gây ra bởi Malaysia Airlines, Cục hàng không dân dụng, Không quân Hoàng gia Malaysia và Chính phủ Malaysia.
Cuộc tìm kiếm vô vọng
Trong suốt 3 năm tìm kiếm với sự tham gia của hàng chục quốc gia do Australia dẫn đầu , tổng cộng có 33 mảnh nghi là từ máy bay đã được tìm thấy bao gồm các phần của cánh và đuôi, ở Reunion, Mozambique, Nam Phi, Mauritius và Tanzania.
Tuy nhiên, theo các nhà điều tra, các mảnh vỡ này không mang lại gì nhiều cho công tác xác định vị trí của phần thân chiếc máy bay, nơi được cho là đang lưu giữ thi thể của những nhân xấu số.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà điều tra cả chính thức từ phía chính phủ các nước và các nhóm tư nhân đã kiểm tra và đưa ra nhiều tính toán khác nhau về tuyến đường, khoảng cách và các kịch bản cũng như giả thuyết đặt ra với chiếc máy bay xấu số.
Theo Reuters, trong 3 năm tìm kiếm chiếc máy bay bí ẩn, đã có hàng ngàn ý kiến từ các chuyên gia về khu vực rơi của chiếc MH-370 nhưng chưa ý kiến nào đủ xác thực để mở rộng chiến dịch tìm kiếm.
Hồi tháng 7-2016, sau hơn 2 năm tìm kiếm không có kết quả, một công ty Hà Lan được thuê tìm chiếc MH-370 cho biết chiếc máy bay có thể đã không nằm trong khoảng 120.000 km2 đã khoanh vùng mà đã lướt đi một khoảng xa trên mặt biển và rơi “ở một nơi nào đó”.
"Nếu máy bay có người lái, nó có thể lướt đi xa hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu. Chúng tôi tin rằng kết luận hợp lý là kịch bản khác đã xảy ra", truyền thông dẫn lời đại diện công ty tìm kiếm chiếc MH370 của Hà Lan mang tên Furgo cho biết.
Giả thiết nói trên đã không được ủng hộ bởi các cơ quan điều tra của Mỹ và Australia cũng như hãng chế tạo chiếc máy bay do các nhà điều tra cho rằng khoảng khoanh vùng 120.000 km2 kia đã được xác định kĩ lưỡng căn cứ vào dữ liệu radar, vệ tinh và khoảng cách bay tối đa với lượng nhiên liệu còn lại trên chiếc Boeing 777.
Cuối năm 2016, một số nhà điều tra Australia lần đầu tiên đưa ra báo cáo nói rằng, đội tìm kiếm quốc tế trong ba năm qua có thể đã tìm sai vị trí và đề nghị tìm kiếm mở rộng thêm 25.000 km2 ở khu vực xa hơn về phía bắc của vùng biển đang tìm kiếm ở Nam Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, cục An toàn giao thông Australia sau đó từ chối đề nghị này vì cho rằng, thiếu những bằng chứng đáng tin cậy xác định vị trí chính xác cần tìm.
Tới tháng 1-2017, ba quốc gia tham gia tìm kiếm nhiều nhất là Trung Quốc, Australia, Malaysia đã thống nhất sẽ không tiếp tục tìm kiếm ngoài vùng 120.000 km2 đã định, nếu không thu được thêm bằng chứng quan trọng.
Mặc dù giới chức các nước Trung Quốc, Australia và Malaysia cho hay việc dừng chiến dịch tìm kiếm chỉ là tạm thời, tuy nhiên, với những kết quả không mấy khả quan sau 3 năm tìm kiếm, những người mong mỏi câu trả lời về vận mệnh của các hành khách đang phải đối mặt với một sự thật là bí ẩn về chiếc MH-370 gần như sẽ không được giải đáp.
.