Sáng 12/8, theo chương trình làm việc của Phiên họp thứ 20, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ), do Bộ Công an thay mặt Chính phủ trình.
Sáng 12/8, UBTVQH đã thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Các ý kiến đều cho rằng CSCĐ là hoạt động tác chiến đặc thù, có nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ an ninh quốc gia, phối hợp với các lực lượng khác trấn áp các loại tội phạm nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức... với tính cơ động cao.
Mặt khác trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các biện pháp vũ trang của CSCĐ thường tác động trực tiếp đến một số quyền cơ bản của công dân, nhưng chưa được quy định trong các văn bản có tính pháp lý cao.
Do đó, việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho CSCĐ hoạt động trong tình hình mới.
Đa số các ý kiến của ủy viên UBTVQH đồng tình với quy định 15 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của CSCĐ như: Tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; cơ động chiến đấu chống các hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin; trấn áp kịp thời các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm có vũ trang; các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp và các hành vi vi phạm pháp luật khác xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính; tham gia hỗ trợ các hoạt động tư pháp; xâm nhập nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để trấn áp hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế...
Tuy nhiên, có ý kiến cũng đề nghị cần xác định rõ hơn, nhiệm vụ nào giao cho CSCĐ thực hiện, nhiệm vụ nào thì do các lực lượng khác chủ trì, còn CSCĐ chỉ tham gia phối hợp, từ đó xác định cơ chế để phối hợp giữa các lực lượng.
Dự thảo Pháp lệnh quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều động các đơn vị CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc.
Tư lệnh CSCĐ quyết định điều động đến cấp Trung đoàn để thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn quốc..., Giám đốc Công an cấp tỉnh được điều động các đơn vị CSCĐ thuộc Công an cấp tỉnh.
Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng CSCĐ, Cảnh sát đặc nhiệm trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đóng quân độc lập, được điều động lực lượng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp trong địa bàn được phân công phụ trách, đồng thời báo cáo ngay Tư lệnh CSCĐ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Cho ý kiến về nội dung này, Thường trực cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cho rằng việc điều động, quản lý CSCĐ cần tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quản lý, chỉ huy.
Một điểm đáng chú ý nữa khi thảo luận về dự án Pháp lệnh này là các ý kiến của UBTVQH không đồng tình với tên gọi "Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang" (theo đề xuất từ Bộ Công an) mà đề nghị giữ nguyên là Pháp lệnh CSCĐ, bao gồm các lực lượng: CSCĐ, Cảnh sát đặc nhiệm, các lực lượng tham mưu, nghiệp vụ khác.