Tín hiệu từ VFF cho hay, sau chuyến công du Nhật Bản của ông PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn và TTK VFF Lê Hoài Anh, thì việc thầy Nhật dẫn dắt ĐTVN coi như sẽ được "đóng chốt". Có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, ĐTVN được dẫn dắt bởi một ông thầy ngoại không đến từ châu Âu.
Các ông thầy châu Âu hành nghề ở Việt Nam xưa nay có thể chia làm 2 trường phái. Đầu tiên là trường phái "nhập gia tuỳ tục" với những ông thầy điển hình như Weigang, Calisto và thứ hai là trường phái bài bản, nề nếp theo đúng chất châu Âu, mà điển hình là Riedl, Falko Goetz.
Có vẻ như trường phái thứ nhất "hợp tạng" bóng đá Việt Nam hơn trường phái thứ hai. Bằng chứng là thầy Weigang từng tạo ra một cuộc cách mạng khi lần đầu tiên (kể từ thời kỳ hội nhập) giúp ĐTVN giành HCB SEA Games 18 rồi HCĐ Tiger Cup lần thứ nhất.
Đến thời Calisto thì ông thầy người Bồ Đào Nha thậm chí đã giúp ĐTVN vô địch AFF Suzuki Cup 2008.
Còn với đời thầy Riedl, bóng đá Việt Nam cứ vào chung kết các giải bóng đá trong khu vực là...chết đau. Riêng với thời Falko Goetz thì U.23 Việt Nam cũng từng phải đối diện với một trong những kỳ SEA Games tồi tệ nhất trong lịch sử.
Cầu thủ U.19 Nhật Bản (phải) được huấn luyện bởi phương pháp kỷ luật cao độ |
Nếu như các ông thầy Weigang, Calisto rất giỏi trong việc "liệu cơm gắp mắm", và cũng rất "phủi" trong việc dùng quân và lấy lòng quân thì với các ông thầy Riedl, Falko Goetz mọi thứ cứ tuần tự được làm theo kế hoạch. Ông Riedl "kế hoạch" tới mức khi mang U.23 Việt Nam qua Thái Lan dự SEA Games 27, và khi cả đội bóng phải ở trong một làng VĐV kém chất lượng thì ông đã nằng nặc đề nghị được ở tại một khách sạn riêng, cách làng VĐV tới 15km. Còn ông Falko Goetz "kế hoạch" tới mức khi ĐT vừa từ sân bay trở về khách sạn sau một chuyến bay dài, ông đã bắt tất cả phải đồng loạt chạy vòng quanh khách sạn nhiều vòng. Cả hai lần "kế hoạch" điển hình ấy, cả Reidl lẫn Calisto đều bị các học trò "tố cáo" mạnh mẽ cùng báo giới.
Câu hỏi đặt ra, HLV người Nhật nghiêng về trường phái nào: bụi bặm, nhập gia tuỳ tục hay nghiêm khắc, kỷ cương?
Câu trả lời chắc chắn là trường phái thứ hai, vì ai cũng hiểu nề nếp, kỷ cương là bản tính truyền thống của người Nhật. Và nếu nội soi ĐT U.19 Nhật Bản trong quá trình đội này đến Việt Nam dự giải giao hữu quốc tế Cúp Nutifood hồi đầu năm nay là thấy "phương pháp huấn luyện Nhật Bản" coi trọng kỷ cương, nề nếp tới đâu. Tới mức mà chỉ vừa đặt chân xuống TP HCM, và chỉ sau một quãng thời gian nghỉ ngơi rất ngắn cả đội đã được đưa ra sân tập. Tới độ mà trong trận đấu với U.19 Việt Nam, khi đã dễ dàng dẫn trước tới 2-0, 3-0, rồi 4-0 thì cầu thủ Nhật vẫn đá máu lửa, kiên quyết như khi tỷ số đang là 0-0. Có thầy Nhật Bản, có thể ĐTVN sẽ là một tập hợp kỷ cương, nề nếp. Nhưng cầu thủ Việt Nam có chấp nhận sự kỷ cương, nề nếp được đẩy tới mức cao độ hay không thì những bài học thời Riedl, Falko Goetz đã cho chúng ta một giá trị tham khảo không hề nhỏ.
Đấy là vấn đề thứ nhất, còn một vấn đề thứ hai, đó là bóng đá Nhật xưa nay nổi tiếng ở châu Á với những cầu thủ chất lượng, có lối thi đấu kĩ thuật, kiên cường, nhưng chưa bao giờ nổi tiếng với những ông thầy. Đã có thống kê cho hay hiện tại chỉ có 2 ĐTQG châu Á là ĐT nữ Myanmar và ĐT nam Lào là sử dụng thầy Nhật Bản. Và chất lượng bóng đá Myanmar, bóng đá Lào so với bóng đá Việt Nam tới đâu, là điều khỏi cần nói, ai cũng tỏ tường. Ngay cả ĐTQG nam Nhật Bản nhiều năm qua cũng phải nhờ cậy đến các ông thầy châu Âu, và hiện nay người đang dẫn dắt ĐT Nhật Bản là HLV Zacheroni, người Italia.
Có thể việc dùng một ông thầy Nhật nằm trong kế hoạch hợp tác toàn diện giữa bóng đá Việt với bóng đá Nhật, mà tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đang hướng đến. Nhưng nếu quá cả tin vào chiến lược của mình, mà không cẩn trọng, lật đi lật lại vấn đề khi quyết định "đánh bạc" với một nền bóng đá chưa bao giờ sản sinh ra những ông thầy tài năng thì không loại trừ khả năng chúng ta sẽ phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Khi tân Chủ tịch VFF nêu ý tưởng "thầy Nhật" là ngay lập tức ông tân PCT chuyên môn Trần Quốc Tuấn sang Nhật tìm thầy. Tại sao không thấy tiếng nói của Hội đồng HLV Quốc gia trong vấn đề quan trọng, nhạy cảm này?
Chiều nay, tiếp tục vòng 11 V..League 2014: Quảng Ninh chặn đà tuột dốc
Sau 3 trận thua liền tù tì, "hiện tượng" Quảng Ninh đã ít nhiều mất giá, và hơn bao giờ hết họ cần một chiến thắng để chặn đà tuột dốc không phanh. May cho họ khi đúng thời điểm này lại gặp đội bét bảng An Giang trên sân nhà. Xét ở tất cả các phương diện, chắc chắn An Giang đều kém và kém xa Quảng Ninh lúc này. Nhưng lại có một điểm chú ý là hai đội bóng đã quá quen mặt nhau ở sân chơi hạng Nhất những năm qua. Mà giành chiến thắng trước một đội bóng "quen mặt" không bao giờ là một mục tiêu dễ dàng.
Nếu trận Quảng Ninh - An Giang trên sân Cẩm Phả dự đoán sẽ là một trận đấu căng thì trận Bình Dương - Đồng Tâm.Long An trên sân Long An khả năng sẽ là trận đấu mà thầy trò HLV Lê Thụy Hải có thể "làm gỏi" đội khách một cách dễ dàng.
|
.