Thứ Ba, 15/03/2022, 09:34 [GMT+7]

"CẢNH SÁT VIỆT NAM MƯU TRÍ, DŨNG CẢM, VÌ NƯỚC VÌ DÂN, QUÊN THÂN PHỤC VỤ"- KỲ II

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm của sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022), cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành và những thành tích, chiến công, đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đất nước ta tạm chia thành hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa; miền Nam tiếp tục công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà. Trước nhiệm vụ mới của cách mạng, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Trị an hành chính nói riêng đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý hành chính, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Ngày 17/02/1955, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 9 khẳng định: “Nếu không đẩy mạnh công tác trị an thì không thể mau chóng ổn định trật tự xã hội”. Hội nghị cũng xác định những nhiệm vụ cơ bản của lực lượng Trị an hành chính, đẩy mạnh công tác trị an ở nông thôn, thành phố, đảm bảo giữ gìn trật tự, trị an xã hội trong tình hình miền Bắc mới được giải phóng.

Ngày 28/7/1956, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 982/TTg thành lập Cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an, theo đó lực lượng Trị an hành chính các cấp cũng đổi tên thành Cảnh sát nhân dân. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về mặt tổ chức, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, xứng đáng là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng, Nhà nước.

Tháng 11, 12/1959, lực lượng Cảnh sát cùng các lực lượng khác của Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt và bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại. Lực lượng Cảnh sát đã cùng lực lượng An ninh đấu tranh bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ, Ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động; bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, văn hóa - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Đấu tranh, trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm, kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm thấp nhất thiệt hại.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc đã tuyển chọn, huấn luyện, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm tấn vũ khí, tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc chi viện cho chiến trường miền Nam, sát cánh cùng lực lượng An ninh miền Nam bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và khu căn cứ cách mạng.

Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân.
Ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân

Để xây dựng Cảnh sát nhân dân thành lực lượng vũ trang thuộc Bộ Công an, thừa hành pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và tội phạm khác, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của công dân, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam; ngày 20/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 20/7 hằng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Ngày 24/7/1963, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 85/NQ-BCT về “Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 1623 P7B/G78 về xây dựng cơ quan xí nghiệp, đơn vị an toàn. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã tích cực thực hiện cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, khám phá nhiều vụ tham ô lớn. Trước tình hình tham ô xảy ra nghiêm trọng trong ngành thương nghiệp, Công an các địa phương đã hỗ trợ ngành thương nghiệp trong công tác bảo vệ, kiến nghị, bố trí cán bộ tốt vào các khâu chủ chốt, tham mưu cấp ủy đảng củng cố thương nghiệp, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tập thể.

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các kế hoạch, địa điểm chuyển quân, chuyển hàng, kho tàng, bến bãi và các cuộc hành quân của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam. Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân ngày đêm bám đất, bám đường, bắn trả máy bay địch, nguỵ trang, phân tán xe cộ, bảo vệ vật tư, phương tiện vận tải chi viện cho tiền tuyến; các chiến sỹ phòng cháy, chữa cháy, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát giao thông… quên mình trong lửa đạn để cứu người, cứu tài sản là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chữa cháy kho xăng Đức Giang, ngày 19/6/1966 (ảnh tư liệu).
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chữa cháy kho xăng Đức Giang, ngày 19/6/1966 (ảnh tư liệu)

Ngày 05/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” sử dụng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã mưu trí dũng cảm, không sợ hy sinh, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ dưới bom đạn, cứu chữa tài sản của Nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình: Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Hạ Long trong hai năm 1965, 1966 đã cứu chữa 22 vụ cháy, trong đó 08 vụ cháy do địch ném bom, bắn phá gây ra, cứu được hàng trăm tấn xăng, nhiều hầm lò sản xuất, nhiều tài sản giá trị khác. Ngày 19/6/1966, máy bay Mỹ ném bom bắn phá kho xăng Đức Giang (Hà Nội), xăng dầu bốc cháy dữ dội, Công an Hà Nội cùng Cục Phòng cháy, chữa cháy điều động các lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở các địa phương lân cận cùng với Quân khu Thủ đô, nhân dân vùng Gia Lâm quyết chiến với “giặc lửa”, dập tắt được vụ cháy, cứu được 12 bồn xăng và hàng nghìn thùng phuy xăng…

Cuối năm 1965, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về giao thông trật tự, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn trọng điểm đưa lực lượng Cảnh sát giao thông bám chốt, bám đường suốt ngày đêm; bom đạn quân thù không khuất phục được ý chí kiên cường của Cảnh sát giao thông với quyết tâm bảo đảm thông đường, thông xe vì tiền tuyến gọi, vì miền Nam thân yêu. Điển hình như đồng chí Hoàng Hữu Nờ, Chỉ huy Đồn 84 Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Cảnh sát giao thông ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh…

Lực lượng Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hướng dẫn xe qua phà Ghép trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá miền Bắc (ảnh tư liệu).
Lực lượng Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hướng dẫn xe qua phà Ghép trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá miền Bắc (ảnh tư liệu)

Cùng với các lực lượng khác, Cảnh sát khu vực có vai trò rất quan trọng, đóng góp nhiều công sức, kể cả tính mạng vào công tác phòng không nhân dân, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa của kẻ thù. Dưới làn bom của giặc Mỹ, các đồng chí Cảnh sát khu vực không quản ngại hy sinh giúp đỡ các cụ già, em nhỏ, người tàn tật, gia đình neo đơn di chuyển đến nơi an toàn, tuần tra canh gác, giữ gìn trật tự, bảo vệ tài sản công cộng, tài sản của nhân dân, nhiều đồng chí đã dũng cảm cứu chữa những người dân bị thương, bị sập hầm, bị cháy nhà, giải quyết hậu quả sau những trận ném bom. Đặc biệt có đồng chí lấy thân mình che bom đạn cho nhân dân như Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Uân (Hà Nội), Anh hùng Hồ Bá Thọ hàng chục lần lấy thân mình làm thang cho các cháu học sinh K8 lên xuống xe và xông pha trong bom đạn hướng dẫn các cháu vào nơi trú ẩn an toàn.

Ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, chúng sử dụng hàng trăm lượt máy bay và tàu chiến bắn phá các địa phương ven biển, dùng B52 ném bom rải thảm các thành phố, thị xã từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Đặc biệt, ngày 18/12/1972, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom rải thảm Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng suốt 12 ngày đêm. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm cùng các lực lượng khác vừa chiến đấu đánh trả máy bay địch, vừa tích cực hướng dẫn nhân dân trú ẩn, cứu thương, đưa nhân dân đi sơ tán, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần vào thắng lợi của trận “Điện Biên Phủ trên không”.

Tháng 3/1975, quân và dân miền Nam liên tiếp giành được thắng lợi  trong chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, hình thành thế bao vây Sài Gòn. Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị nhận định thời cơ giải phóng Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi, toàn quân ta cần “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất trong tháng 4/1975, không thể chậm được”. Cùng với cả nước tập trung huy động nhân lực, vật lực cho ngày thống nhất đất nước, gần 3.000 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chi viện cho miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, lực lượng Cảnh sát nhân dân cùng lực lượng An ninh nhân dân đã nhanh chóng tiếp quản và tích cực lập lại trật tự xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định đời sống nhân dân ở các tỉnh, thành phố vừa giải phóng. 

Mời độc giả đón đọc Kỳ III: Những đóng góp quan trọng của lực lượng CSND trong thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN

.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

.