Trước tình hình trên, cần nhận thức đầy đủ những vấn đề sau:
Lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Công an, Biên phòng tích cực phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, toàn diện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Lực lượng Công an, Biên phòng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03 ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
Lực lượng BĐBP Lào Cai và Công an Biên phòng tỉnh Vân Nam trao trả các đối tượng tại vạch phân định đường biên giới CKQT đường bộ Lào Cai. |
Qua đó, các lực lượng phối hợp đã xác minh, nắm nhiều thông tin liên quan đến nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh; phối hợp hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia đi tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới, quản lý kiểm soát phương tiện, người, hàng hóa xuất biên.
Điểm nổi bật trong công tác phối hợp giữa các lực lượng là đã tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, trật tự khu vực biên giới. Công an, Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế biên giới, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, nhất là buôn lậu, gian lận thương mại.
Qua công tác phối hợp, các lực lượng đã bắt, xử lý hàng nghìn đối tượng liên quan mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu. Trong đó, các lực lượng đã nắm chắc tình hình, phát hiện, phối hợp đưa hàng ngàn người nhập cảnh (kể cả nhập cảnh trái phép) vào các khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức điều tra, khởi tố hàng chục vụ, hàng chục bị can về hành vi "Tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép", "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép".
Lực lượng Công an tiếp tục tăng cường thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, ngăn chặn việc đưa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép, điều tra các đường dây đưa người xuất, nhập cảnh trái phép và đưa ra xử lý sớm.
Tính từ tháng 5 tới nay, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố 6 vụ với 9 bị can về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép"; Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện, khởi tố 5 vụ với 30 bị can về hành vi "Tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép"; Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, khởi tố 2 vụ với 9 bị can về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép"; Công an Đà Nẵng đã phát hiện, điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi "Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép"… Riêng Bộ đội Biên phòng từ đầu năm đến nay đã phối hợp, ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép, khởi tố trên 70 người liên quan. Riêng trong tháng 7/2020, đã có trên 2.400 người bị bắt giữ khi cố tình xâm nhập qua đường mòn, lối mở.
Từ những kết quả đạt được trong công tác phối hợp giữa Công an, Biên phòng và lực lượng khác đã chứng minh hiệu quả, đồng thời, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, chung sức cùng với cấp ủy, chính quyền nhân dân địa phương đảm bảo an ninh trật tự.
Do đó, không thể vin cớ những vụ đưa người nhập cảnh trái phép, gây tiềm ẩn dịch bệnh COVID-19 vào nội địa để thổi phồng thông tin, cho rằng đó là hệ quả do các lực lượng chức năng Biên phòng, Công an đã “ngó lơ” biên giới, thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Một số bài viết trên mạng Internet mang tính quy kết, quy trách nhiệm lực lượng chức trách “phó mặc” rồi đòi đóng cửa biên giới.
Thực tế, công tác ngăn chặn, kiểm soát người nhập cảnh trái phép qua biên giới thời gian qua được tăng cường với các biện pháp mạnh mẽ. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, một số đối tượng lợi dụng đường biên trên bộ địa hình đồi núi phức tạp để đưa người trái phép qua biên giới, đi sâu vào nội địa. Những khó khăn khách quan này cũng như các nguyên nhân chủ quan đang được cơ quan chức năng làm rõ để khắc phục, ngăn chặn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, đảm bảo an ninh biên giới và phòng, chống dịch COVID-19.
Hành vi nhập cảnh trái phép, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được xử lý theo luật định
Khoản 5, Điều 17, Nghị định 167/2013 quy định: “Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể bị phạt tiền 15-25 triệu đồng. Tùy theo mức độ vi phạm, người nhập cảnh trái phép còn bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất”.
Trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép mà còn tái phạm, cá nhân người nước ngoài có thể bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh” theo Điều 347, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành. Hình phạt được áp dụng là phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu còn có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, người nhập cảnh trái phép còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240, BLHS. Mức hình phạt tối đa cho tội này là 12 năm tù. Người đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể chịu mức án cao nhất là 15 năm tù.
Thời gian qua, Công an các địa phương phối hợp Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ, xử lý nhiều vụ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, phối hợp cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cách ly, phòng chống COVID-19.
Chẳng hạn, ngày 8/8, tại cửa khẩu quốc tế Hữu nghị Lạng Sơn, Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép tại Quảng Nam cho lực lượng Bộ đội Biên phòng để tiến hành các thủ tục trục xuất.
Trước đó qua công tác quản lý cư trú, ngày 18/7, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện, bắt giữ 21 người quốc tịch Trung Quốc cư trú trái phép tại một biệt thự thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Số người trên được một số đối tượng người Trung Quốc và người Việt Nam tổ chức nhập cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam, sau đó đưa về Quảng Nam.
Để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19, công an tỉnh đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh tổ chức đưa số người trên đi cách ly y tế tập trung theo quy định. Liên quan đến vụ việc trên, cơ quan Công an cũng quyết định khởi tố vụ án "Tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép" và "Đưa hối lộ"; khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Gao Liang Gu (40 tuổi, ở Phúc Kiến, Trung Quốc) và Lương Thị Thùy Dung (34 tuổi, quê Trà Vinh)...
Bên cạnh việc thực thi luật định đối với các trường hợp nhập cảnh trái phép, Việt Nam còn thực hiện đầy đủ các hiệp định, hiệp ước mà Việt Nam tham gia ký kết, trong đó có Hiệp định dẫn độ Việt Nam - Trung Quốc. Việc cơ quan Công an Việt Nam giao cho Trung Quốc số công dân trong một số vụ phạm pháp trước đây là tuân thủ Hiệp định dẫn độ mà Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết.
Lợi dụng vấn đề này, một số tổ chức phản động cho rằng, việc dẫn độ đối với những người phạm pháp trong đợt dịch này là vi hiến. Thực tế, theo nguyên tắc pháp lý, việc dẫn độ người có hành vi phạm tội (hoặc đã bị kết tội) cho quốc gia khác được tiến hành dựa theo Luật Tương trợ tư pháp, các điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, các điều ước đa phương về chống các loại tội phạm quốc tế…
Trong việc chuyển giao cho Trung Quốc những người Trung Quốc có hành vi phạm tội tại Việt Nam ở đợt dịch COVID-19 (nếu có), các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại các hiệp định, hiệp ước có liên quan mà hai nước đã ký kết và đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có Hiệp định dẫn độ.
Việc chúng ta tham gia ký kết các hiệp định, hiệp ước quốc tế xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trước hết thông qua việc tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, các hiệp định song phương và đa phương mà chúng ta ký kết. Vì vậy, việc quy kết Hiệp định dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc vi hiến là sai lệch.