(Congannghean.vn)-Dung dị, không tô vẽ nhưng lại chan chứa tình cảm với đất nước, gia đình, những lá thư giữa thời chiến là tư liệu sống giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những người lính cụ Hồ giữa thời đạn bom.
Lần giở từng lá thư mà Đại úy Giản Viết Xuân, Trưởng ban Sưu tầm, Bảo tàng Quân khu 4 giới thiệu, chẳng hiểu sao có cảm nhận như từng luồng điện nhẹ chạy dọc người tôi. Nét chữ của các liệt sỹ, những thanh niên vẹn nguyên một tấm lòng hiến dâng cho Tổ quốc như hiện về những thước phim hơn 20 năm kháng chiến. Họ là những thanh niên hào hoa, mang trong mình tình yêu mãnh liệt với Tổ quốc, nhân dân và gia đình. Niềm tin mãnh liệt về ngày thắng lợi đã thôi thúc họ chiến đấu, hy sinh quên mình vì dân tộc...
Trong những kỷ vật chiến tranh mà người thân còn lưu giữ những lá thư là cầu nối, nơi để người lính sẻ chia, tâm sự, vơi bớt nỗi khắc khoải nhớ gia đình, người thân. Tôi đã cố hình dung thời điểm các anh tâm sự với người thân qua các nét bút là lúc nào? Là khi khẩn trương chuẩn bị vào chiến trường sau những ngày tập luyện? Hay những lúc đi qua cánh rừng đầy gió và nắng gợi nhớ miền quê xứ Nghệ? Khi tếu táo trêu nhau về người thương mà mình chưa kịp thổ lộ... Dường như trong mọi thời điểm, những người lính trẻ đều có thể trút tâm sự qua những lá thư mộc mạc. Cuộc chiến khốc liệt nên trong các anh, chẳng ai biết, sau đó, mình và đồng đội sẽ đến đâu, ai còn, ai mất.
Một số lá thư của các liệt sỹ được lưu giữ tại Bảo tàng Quân khu 4 |
Trong các kỷ vật được gia đình gửi tại Bảo tàng, phần nhiều là những lá thư chất chứa tâm sự. Họ muốn chia sẻ, bày tỏ những tình cảm nhớ thương mong đợi, những trăn trở lo âu cho gia đình nơi quê nhà, những khát vọng về sự hội ngộ, lời hẹn thề trong tình yêu. Và dù trong mọi thời điểm, ngọn lửa của khát vọng sống chết cho lý tưởng thiêng liêng mà họ phụng sự được tỏa sáng một cách mạnh mẽ. Những năm tháng ở chiến trường, người lính hiểu rõ khó khăn, thử thách nhưng vẫn lạc quan, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời tuổi trẻ cho lý tưởng, mục tiêu cao đẹp. Họ hiểu rõ họ chiến đấu vì ai, vì điều gì và phải quyết tâm như thế nào.
Như liệt sỹ Dương Xuân Hoàng tâm sự: “Cậu mự ạ! Cậu mự cứ an tâm đừng lo gì cho con mà hao tốn sức khỏe. Con sẽ viết thư cho anh Huy, chị Hường và cậu Thành sẽ viết thư an ủi cậu mự. Cậu mự cứ an tâm để sống khỏe, sống được lâu hơn chờ ngày về của con khi thắng trận... Cậu mự à! Con thật chưa bao nhiêu tuổi, nhưng con lại xa gia đình, xa các em, để lại cha mẹ già yếu, các em thơ không ai nương tựa. Thật con nghĩ đến hoàn cảnh mự mà cày bừa đất sét và còng lưng cấy hái thì thật là khổ. Cậu cũng vậy, hàng ngày còng lưng làm mà chẳng đủ ăn con thương cậu mự và các em con quá. Thỉnh thoảng con lại đưa thư gia đình, chị Hường ra đọc mà nước mắt chảy ròng ròng”.
Hay như dòng viết vội của liệt sỹ Lê Văn Thể: “Bố mẹ và gia đình thương yêu. Trên đường đi vào dừng lại ở Nho Quan, con gửi về gia đình số tiền không tiêu đến. Đây là tiền phụ cấp của con và số tiền hôm đi bố cho. Trên đường đi may có dừng được ở ga Cầu Giát thì con sẽ xuống. Con gửi lời chào gia đình. Hôn các em của con”.
Vì là chiến tranh nên việc gửi thư về gia đình hầu như rất khó. Những lá thư khẩn trương như nhịp hành quân. Họ viết thư vào bất cứ thứ gì, có thể xé vội sổ tay, tờ giấy học trò cất giữ trong ba lô, thậm chí cả vỏ bao thuốc lá..., viết vội vã trên chuyến tàu đung đưa, xóc nảy người. Có khi đến chỗ tàu dừng ít phút, họ ném những lá thư ào ạt xuống kèm theo lời nhắn vội: “Chúng tôi đi chiến đấu đây”.
Không chỉ viết thư, trong những tháng ngày chiến tranh, nhất là những lúc chờ đợi giữa những trận đánh, các chiến dịch, các anh lại chọn nhật ký để tâm tình. “2/10/1972: Hôm nay là ngày sinh của mình. Tuổi tròn 22, tuổi của thế hệ chống Mỹ, như bao thế hệ trước biết bao nhiêu người tuổi 22 bước vào cuộc chiến đấu một cách thanh thản với tất cả nhiệt huyết và sức lực của mình… Hãy vững tin ở ngày mai tươi sáng! Hãy vững tin đi trên con đường gian khổ nhưng thật vinh quang! Chào tuổi 23!”.
Cũng có khi là những vần thơ trong sáng giữa thời đạn bom: “Thôi nhé nhật ký. Ta đã cùng nhau băn khoăn thấp thỏm cho mỗi bước ta đi. Nhật ký đã cùng ta kiểm điểm lại quá trình cuộc đời ta đi qua. Ta đã sáng suốt hơn khi nói chuyện với mày. Người quan tòa công minh của lòng ta sẽ ghi nhận như một điều sám hối trước cuộc đời. Và cho đến lúc ta kết thúc quyển nhật ký này thì tình cảm ta cũng đã sang trang rồi:
Những dấu ấn thời gian gửi lại
Những kỷ niệm cuộc đời sáng rọi bước ta đi
Ta tìm ở đây người bạn cố tri
Lúc xao động và lúc lòng yên tĩnh nhất
Trang ngày cũ hôm nay ta gấp
Để mở tiếp trang đời hứa hẹn sáng tươi hơn”
Với gia đình, thân nhân các liệt sỹ, những kỷ vật, lá thư giữa bom đạn quý giá vô ngần. Thế nhưng, vì muốn để mọi người hiểu hơn về người lính cụ Hồ, muốn giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước và cao hơn cả là sự tin tưởng với cán bộ Bảo tàng Quân khu 4, nhiều gia đình đã đến trao tặng các lá thư giữa đạn bom đó.
Cán bộ Bảo tàng Quân khu 4 lần giở những kỷ vật của gia đình các liệt sỹ |
Không chỉ đem đến cho thế hệ sau những thông điệp về hiện thực và con người trong những năm tháng chiến tranh, những lá thư còn cho thế hệ sau biết thêm về những góc khuất, những nỗi niềm suy tư trăn trở được tỏ bày trên những trang thư, những bí mật chưa thể sẻ chia. Điều này cũng một phần dễ hiểu, vì các anh đều đang trong độ tuổi còn rất trẻ. Như liệt sỹ Lê Văn Thể, khi đang ngồi trên ghế giảng đường, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã lên đường không một chút gợn riêng. Năm 1972, chàng thanh niên trẻ Lê Văn Thể nhập ngũ, cuộc chiến khốc liệt quá, cuối năm 1974, anh đã chẳng thể viết tiếp những lá thư yêu thương về gia đình. Người thanh niên trẻ của miền quê biển xứ Nghệ đã ra đi giữa lúc tuổi đời đẹp nhất, với bao khát vọng, hoài bão, ước mơ...
Những lá thư thời chiến là niềm tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước. Qua những trang thư, những lời tâm tình gan ruột của những người anh, người con, người bạn với những người thân yêu của mình, trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận hay trong khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh. Và thực sự, những lá thư thời chiến đã giúp người đọc mở rộng thêm biên độ hiểu biết của mình về quá khứ; mỗi bức thư là một khúc Aria tuyệt vời trong bản anh hùng ca giải phóng của dân tộc ta.
Và, am hiểu để chúng ta có sự cảm thông, biết ơn với những gì mà thế hệ cha anh đem lại, từ đó biết nhìn nhận hiện tại với sự trân trọng hơn.
.