Tháng 6-2018, anh H. (35 tuổi, quê An Giang) lên TP HCM sống lang thang sau trận thua cá độ World cup. Vào Bệnh viện Triều An, thấy xe cứu thương còn nổ máy mà không có người, H. bèn leo lên xe và phi thẳng về quê. Chạy được đến đầu đường cao tốc TP HCM - Trung Lương thì bị Công an bắt giữ.
Rủ rỉ rù rì mà hết tháng hết năm, một năm với nhiều khó khăn thách thức mà cũng đầy hy vọng đã trôi qua. Năm 2018, theo quan sát của chúng tôi, là một năm hết sức quan trọng của quốc gia. Khi mà những kỷ cương tưởng chừng quên lãng đã được siết chặt lại, khi mà tinh thần chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư nhất quán hành động như lời nói, khi mà những cán bộ lãnh đạo suy thoái đã phải trả giá cho những sai phạm của mình… Tất cả là tiền đề để quốc gia đón thêm sinh khí vào năm mới. Cuối năm không nhắc chuyện buồn, trong chuyên đề này chúng tôi chọn những câu chuyện liên quan sát sườn với cuộc sống nhân dân để lạm bàn và mong ước. |
Tại cơ quan điều tra, H. thành khẩn khai nhận: “Thấy xe cấp cứu còn đèn sáng nên định mượn tạm chạy về quê lấy tiền rồi lên trả lại chứ ai lấy xe từ thiện làm gì”.
Tất nhiên, rất có thể anh ta nói thật vì xưa nay người ta cướp ôtô, xe máy sang chứ chẳng ai đi cướp xe cứu thương bao giờ! Nhưng sau đó, anh H. cũng khai với công an rằng, anh ta từng mắc bệnh tâm thần! Thật may mắn cho nhiều người là anh ta biết lái xe.
Minh họa: Hùng Dingo. |
Cũng trong năm nay, nhiều người mắc chứng rối loạn tâm thần như H. đã không dừng lại ở chuyện “mượn xe cứu thương về quê lấy tiền” mà đã gây ra những vụ thảm kịch cho người thân, gia đình và những người xung quanh. Đó là chuyện ở Bạc Liêu, thanh niên 34 tuổi bất ngờ vung dao chém xối xả khiến 3 người hàng xóm tử vong và 6 người nhập viện.
Ở Bình Định, thanh niên 37 tuổi dùng gạch đánh chết bố đẻ, vợ và con trai. Ở TP HCM, một bảo vệ dân phố đột nhiên xuống tay cắt cổ một bé trai sang đường,…
Rất nhiều những thảm án như thế đã xảy ra trong cuộc sống này mà kẻ ra tay thủ ác có thể mới trước đó còn mang dáng dấp của một người lương thiện, tử tế.
Họ có thể là một anh bảo vệ dân phố của phường ngày ngày tham gia bảo vệ trật tự trị an cho bà con khu phố. Ai có thể ngờ được rằng, cũng trong màu áo xanh đó, cũng con người đó hằng ngày lại tự dưng thành sát nhân vô cớ!
Rồi những người làm cha, mẹ, người vợ, người con có bao giờ tưởng tượng ra rằng, một ngày xấu trời nào đó, họ lại bỏ mạng vì chính người con, người chồng, người cha ruột của mình? Tôi tin câu trả lời chắc chắn là không, dẫu rằng người thân của họ từng có những biểu hiện bất ổn về mặt tâm lý, tâm thần.
Trong thời đại truyền thông hiện đại, với hàng trăm, hàng nghìn dòng tin mỗi ngày trên các phương tiện báo chí khiến người ta có thể dễ dàng để lọt một tin nào đó, cũng là điều hết sức dễ hiểu. Đó là chưa kể, nhiều trang thích đưa những tin giật gân lên trang nhất và cả thói quen đọc báo của một số đông độc giả hiện nay cũng như vậy, thích những tin “sốc”, kiểu người mẫu A “lộ hàng”, hoa hậu B bị bắt trong đường dây bán dâm nghìn đô,…
Không chắc có bao nhiêu người đã đọc và thật sự tâm tư về một con số thống kê từ kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế, đó là có khoảng 15% dân số bị mắc các chứng rối loạn tâm thần phổ biến liên quan đến stress. Nhưng đây được đánh giá là con số bề nổi, chưa phản ánh đầy đủ.
Sau đó, Viện Sức khỏe tâm thần cũng làm một thống kê và cho thấy rằng, có đến 30% dân số Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Những thống kê này không mới, nhưng mỗi năm cứ được báo chí nhắc lại trong một vài mẩu tin nhỏ, nhân Ngày Sức khỏe tâm thần hoặc nhân những sự kiện có liên quan.
30% dân số mắc các chứng rối loạn tâm thần, tức là trong một tập thể 10 người thì có khoảng 3 người bị. Đây là một tỷ lệ đặc biệt cao, nó cho thấy rõ ràng rằng, vấn đề sức khỏe tâm thần của người Việt đang có vấn đề và đây phải là câu chuyện cần đưa ra để cả xã hội, không chỉ riêng ngành y tế mà các cấp chính quyền quan tâm thật sự.
Con số 30% đó, là một con số gây sốc thật sự. Về mặt lý thuyết, đây mới là tin “chấn động” trong xã hội nhưng thực tế có vẻ là không, không nghe ai nhắc đến điều này, báo chí cũng thờ ơ bằng cách đưa tin hoặc một vài bài phỏng vấn chuyên gia chứ chưa thấy tòa soạn nào tổ chức thành một chuyên đề đáng bàn thật sự.
Công chúng, truyền thông ít quan tâm đã đành, ngành y tế cũng chưa có những động thái mạnh mẽ, hầu hết chỉ mới đưa ra con số thống kê mà chưa có những giải pháp thật sự cho vấn đề. Trong khi đó, những bi kịch liên quan đến người mắc các chứng rối loạn tâm thần đang có dấu hiệu ngày càng tăng.
Nhắc đến bệnh lý “tâm thần” thì nhiều người trong chúng ta hay lầm tưởng rằng đó là “điên”, tức là những người có biểu hiện điên loạn chứ ít ai nghĩ rằng, rối loạn tâm thần có nhiều dạng, trong đó đa số là stress, trầm cảm. Cũng chính vì lý do đó mà ít khi người bệnh biết mình đang mắc bệnh!
Nguyên nhân của rối loạn tâm thần đã được các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, đó gần như là căn bệnh của thời đại. Khi con người phải chịu quá nhiều áp lực từ công việc, cuộc sống cộng thêm không có đủ thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn nên dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, ám ảnh…
Từ những dấu hiệu tâm thần đầu tiên đó nếu không được kịp thời can thiệp, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của con người.
Có một vấn đề là khi biết bản thân mắc bệnh, nhiều bệnh nhân và cả người nhà lại không muốn chấp nhận điều đó, họ thường tự chữa trị qua các thầy lang, thầy cúng. Việc điều trị không đúng phương pháp, không đến nơi đến chốn đó đã làm cho bệnh nặng thêm.
Cũng có trường hợp, nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm hoặc do lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh nên cứ kệ. chính vì lẽ đó là theo thống kê của ngành y tế, trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám chữa bệnh!
Hiện tại, có rất nhiều vấn đề của ngành y tế đáng để quan tâm, đó có thể là chuyện cơ sở vật chất, là bệnh viện vệ tinh, là trình độ bác sĩ, là chuyện y đức,… chuyện 30% người Việt mắc chứng rối loạn tâm thần cũng là một vấn đề đáng quan tâm như thế. Và con số thống kê đó càng trở nên đáng lo ngại hơn rất nhiều lần khi xã hội có biểu hiện thờ ơ với nó.
Cho nên, nếu nói có mong muốn gì về lĩnh vực y tế trong năm mới 2019, tôi mong muốn ngành y và cả xã hội hãy dành một mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề này. Và cũng xin gửi gắm một thông điệp rằng, hãy chăm lo sức khỏe tâm thần hay nói cách khác là chăm lo đời sống tinh thần của mỗi người.
Áp lực cuộc sống với cơm áo gạo tiền là có thật, song chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, mọi thứ là vô nghĩa nếu một ngày tâm hồn ta trở nên cằn cỗi và tinh thần thì suy kiệt.