Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201807/dau-tranh-ngan-chan-khai-thac-cat-trai-phep-noi-niem-cat-tac-804533/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201807/dau-tranh-ngan-chan-khai-thac-cat-trai-phep-noi-niem-cat-tac-804533/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nỗi niềm 'cát tặc' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 17/07/2018, 07:47 [GMT+7]
Đấu tranh ngăn chặn khai thác cát trái phép

Nỗi niềm 'cát tặc'

>>Kỳ 1: Liên tiếp những chuyên án lớn

>>Kỳ 3: Không thể buông lơi!

>>Kỳ 4: Cần lắm sự chung tay

(Congannghean.vn)-Kiên trì, miệt mài dọc các tuyến sông Lam, sông Hiếu, CBCS Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an Nghệ An đã không quản ngại thời tiết khắc nghiệt giữa những ngày hè nóng bức, kiên quyết đấu tranh với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép. Những chiến công thầm lặng của các anh đã góp phần quan trọng ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép; bảo vệ sự bình yên trên mọi miền sông nước xứ Nghệ.

Kỳ 2: Nỗi niềm “cát tặc”

Người viết bài này chưa bao giờ có ý định bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi. Chỉ mong muốn, từ thực tế trăn trở của chính lực lượng Công an trong quá trình làm việc cũng như giãi bày của những người quanh năm lênh đênh trên sông nước để có cái nhìn khách quan hơn, đa dạng hơn. Bởi, cuộc đấu tranh chống “cát tặc” không chỉ của riêng CSMT, nỗ lực mà cần sự hợp sức, nỗ lực chung tay của các cấp chính quyền.

Cảnh sát Môi trường luôn kết hợp tuyên truyền pháp luật trong những lần làm việc với người dân
Cảnh sát Môi trường luôn kết hợp tuyên truyền pháp luật trong những lần làm việc với người dân

Muôn kiếp mưu sinh

Thực hiện Chuyên án 1017C, Đội 3, Phòng CSMT đã tăng cường tuần tra dọc tuyến sông Lam chảy qua các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương…, chủ động phát hiện các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi. Qua đó, phát hiện nhiều người vi phạm, trong đó có nhiều trường hợp trong 1 gia đình, là anh em họ tộc.

Ông Hà Văn Chiến (SN 1978) trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, sống bằng nghề chài lưới đã lâu. Theo nghiệp gia đình, từ hồi còn niên thiếu, ông đã theo bố mẹ lênh đênh trên những con thuyền dọc theo khắp các con sông, từ Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn. Lấy vợ, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời, biết sống bằng nghề chài lưới chẳng thể nào ổn định, rút kinh nghiệm từ bản thân, ông luôn nhắc nhở con học hành đến nơi đến chốn. Và để có tiền nuôi 5 miệng ăn, biết khai thác cát là vi phạm pháp luật nhưng ông cứ “chặc lưỡi, biết làm sao được”.

Tránh sao được lưới trời, trong 1 lần khai thác cát trái phép tại xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, ông bị cơ quan chức năng phát hiện. Lúc này, trên thuyền, ngoài ông Chiến còn có con trai cả và 2 con gái sau. Đến khi lực lượng Công an yêu cầu ký vào biên bản, người đàn ông ngoài 40 tuổi mới ngại ngùng cho biết, mình không biết viết, biết đọc. Ngay cả cậu con trai Hà Văn Mạnh đã học cấp 3, việc khai báo cũng chẳng rõ ràng, mạch lạc.

“Tôi nghèo, có được đến trường mô, mọi việc cần thiết nhờ hàng xóm, cần thì có vợ con”, ông Chiến cho biết.

2 cô con gái sau cũng được ông dự định gả chồng sớm, nối nghiệp gia đình như bao đời ông đã gắn bó. Cùng lúc thuyền ông Chiến bị bắt, em gái ông cũng bị Đội 3, Phòng CSMT phát hiện tại điểm khai thác xóm 1, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương.

Trong những chiếc thuyền sử dụng để khai thác cát, mọi vật dụng đều được sắm sửa đầy đủ để 1 gia đình sinh hoạt bình thường. Sáng ở trên thuyền, con cái không phụ giúp bố mẹ thì chơi với mấy bạn cùng trang lứa thuyền bên cạnh. Đến khi mặt nước cùng trời hòa một màu đen kịt, các thành viên lại chuẩn bị một “mẻ làm” mới.

Em Nguyễn Thị Linh, con ông Nguyễn Xuân Tân ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, người bị lực lượng Công an bắt giữ vào đêm 15/5 cùng với nhiều trường hợp khác, cứ mếu máo hỏi rằng, bị vậy rồi, có được tiếp tục sinh sống trên thuyền nữa không. Linh chỉ học hết cấp 1 rồi nghỉ theo bố mẹ lênh đênh trên sông nước. Em mơ ước được làm cô giáo đứng trên bục giảng. Nhưng sinh ra là con gái út trong gia đình có 5 người con, khi miệng ăn còn chưa lo xong, trang sách còn quá xa vời, huống hồ 1 công việc ổn định trong tương lai? 11 tuổi nhưng vóc dáng, suy nghĩ của Linh đã già dặn. Khi được hỏi khi nào thì em lên bờ học lại, Linh dõi đôi mắt đượm buồn hướng về những nóc thuyền nối tiếp nhau, nhấp nhô theo sóng nước.

Không biết chữ, đông con, đói nghèo là đặc điểm chung của những gia đình sống trên sông nước mà tôi được gặp. Họ đến từ nhiều địa phương: Cửa Lò, Thanh Chương, Tân Kỳ… Kiếp mưu sinh bằng sông nước cứ như cái nghiệp, đằng đẵng bủa vây, chẳng thế nào khác được.

Trẻ em theo cha mẹ sống bằng nghề sông nước thường chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình phát triển toàn diện
Trẻ em theo cha mẹ sống bằng nghề sông nước thường chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình phát triển toàn diện

Không mặn mà lên bờ

Nhiều năm qua, Nghệ An đã đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong bối cảnh xu hướng “ly nông, ly quê” ngày một nhiều, đây được xem là biện pháp hữu hiệu để gắn kết các thanh, thiếu niên với quê hương, với công việc truyền thống. Tuy nhiên, với những người quanh năm lênh đênh trên sông nước, chủ trương trên vẫn còn 1 bước dài để đi vào thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thanh trú tại thị trấn Nàm Đàn, huyện Nam Đàn thật thà chia sẻ: Nếu không làm nghề chài lưới, bà con ở đây không biết làm nghề gì cả. Từ khi lên bờ, cuộc sống có “an cư” nhưng chưa “lạc nghiệp”; thậm chí, nhiều hộ gia đình chưa biết lấy tiền đâu để trả nợ xây nhà, nợ nần ngân hàng vẫn còn chồng chất. Đầu tư rất nhiều tiền vào thuyền vỏ sắt, gia đình bà cũng như nhiều hộ khác chấp nhận đánh đổi đi khai thác cát trái phép để giải quyết mưu sinh.

Quá lệ thuộc, gắn bó vào sông nước khiến họ không thể tìm hướng ra sáng sủa hơn cho bản thân và cả gia đình. Vì thế, dù trên bờ, đã có nhà cửa ổn định, nhưng được vài hôm, cả gia đình tiếp tục quay lại thuyền, chấp nhận cách sống tạm bợ, nổi trôi.

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Đội trưởng Đội 3, người từng có kinh nghiệm nhiều năm trong đấu tranh với hành vi khai thác cát trái phép tại các tuyến sông chia sẻ: Anh và đồng đội trăn trở rất nhiều mỗi lần xử lý các trường hợp vi phạm. Có những gia đình đã nhắc nhở, tuyên truyền, vận động, thế nhưng, đâu lại hoàn đó.

“Nhiều lúc, khi lập biên bản, cả gia đình không có 1 người biết chữ. Hôm nay nhắc, hôm sau gặp cũng tuyên truyền, thế nhưng, họ vẫn tái phạm. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, vì mục tiêu chung, chúng tôi phải đấu tranh, xử lý”, Trung tá Tùng cho biết.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, việc tuyên truyền, đấu tranh về hành vi khai thác khoáng sản nói chung và cát, sỏi nói riêng vẫn đang được “phó mặc” cho lực lượng Công an. Các cấp chính quyền địa phương vẫn còn thiếu quan tâm, quyết liệt trong nhiệm vụ này. Dù đã nhiều lần có các văn bản nhắc nhở, song, kết quả vẫn còn khá nhỏ giọt.

Hệ quả là, nước sông Lam vẫn như muôn thuở, khi đầy, khi cạn, cũng như kiếp người quanh năm mưu sinh bằng “nghiệp” sông nước, vẫn lênh đênh chẳng thể đổi thay.

(Còn nữa)

>>Kỳ 1: Liên tiếp những chuyên án lớn

>>Kỳ 3: Không thể buông lơi!

>>Kỳ 4: Cần lắm sự chung tay

.

Mai Hậu

.