Tôi cứ ám ảnh mãi câu chuyện của Đại tá Trần Đình Hồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang về chuyến tàu vượt biên sang Hồng Kông gồm 21 người nhưng không ai trở về. "Đau xót lắm em ạ, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà bỏ mạng xứ người. Chuyến tàu gồm 21 người nhưng chỉ 14 người tìm được xác...".
Chuyến tàu định mệnh đó xuất bến vào một ngày cuối tháng 3-2017, con tàu chở theo 21 người vượt biển từ Trung Quốc lục địa sang Đài Loan bất ngờ bị chìm. Không một ai trên chuyến tàu có thông tin gì sau chuyến đi định mệnh đó. Đến đầu tháng 4-2017, phía Trung Quốc phát hiện một số thi thể nổi trên biển nên đã tiến hành trục vớt, đưa vào bờ.
Công an Bắc Giang vận động người đi xuất cảnh trái phép trở về yên tâm lao động, sản xuất. |
Qua xác minh, Bộ Ngoại giao xác định anh H chính là người Việt Nam, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng nên Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Ngày 31-7, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bắc Giang được giao nhiệm vụ quan trọng trên. Đây là vụ việc đặc biệt khó bởi tất cả những người đi trên tàu không ai quay về. Họ đi xuất khẩu lao động "chui" nên gia đình cũng không ai biết thông tin, cũng không ai biết chuyến tàu trên có bao nhiêu người, ai đưa đi, đi như thế nào...
Với quyết tâm làm rõ được vụ án, CBCS phòng ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang bắt đầu bằng những chi tiết nhỏ nhất. CBCS trong đơn vị tìm đến từng gia đình của những người đã thấy xác nạn nhân để gặp gỡ, tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Có những gia đình ở tận Bố Trạch, Quảng Bình, có những gia đình ở Thạch Hà; Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), có gia đình ở giáp biên giới với nước bạn Lào.
Tuy nhiên, mọi thông tin do người thân của nạn nhân cung cấp đều hết sức mù mờ bởi họ cũng không biết gì nhiều, họ chỉ biết con, em hoặc chồng, vợ mình đi khỏi nhà từ cuối tháng 3-2017, khi đi nói là đi Đài Loan lao động với đối tượng người Bắc Giang nhưng không biết đối tượng nào, ở đâu.
Trong số hàng chục gia đình thân nhân của các nạn nhân mà các trinh sát, điều tra viên Phòng ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang gặp gỡ, tìm hiểu, các anh đã tìm được 1 thông tin hết sức quý giá, đó là chị Đặng Thị Vân, SN 1988, trú ở xã Cẩm Dương, cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (em gái của nạn nhân Đặng Quốc S) cung cấp thông tin cho biết, sáng 29-3, anh S gọi điện cho chị Vân nói là đang ở tỉnh Lạng Sơn.
Anh S gửi vào tài khoản của chị Vân 37,5 triệu đồng, nhờ chị Vân chuyển 35 triệu cho một người là Hoàng Thị Trang tại Ngân hàng Agribank Lạng Sơn. Chị Vân đã thực hiện yêu cầu trên.
Từ thông tin này, xác định chị Hoàng Thị Trang có biết thông tin nào đó về chuyến đi nên Cơ quan ANĐT đã triệu tập Hoàng Thị Trang đến làm việc. Chị Trang trình bày vào ngày 29-3, Trang được chị gái là Hoàng Thị Huyền, lấy chồng ở xã Yên Khoái, Lộc Bình, Lạng Sơn nhờ nhận 35 triệu đồng của chị Vân. Trang không biết đó là tiền gì và được sử dụng như thế nào.
Qua xác minh, Cơ quan ANĐT đã triệu tập Hoàng Thị Huyền. Ngày 21-8, chồng Huyền là anh Trần Văn Khánh đã đưa Huyền đến cơ quan ANĐT Công an Bắc Giang để đầu thú có liên quan đến việc đưa người đi nước ngoài trái phép.
VĐối tượng Hoàng Thị Huyền và Nguyễn Huy Thường. |
Tại cơ quan ANĐT, Hoàng Thị Huyền khai nhận, do Huyền biết tiếng Trung Quốc, thường xuyên qua lại biên giới nên sáng 25-3, có một thanh niên tên Thường (giới thiệu là người quen của chị chồng Huyền) đến đặt vấn đề thuê đưa người đi vượt biên với mức chi phí 130.000đ/người. Tối cùng ngày, người thanh niên trên vay Huyền 1 vạn nhân dân tệ (35 triệu đồng).
Ngày 26-3, Thường cùng 3 người khác đến khu vực cây xăng ở cửa khẩu Chi Ma gọi điện cho Huyền ra đón. Huyền đón 4 người rồi đưa cho Thường 1 vạn NDT, yêu cầu Thường trả tiền công dẫn vượt biên 4 người là 520.000đ. Sau đó, Huyền đưa Thường và 3 người trên đi vượt biên sang Trung Quốc theo đường mòn. Đến sáng 29-3, chị Trang nhận được số tiền trên nên đã chuyển cho Huyền (là tiền Huyền cho vay trước đó).
Từ lời khai của Huyền và các tài liệu liên quan, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã làm rõ đối tượng đưa người lao động xuất cảnh trái phép là Nguyễn Huy Thường, SN 1987, trú ở xã Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang nên đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng này.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT đã làm rõ đường dây đưa người đi xuất cảnh trái phép dẫn đến việc 21 người tử nạn giữa đường. Đó là vào giữa tháng 3-2017, Thường được anh họ là Trương Văn Thuỷ Minh rủ "gom" lao động rồi đưa sang Đài Loan lao động. Theo đó, Minh có nhiệm vụ tìm người lao động, còn Thường - vốn từng vài ba lần sang Trung Quốc nên biết mối, có nhiệm vụ tìm cách đưa người lao động vượt biên.
Ngày 24-3, sau khi "gom" được 20 lao động ở nhiều địa phương trên cả nước, bảo họ đến nhà mình ở xã Vô Tranh, Lục Nam. Tại đây, Minh nhờ Thường thuê nhà nghỉ cho họ ở. Đến sáng 25-3, Thường thuê ô tô đưa các lao động trên đi Lạng Sơn, thuê nhà nghỉ ở đó.
Đến sáng 26-3, Thường đưa 3 người đi trước, đến cửa khẩu Chi Ma thì liên hệ với Hoàng Thị Huyền để Huyền dẫn đi. Sau khi vượt biên trái phép sang Trung Quốc, Huyền quay về, còn Thường thuê xe ô tô đưa 3 người đến TP Sa Thầu, tỉnh Quảng Đông. Tại đây, Thường đã vào làng chài, mua 1 chiếc thuyền đánh cá để Minh đưa người lao động đi Đài Loan, còn mình quay về.
Về phía Trương Văn Thuỷ Minh, sau khi Nguyễn Huy Thường đi "tiền trạm" và mua được thuyền, Minh đưa 17 người còn lại sang Trung Quốc và lên thuyền để sang Đài Loan. Tuy nhiên, không rõ nguyên nhân vì sao mà cả đoàn người (trong đó có Minh) đã tử nạn dưới biển.
Đến nay, Trung Quốc mới tìm được 14 thi thể nạn nhân, đã giám định AND bàn giao cho các gia đình mai táng theo đường ngoại giao. Số còn lại chưa rõ tung tích.
Ngày 27-12, Thượng tá Đào Đức Bích, Phó trưởng phòng ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi xác định rõ hành vi phạm tội, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Huy Thường và Hoàng Thị Huyền về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang tích cực phối hợp với nước bạn tìm kiếm các thi thể còn mất tích.
Được biết, mỗi năm, tỉnh Bắc Giang có khoảng 5.000 đến 6.000 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Do đi "chui" nên người lao động phải chấp nhận rất nhiều rủi ro, nguy hiểm như: ốm không được chữa bệnh, điều kiện lao động không đảm bảo, bị "bùng" tiền công, nơm nớp lo bị truy quét.
Như trường hợp 4 thành viên trong gia đình anh Đào Văn Kết (SN 1973) ở thôn Phấn Sơn, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) bị Công an tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) buộc về nước. Dù đã hơn 2 năm qua nhưng họ vẫn không nguôi nỗi ám ảnh. Không chỉ hai vợ chồng bị bắt, giam giữ suốt ba tháng mà hai con của anh chị xuất cảnh trái phép cũng bị phát hiện, bắt giữ.
Anh Kết ân hận: "Chỉ vì tin lời rủ rê mà cả nhà tôi đã trốn sang nước ngoài lao động chui. Kinh tế đâu chả thấy, các con theo đó rơi vào khổ cực. Chúng tôi lấy đó làm bài học cảnh tỉnh cho mình và người thân".
Không may mắn được như anh Kết, anh Bế Văn G (SN 1997) ở thôn Ba Gò, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam đi sang Trung Quốc làm ăn nhưng khi về chỉ là lọ tro cốt. Vào một ngày tháng ba Âm lịch, gia đình ông B (bố anh G) nhận được tin sét đánh, G không may bị tai nạn lao động trong khi làm ca đêm. Do ban đêm, lại không có xe cấp cứu kịp thời nên G bị mất máu nhiều rồi tử vong.
Phải 15 ngày sau, gia đình mới đưa được tro cốt G về quê hương. Dù tử nạn nơi xứ người nhưng gia đình anh G vẫn thấy may mắn bởi có thể nhanh chóng đưa con về quê, còn 1 số gia đình khác vì không đủ tiền thuê, thủ tục rườm rà có khi không mang được xác về.
Thời điểm hiện tại, có rất nhiều người dân ở Bắc Giang lại khăn gói vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm "chui". Sở dĩ họ đi theo con đường này là do chi phí thấp, thủ tục nhanh gọn, không đòi hỏi tay nghề cao, lại có việc làm ngay… Nắm được tâm lý này, nhiều đối tượng cò mồi đã chủ động săn đón, hình thành đường dây đưa người trốn đi.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, một số địa phương đã có những giải pháp khá hiệu quả. Như huyện Lục Nam, Công an huyện đã tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền.
Đảng ủy các xã, thị trấn hằng tháng sinh hoạt chi bộ có kiểm điểm về nội dung này. Công an huyện liên tục cử cán bộ xuống địa bàn nằm vùng, phối hợp với người uy tín trong dòng họ, cộng đồng tuyên truyền để người dân hiểu được hệ lụy, rủi ro, hậu quả của xuất cảnh trái phép.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã có nhiều biện pháp thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giải "bài toán" việc làm cho người dân, giúp họ có thu nhập chính đáng, ổn định ngay ở quê hương; mở lớp đào tạo nghề để người dân chuyển đổi nghề nghiệp.
Bà con cũng tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời kêu gọi đầu tư, tạo nhiều ngành nghề mới thu hút lao động địa phương. Tuy nhiên, vì mong muốn có cuộc sống ổn định hơn, nhiều người vẫn tìm cách vượt biên ra nước ngoài trái phép để làm thuê mà không nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra.
Đại tá Trần Đình Hồng, cho biết, nguyên nhân sâu xa của tình trạng lao động xuất cảnh trái phép là do đời sống khó khăn, thiếu việc làm. Chính vì vậy, để ngăn chặn triệt để tình trạng này,cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút doanh nghiệp đầu tư mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Lực lượng công an sẽ quản lý chặt nhân khẩu, hộ khẩu, kịp thời phát hiện người đi khỏi địa phương để chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức ngăn chặn hành vi xuất cảnh trái phép.
.