Trong hành trình thoát nghèo của mỗi quốc gia thì việc phải chấp nhận những hệ lụy và đánh đổi như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, nguồn lực lao động rẻ mạt, chất xám lãng phí, tệ nạn xã hội, tham nhũng… là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường là một sự đánh đổi đắt giá nhất bởi hệ lụy và tác hại của nó đối với cuộc sống của con người và muôn loài là nặng nề và lâu dài, để khắc phục là vô cùng tốn kém.
Cứ căn theo đánh giá của ngành môi trường thì tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái ở nước ta do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Và cũng theo tính toán của ngành này, thì "bình quân mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác”. Như thế để biết rằng việc một trăm khối hay một trăm tấn chất thải rắn đổ vào vườn nhà ông quản lý môi trường chỉ là con số nhỏ.
Nhưng mà nhục là ở chỗ câu chuyện về "người khổng lồ" Formosa xả thải làm ô nhiễm cả một vùng biển rộng lớn của miền Trung đang còn nóng giãy đành đạch, dân đang còn khốn khổ, tác hại còn hệ lụy lâu dài, trong khi chưa có câu trả lời và giải pháp thỏa đáng thì Fomosa lại hồn nhiên kìn kìn vận chuyển chất thải rắn đến đổ vào vườn nhà "ông môi trường" của huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh.
Điều đáng nói là trong bản hợp đồng giữa Công ty Môi trường - Đô thị Kỳ Anh với Formosa đã ghi rõ yêu cầu phía công ty phải chở chất thải đến xử lý ở các khu xử lý rác thải của Hà Tĩnh đã được Sở TN-MT cấp phép; phải cho bên A đến hiện trường kiểm tra để tìm hiểu phương thức và địa điểm xử lý bùn bánh…
Nhục là chính ông giám đốc công ty này lại hồn nhiên nói rằng xin 100 tấn chất thải về... bón cho cây và rằng: "Nếu sau này kết quả phân tích 100 tấn bùn trên có chứa chất nguy hại thì lỗi không phải do công ty chúng tôi mà là lỗi do kết quả phân tích trên văn bản"… Lạy ông giám đốc luôn!
Vụ việc chôn rác thải ở Hà Tĩnh khiến người dân lo lắng |
Cho dù đã có nhà thầu phụ đứng ra thì với hàng trăm tấn bùn này liệu Formosa nghĩ gì, có thấy xấu hổ khi họ vừa nói lời xin lỗi chân thành từ trái tim hơn chục ngày trước đó? Họ nghĩ gì đến lời cam kết trả lại môi trường sạch? Trong khi nhân dân còn khốn đốn, còn phẫn nộ, hậu quả còn khôn lường thì hành động xả thải xuống biển, lên rừng vẫn diễn ra một cách bất chấp.
Cách hành xử của một "đại doanh nghiệp" như thế liệu có khác một lời thách thức? Và cay đắng hơn, "tiên trách kỷ hậu trách nhân", nếu như công ty kia không vì tiền mà bất chấp, chính quyền địa phương và các ngành chức năng kiểm soát sát sao thì hàng trăm tấn chất thải của Formosa làm sao có thể đổ một cách ngang nhiên như thế.
Trong những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường của nước ta đã ở mức báo động và càng ngày càng gia tăng cấp độ ở tất cả các mặt như: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ thành thị đến nông thôn, từ vùng xuôi đến miền núi, từ sông suối ao hồ đến đại dương.
Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy xí nghiệp, các công ty doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề, cơ sở sản xuất tư nhân và cả các cá nhân trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc tổ chức kiểm tra kiểm soát và xử lý ô nhiêm môi trường mới là điều đáng quan tâm. Sự việc xả thải của Formosa là rất nghiêm trọng, đó là một bài học đắt giá về sự kiểm soát vấn đề môi trường ngay từ đầu.
Theo quy định thì công tác kiểm soát môi trường phải được đặt ra trước khi các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động. Về mặt lý thuyết là như thế nhưng trên thực tế trong những năm vừa qua có rất nhiều cơ sở sản xuất, những vụ việc về môi trường chỉ được xử lý khi đã vỡ ra, có rất nhiều vụ việc là do nhân dân và báo chí phát hiện.
Dư luận nhân dân đặt ra câu hỏi vậy thì chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng ở đâu? Năng lực yếu kém hay tiêu cực? Tắc trách hay vô cảm? Câu trả lời dư luận và báo chí của chính quyền địa phương hay các cơ quan chức năng hầu như đã quen với từ rà soát. "Chúng tôi sẽ kiểm tra rà soát và đề xuất hoặc có hướng xử lý triệt để".
Chao ôi, sự việc nó chình ình ra đó bao nhiêu ngày, tỷ như chuyện rác ngập các con kênh ở quận Từ Liêm - Hà Nội, rác ngập vào đến nhà dân ở quận Bình Thủy - Cần Thơ, nước bẩn đặc sánh cá chết trắng mặt hồ ở Hà Nội, lợn chết quăng đầy mương rãnh xóm làng ở Hà Nam… mà khi dân kêu báo hỏi thì chính quyền và "ông môi trường" vẫn phán hồn nhiên: "chúng tôi sẽ cho kiểm tra rà soát và có hướng xử lý".
Ơ hay, rác nó chình ình đập vào mắt ông, sông hồ nó thối đen mùi hôi nó xộc vào mũi ông, lợn chết nó chồng lên ở cạnh nhà ông hằng ngày mà ông còn bảo phải kiểm tra rà soát là sao? Như thế thì những thứ những nơi chưa vỡ ra, dân chưa phản ánh thì sao và hằng ngày các ông làm gì? Chỉ có thể là quan liêu và vô cảm mà thôi. Nếu các nhà quản lý bớt vô trách nhiệm đi, nhìn về tương lai, giữ cho tương lai các thế hệ con cháu mình, thì hệ quả không đau lòng đến thế.
Cũng cần phải nói thêm rằng có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá vì vậy đã bằng mọi cách trốn tránh nghĩa vụ và trách nhiệm, không thực hiện đúng các yêu cầu quy định về môi trường, gây khó khăn cho công tác quản lý, bên cạnh đó ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao, chưa tuyên truyền để cho người dân hiểu về tác hại môi trường một cách thấu đáo.
Ngoài việc kiểm tra kiểm soát chưa chặt chẽ, thường xuyên, vấn đề xử lý cũng chưa được coi trọng và công bằng. Có những nơi, những vụ việc làm rất khẩn trương rất tốt nhưng cũng rất nhiều vụ việc hoặc xử lý nửa vời hoặc nhì nhằng rồi chuyện cũng qua.
Câu hỏi đặt ra là tại sao vụ ô nhiễm sông Bưởi làm cá nuôi của nông dân chết hàng loạt ở Thanh Hóa lại được chính quyền và các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp gây ô nhiễm xử lý khẩn trương rốt ráo như thế? Tại sao ông Bí thư Đinh La Thăng xử lý ô nhiễm ở một con kênh của huyện Hóc Môn lại nhanh và dứt điểm như thế?
Trong khi đó có biết bao nhiêu những vụ việc cứ lần lữa nhì nhằng trong xử lý, những nơi người dân cứ hàng ngày hàng giờ sống chung với rác và nguồn nước ô nhiễm. Nhiều nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn ngang nhiên ngày đêm xả nước thải chưa qua xử lý ra tự nhiên và các dòng kênh, dòng sông, ao hồ, ra biển. Liệu có không chính quyền và cơ quan quản lý tắc trách hay là tiêu cực, bao che, thậm chí tiếp tay cho việc các cơ sở sản xuất kinh doanh trốn tránh quy định về môi trường?
Rõ ràng là dù với bất cứ lý do gì thì thái độ trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan quản lý môi trường vẫn là yếu tố hàng đầu và vô cảm với cuộc sống của người dân, của cộng đồng? Vô cảm ở một góc độ nào đó có thể coi là tội ác. Đấy là chưa nói đến có chỗ, có nơi còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực trong lĩnh vực môi trường.
Môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính dẫn đến việc phát sinh các loại bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư. Tỷ lệ người mắc và chết vì bệnh ung thư của Việt Nam đã nằm ở top những nước có người mắc bệnh ung thư cao nhất thế giới. Không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe con người hiện đang sinh sống mà ô nhiễm môi trường còn gây tác hại lâu dài đến nhiều thế hệ. Việc xử lý hậu quả ô nhiễm môi trường là cực kỳ tốn kém.
Đã đến lúc ngoài việc tuyên truyền pháp luật về môi trường, tổ chức các lực lượng tham gia tình nguyện làm sạch môi trường, tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của việc ô nhiễm môi trường. Chúng ta cũng phải tăng cường mạnh mẽ công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý về ô nhiễm môi trường bằng các biện pháp cứng rắn. Xem xét chế độ trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo của chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng về quản lý môi trường một cách cụ thể rõ ràng.