Dù đã nghỉ hưu được 2 năm nay nhưng y tá Nguyễn Thị Xuân (SN 1957, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn tình nguyện ở lại trại phong Quả Cảm (Yên Phong, Bắc Ninh) để chăm sóc cho bệnh nhân phong - căn bệnh mà xưa nay vẫn thường bị người đời kỳ thị, xa lánh…
Sức mạnh của tình thương
Đến trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh), khác với suy nghĩ ban đầu, trại phong Quả Cảm hiện ra trước mặt tôi là những cặp vợ chồng tập tễnh trên những chiếc chân giả đang tưới nước, trồng rau xanh, những cụ ông quây bên những bàn cờ dưới gốc mít, những đứa trẻ khoác cặp sách, đạp xe đi học. Y tá Xuân bảo: vùng đất chết ngày xưa giờ đã hồi sinh, thay đổi.
Tôi nghĩ rằng có được hồi sinh, thay đổi đó cũng chính là nhờ những con người như chị. Theo cách nói của ông Lương Trung Hậu - Giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh thì, không có những con người dám hy sinh cả cuộc đời mình như chị Xuân, để chăm sóc những phận người bị bệnh phong thì khó mà có sự thay đổi đến kỳ lạ đó.
Năm 1987, khi đó đang là giáo viên của trường mầm non xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tình cờ đọc được cuốn sách Lạc quan trên miền thượng. Cuốn sách, kể về cuộc sống của những bệnh nhân phong ở một trại phong tại Lâm Đồng, và về một người bác sỹ người nước ngoài, tình nguyện lên Lâm Đồng để chăm sóc bệnh nhân phong.
“Đọc xong tôi không thể nào cầm được nước mắt. Dù chưa gặp, chưa biết gì về những bệnh nhân phong nhưng tôi cảm nhận được sự đau khổ, dằn vặt của họ. Cũng vì mất bố, mẹ từ nhỏ nên tôi cảm nhận được sự thiếu thốn của những những con người mang căn bệnh phong quái ác này, họ đang bị gia đình bỏ rơi. Lúc đó tôi chỉ muốn tìm đến những trại phong để chăm sóc họ”, chị tâm sự.
Nghĩ là làm, chị tìm đến trại phong Quả Cảm, thăm những bệnh nhân phong đang sống tại đây. Nhìn những con người chân tay rớm máu, đang rụng dần từng ngón. Nghe những ước ao được về quê, được thắp hương cho tổ tiên lần cuối trước khi chết, không cầm lòng được, chị tình nguyện xin ở lại trại phong để chăm sóc họ.
Biết tin chị xin nghỉ dạy học để lên trại phong làm việc, người thân, bạn bè đã ra sức ngăn cản. Người cậu ruột còn bảo sẽ từ mặt chị nếu chị vào trại phong làm việc. Thế nhưng, vì tình thương, sự đồng cảm chị đã quay lưng lại với tất cả. “Nếu ai cũng sợ, ai cũng kỳ thị với những bệnh nhân phong thì lấy ai để chăm sóc họ, bị bệnh như vậy họ đã đau khổ lắm rồi. Đau về thể xác đã đành, có người đến khi chết còn không có lấy một mảnh khăn tang, không một người thân thích bên cạnh, vì vậy họ rất cần mình chăm sóc. Các bác quản lý ở trại phong hỏi tôi, có sợ không. Tôi bảo không. Biết được ước nguyện của tôi, Ban Giám đốc và Sở Y tế đã tạo điều kiện để tôi được làm việc” - chị Xuân chia sẻ.
Sau khi được nhận vào làm việc tại trại phong, chị được cử đi học lớp y tá tại Bình Định. Sau một năm học tập, chị trở về trại phong Quả Cảm và làm việc từ đó đến nay.
Y tá Nguyễn Thị Xuân chăm sóc bệnh nhân phong |
Làm hết những việc không phải của người dưng
Dẫn chúng tôi đi thăm những bệnh nhân tại trại phong Quả Cảm, chị tâm sự, trước đây họ khổ lắm, phải sống trong sự mặc cảm, xa lánh nhưng mấy năm gần đây họ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Nhiều đoàn tình nguyện thường xuyên đến thăm, trao quà, chia sẻ cùng với họ, nhiều tổ chức còn tặng nhà để bệnh nhân phong được sống tốt hơn.
Hiểu được sự khó khăn của bệnh nhân phong, chị Xuân đã xin vào TP Hồ Chí Minh học một lớp làm tay, chân giả để về trại phong Quả Cảm giúp người bệnh. Nhờ những đôi chân giả do chính bàn tay chị làm mà những bệnh nhân phong bị cụt chân đã có thể đi lại được. “Giờ thì họ không phải ngồi một chỗ nữa, nhiều người không chỉ đi dạo chơi, tự lo được việc vệ sinh cá nhân mà còn đi trồng rau xanh, đi trồng vải, trồng nhãn nhờ những đôi chân giả”, y tá Xuân cho biết.
Suốt gần 30 năm qua, hàng ngày cô y tá Xuân cần mẫn làm đủ mọi thứ việc để giúp đỡ cho từng bệnh nhân phong. Không chỉ tiêm thuốc, rửa vết thương cho mà đến cả tắm rửa, giặt giũ quần áo rồi lo hậu sự cho từng bệnh nhân mà gia đình không nhận. Chị Xuân buồn giọng: “Họ tội nghiệp lắm, khi chết không có ai đến nhận, không tiếng khóc, không mảnh khăn trắng. Mọi việc chôn cất, hương khói đều do chúng tôi tự lo liệu”. Mấy năm gần đây, vì sợ bệnh nhân phong bị mất mộ chị đã lặn lội khắp nơi xin hỗ trợ rồi về tự mua xi măng, mua gạch, tự tay xây mộ cho từng bệnh nhân.
Không chỉ vậy, cũng nhờ chị mà nhiều bệnh nhân phong đã tìm được hạnh phúc riêng của mình ngay tại trại phong Quả Cảm. Hơn 20 cặp vợ chồng do chị mai mối có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Nhìn những đứa trẻ chạy nhảy, nô đùa trong khu trại phong, chị vui vẻ: “Họ cũng có quyền được hạnh phúc mà. Nghĩ vậy nên tôi đi mai mối cho họ, mới đó mà giờ có người con cái đã tốt nghiệp đại học. Mấy đứa nhỏ khỏe mạnh mà học giỏi lắm”.
Kể về cặp vợ chồng anh Chất, chị Đoàn, cô y tá Xuân không giấu nỗi sự vui mừng: “Lần đi giao lưu với trại phong ở dưới Sóc Sơn (Hà Nội) hai đứa nó nói chuyện với nhau hợp lắm. Thấy hai đứa cũng hợp đôi, vừa lứa nên tôi tác động rồi tổ chức đám cưới cho, đám cưới chỉ có mấy bệnh nhân phong ở đây dự nhưng vui lắm, giờ hai vợ chồng đã có hai cậu con trai rồi, kháu khỉnh lắm”.
Năm 2012, dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chị vẫn làm đơn xin được ở lại trại phong Quả Cảm để chăm sóc cho bệnh nhân phong. “Nhiều người cứ khuyên tôi nên nghỉ ngơi đi, cống hiến thế đủ rồi, dành chút thời gian mà lo cho bản thân. Thế nhưng được chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân phong tôi thấy mình rất hạnh phúc. Đang còn sức, còn đi lại được tôi sẽ xin lãnh đạo cho ở lại để chăm sóc những người bệnh”, chị nói.
Ông Lương Trung Hậu - Giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu Bắc Ninh cho biết: “Chị Xuân đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mình để lo lắng, chăm sóc cho bệnh nhân phong, là một con người rất giàu lòng yêu thương, nhân ái. Từ những hi sinh thầm lặng đó, y tá Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen khác”.
.