Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201502/gap-chuyen-gia-dac-biet-cua-nuoc-ban-lao-589199/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201502/gap-chuyen-gia-dac-biet-cua-nuoc-ban-lao-589199/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gặp chuyên gia 'đặc biệt' của nước bạn Lào - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 25/02/2015, 16:24 [GMT+7]

Gặp chuyên gia 'đặc biệt' của nước bạn Lào

(Congannghean.vn)-Biền biệt sau 32 xuân xa cách, cũng là quãng thời gian mà ông phải xa vợ con, bản quán để nhận trách nhiệm sang giúp nước bạn Lào xây dựng Đảng và chính quyền. Trở về với cuộc sống đời thường nơi quê nhà sau bấy nhiêu năm, ông vẫn để lại tình cảm đặc biệt đối với đất nước Lào anh em như chính máu mủ ruột rà của mình. Ông là Trần Đình Đúc ở xóm Lũy, xã Mã Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), chuyên gia “đặc biệt” của Đảng ta cử sang giúp Lào từ những năm chống Mỹ.
 
Nhiệm vụ cao cả
 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 20 tuổi, Trần Đình Đúc đã tham gia đội tự vệ cách mạng để bảo vệ đoàn biểu tình giành chính quyền ở huyện. Sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Trần Đình Đúc được bầu vào ủy viên Ủy ban quân sự hành chính xã. Đến tháng 11/1947, tròn 23 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng rồi lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, Huyện ủy viên. Đến năm 1953, Trần Đình Đúc được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Yên Thành. Với năng lực của một đảng viên trẻ, xông xáo trong công việc, chỉ ít lâu sau, Tỉnh ủy Nghệ An đã cử đồng chí đi học tại trường Nguyễn Ái Quốc. Học xong, Trần Đình Đúc được giữ lại làm cán bộ tại Văn phòng Trung ương Đảng. Đến cuối năm 1958, Tỉnh ủy Nghệ An xin Trung ương cho đồng chí tiếp tục trở về làm Bí thư Huyện ủy Yên Thành rồi 2 năm sau đó, ông được cử giữ chức Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Thời kỳ ấy, chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt trên cả 3 nước Đông Dương, tháng 3/1961, Trung ương Đảng đã triệu tập đồng chí Trần Đình Đúc ra Hà Nội để giao nhiệm vụ đặc biệt: Biệt phái sang nước bạn Lào.
 
Bây giờ, dù đã 90 tuổi đời, 67 năm tuổi Đảng nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện làm chuyên gia tại nước bạn Lào, ông Trần Đình Đúc vẫn nhớ như in những năm tháng mà Đảng ta giao nhiệm vụ cao cả ấy. Ông kể, ngày đó, khi vừa mới 37 tuổi, vợ con còn thơ dại nhưng Bộ Chính trị giao nhiệm vụ nên phải lên đường. Sinh ra ở quê lúa Yên Thành, chưa một lần ra nước ngoài công tác, chưa thông thuộc một ngoại ngữ nào nên khi nhận nhiệm vụ sang Lào, ông rất lo lắng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Ngày đó, ông được gọi ra Hà Nội học tập một thời gian ngắn rồi nhận nhiệm vụ băng rừng, vượt suối để sang nước bạn Lào. Trước khi ra đi, đồng chí Lê Đức Thọ (Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng) căn dặn: “Đồng chí vào gặp các anh Chu Huy Mân, Đào Việt Hưng (phụ trách Đoàn 559), trực tiếp giúp Đảng bạn về công tác tổ chức và cán bộ, đây là việc làm mới và khó, Trung ương tin là đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.
 
Ông Trần Đình Đúc trong một lần làm việc với Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào
Ông Trần Đình Đúc trong một lần làm việc với Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào
 
Sau khi được giao công việc sẽ làm, đồng chí Trần Đình Đúc gia nhập vào Đoàn 100 (gồm 40 người là chuyên gia của Việt Nam) do Thiếu tướng Chu Huy Mân lúc bấy giờ làm Trưởng đoàn, hành quân sang bên kia biên giới. Khi sang đến Xiêng Khoảng, Đoàn phân công nhiệm vụ cho từng người rồi tỏa đi khắp các địa phương để bước vào cuộc chiến đấu mới. Vừa cùng nhân dân các bộ tộc Lào đánh Mỹ, vừa tập hợp tổ chức gây dựng cơ sở cách mạng, chính quyền, Trần Đình Đúc nhanh chóng làm quen địa bàn, phong tục tập quán và đọc, viết tiếng Lào chỉ trong vòng 3 tháng. Tinh thần học hỏi, hăng say trong công việc của một chuyên gia trẻ như Trần Đình Đúc lúc bấy giờ được các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Lào đánh giá rất cao. Trình độ đọc, viết, nói tiếng Lào của ông khiến đồng chí Sổm Phon Lò Văn Xay, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lào phải thốt lên rằng: “Anh Đúc là một trong những chuyên gia học tiếng Lào nhanh nhất mà tôi từng gặp”.
 
Liên tục di chuyển, thay đổi địa bàn hoạt động, ở đâu, Đoàn chuyên gia Việt Nam cũng được nhân dân Lào che chở, nuôi giấu. Sốt rét, vắt rừng cắn, thậm chí phải ăn rau rừng qua ngày nhưng đồng chí Trần Đình Đúc vẫn kiên trì bám địa bàn, cùng các cán bộ Lào xây dựng thành công các cơ sở cách mạng đã được cấp trên giao phó. Cho đến khi nước Lào được giải phóng tháng 12/1975, đồng chí Trần Đình Đúc lại được điều về Viêng Chăn, trực tiếp làm chuyên gia giúp các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng và nhân dân cách mạng Lào về công tác xây dựng Đảng. Cho đến ngày 17/9/1992, đồng chí Trần Đình Đúc được về nước. Lúc ấy, đích thân Tổng Bí thư Cay Xỏn Pôm Vi Hản đã gặp, tiếp thân mật, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và nhân dân cách mạng Lào cho đồng chí Trần Đình Đúc và xem ông như một chuyên gia “đặc biệt” của nước Lào. Những gì mà đồng chí Trần Đình Đúc đã cống hiến cho nước Lào trong 32 năm qua đều được ghi nhận một cách trân trọng và yêu quý. Dù ông không sinh ra ở Lào nhưng với thời gian cống hiến như vậy, nhân dân ở đây luôn xem Trần Đình Đúc như chính người con của họ, là sứ giả của tình hữu nghị Việt - Lào.
 
Hy sinh tình riêng để trọn tình chung
 
Cho đến bây giờ, khi nhắc lại quãng thời gian xa vợ con, biền biệt xa quê gần quá nửa đời người, ông Trần Đình Đúc vẫn không thể quên được những ngày xưa thân ái. Bước chân ra đi khi đứa con trai đầu lòng tròn 10 tuổi, đứa con thứ 2, rồi thứ 3 mới chập chững tập đứng, tập đi. Bố mẹ già nay đau, mai ốm, thêm mỗi mùa xuân về lại như chuối chín cây. Trước ngày khoác ba lô tạm biệt gia đình, vợ con, Trần Đình Đúc tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để sớm về đoàn tụ. Nhưng nào ngờ, quãng thời gian ấy đã kéo dài tới tận 32 năm trời xa cách, nhớ nhung. Ngày cha mẹ mất cũng chẳng thể về chịu tang cho trọn vẹn nghĩa tử. Rồi lúc vợ đau, con ốm cũng chỉ biết nén đau thương, gửi trọn niềm tin yêu qua những cánh thư thời chiến.
 
Ông Trần Đình Đúc kể lại những kỷ niệm đã gắn bó 32 năm bên nước bạn Lào
Ông Trần Đình Đúc kể lại những kỷ niệm đã gắn bó 32 năm bên nước bạn Lào
 
Bà Nguyễn Thị Khuy, năm nay tuổi ngoài 90, mắt đã mờ, chân đã run nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện hoạt động cách mạng của chồng mình, bà vẫn không giấu được niềm xúc động. Bà tâm sự: “Khổ lắm các cháu ạ. Ông ấy đi, một mình tui phải cáng đáng mọi việc. Bố mẹ lúc đó đã già yếu, chiến tranh liên miên, các con lớn lên xa hơi ấm của bố tội lắm. Ai hỏi, tui cũng chỉ biết trả lời là chồng đang đi làm cách mạng. Hoàn cảnh đất nước lúc ấy cũng phải biết chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để chồng yên tâm lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng giao thôi”. Trong câu chuyện bà Khuy tâm sự, chúng tôi hiểu rằng, sự hy sinh, mất mát mà vợ chồng bà đã trải qua không có gì bù đắp nổi. Những năm đầu, khi sang đến nước Lào, ông Đúc còn thư từ, tin tức về động viên vợ con. Thế nhưng, càng về sau, do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, những cánh thư nối dài yêu thương ấy thưa dần. Có những lúc, ở quê nhà tưởng chừng như tuyệt vọng tin tức Trần Đình Đúc. Chỉ đến ngày được tin đất nước Lào hoàn toàn giải phóng, bà Khuy mới được gặp lại chồng mình khi ông Đúc tranh thủ về phép. Thế rồi, chỉ ít ngày sau, ông lại quay trở lại nước bạn để tiếp tục công việc của mình.
 
“Thời gian tôi trực tiếp làm việc với các đồng chí ở Bộ Chính trị Trung ương Đảng và nhân dân cách mạng Lào đã trải qua 32 năm nhưng rất hiếm khi được về quê thăm vợ con. Nước Lào những ngày đầu sau giải phóng gặp nhiều khó khăn, Trung ương Đảng ta tiếp tục giao tôi ở lại giúp bạn về công tác xây dựng Đảng. Ở quê nhà, bà ấy một mình tần tảo nuôi con. Nhiều lúc muốn xin được trở về quê nhưng nhiệm vụ chưa hoàn thành nên tôi phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng để làm trọn tình nghĩa chung của 2 nước Lào - Việt anh em”, ông Đúc nhớ lại.
 
Khi trở về Việt Nam, đồng chí Trần Đình Đúc tiếp tục ở lại Hà Nội làm chuyên gia cao cấp tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho đến khi nghỉ hưu năm 1995. Lúc này, các đồng chí trong Trung ương Đảng có gợi ý tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở cho ông cùng vợ con ở Hà Nội nhưng ông từ chối để trở về quê hương, bản quán sinh sống. Đến bây giờ, khi cả 4 người con của ông bà đã yên bề gia thất, 2 vợ chồng lại sớm tối quây quần bên nhau trong căn nhà cấp 4 tại quê nhà. Ông Đúc tâm sự, sau bao năm xa cách, khi trở về sống cuộc đời còn lại, còn ngày nào mình sống tốt để bù đắp những hy sinh, mất mát mà vợ con đã chịu đựng là hạnh phúc lắm rồi. Còn với bà con làng xóm, họ luôn biết tới ông là người gần gũi và chỉ biết tới người con của quê hương từng là chuyên gia “đặc biệt” khi có khách lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào sang thăm mỗi dịp lễ, Tết.
 
.

Ngọc Thái