Vì quá yêu gốm nên từ một họa sĩ tranh sơn dầu, anh đã chuyển sang điêu khắc gốm. Mà không phải gốm thường, anh chọn gốm cổ Luy Lâu để phục hồi, tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc xưa.
Anh là Nguyễn Đăng Vông, giới hội họa nhiều người gọi anh là “Đăng Vông tiên sinh” bởi cái dáng người cao mảnh, mái tóc dài điểm bạc làm anh hao hao giống đạo sỹ. Nhưng kỳ thực, cả đời anh chỉ làm 2 thứ nghề, một là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu, hai là gốm. Anh đã bỏ hẳn nghề vẽ tranh chỉ để làm gốm cổ, gốm thời Luy Lâu mà Thái thú Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp từng nâng niu, trân trọng.
Lợn đất tuổi thơ
Đăng Vông sinh ở làng Mãn Xá Tây thuộc Hà Mãn (Thuận Thành - Bắc Ninh), địa danh gắn với câu thơ: “Dòng sông Dâu chảy từ đâu/Mà trôi đến bến Luy Lâu lại dừng”. Làng quê ấy chính là nơi nàng A Man hay còn gọi là Man Ni, Man Nương trong thần thoại sinh thành tứ pháp, khởi nguồn cho đạo Phật ở Việt Nam cùng ngôi chùa Dâu cổ kính.
Ngay từ khi tóc còn để chỏm, cậu bé Vông đã được chơi những món đồ bằng đất nung do ông nội làm như hình nộm, 12 con giáp và trăm thứ khác lạ. Trong những thứ ấy, Vông thích nhất con lợn đất ngộ nghĩnh mà ông nội nặn ra, quết phẩm màu lên đó và đặt ngay ngắn trong tủ chè suốt những ngày Tết.
Họa sỹ Nguyễn Đăng Vông đang làm chiếc đèn cổ hình người |
Từ đó, cậu bé Vông ngày ngày ra bờ sông lấy những tảng đất khô về bắt chước ông nội nhào nặn thật nhuyễn rồi chế tác đủ mọi hình thù kỳ quái. Ước mơ từ thuở thơ bé cứ lớn dần lên khi Vông bước chân vào học mỹ thuật tại tỉnh Hà Bắc cũ. Chàng sinh viên hội họa được tiếp xúc với tất cả các làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Hương Canh, Quế, Bàu Trúc. Trong anh bắt đầu thấy tiếc cho ngôi làng cổ A Man của mình với dòng gốm tinh anh đã thất truyền cả nghìn năm.
Khi tốt nghiệp ra trường, Vông trở về quê hương đúng vào dịp cố Giáo sư Trần Quốc Vượng về Thuận Thành nghiên cứu thành cổ Luy Lâu và được dịp mục kích dòng gốm cổ nghìn năm dưới lòng đất. Đợt khai quật dã chiến đã khơi dậy trong anh quyết tâm hồi sinh dòng gốm Luy Lâu quê mình.
Ngọc Bình cao 3,7m tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội |
Thán phục “Đăng Vông tiên sinh”
Sẵn có kiến thức hội họa, lại khéo tay từ nhỏ nên Đăng Vông hì hụi bắt tay vào làm gốm. Ban đầu chỉ là những vật dụng đơn giản lấy cảm hứng từ những cái tích, cái chén hay một con vật thời thơ ấu mà ông nội nặn cho. Anh thức trắng nhiều đêm bên lò nung để tìm ra bí quyết cho gốm làng mình.
Khi ấy, nhiều người nghĩ anh gàn dở. Học hội họa ra không đi vẽ hay truyền thần kiếm tiền nhàn nhã mà lại lao đầu vào đất cát với lò nung, toàn việc không đâu. Nhưng người nghệ sỹ đã khẳng định được năng lực bản thân khi cho ra đời hàng trăm sản phẩm tuyệt vời mà nguyên liệu chính là đất quê hương. Những bức tượng Phật từ đất cổ Luy Lâu tôn nghiêm mà có hồn, những chiếc lục bình giản đơn một màu đất nung mà ánh lên sắc xanh ô liu vừa quý tộc, vừa nền nã. Bước đầu, Vông đã làm được kỳ tích khơi dậy dòng gốm vốn chỉ còn trong truyền thuyết.
Vài năm sau cái ngày Đăng Vông quyết định làm sống dậy gốm cổ, nhìn lại mới thấy khắp trong vườn ngoài ngõ nhà anh chỗ nào cũng có gốm. Mọi vật dụng từ cái ấm đất đến cái chóe đựng rượu, rồi những ấm chuyên pha trà hình Thế Đức gan gà cũng được anh chế ra.
Đầu rồng thời Lý với giá trị nghệ thuật cao |
Bí quyết của “chàng gốm” đất Luy Lâu
Mấy chục năm ăn ngủ với gốm, Đăng Vông đã trở thành nghệ nhân tài ba, người ta phong cho anh là “chàng gốm” đất Luy Lâu. Với người rành gốm bây giờ, Đăng Vông tiên sinh trở thành một “thương hiệu” không thể thiếu khi nhắc đến gốm. Anh có thể phân định rạch ròi từng loại gốm mà không cần dùng tay chạm vào vì chỉ cần nhìn màu da của gốm là anh biết do làng nào làm ra, đã đạt chuẩn hay chưa.
“Tôi không thiên vị cho Luy Lâu nhưng có lẽ đất sét Luy Lâu là thích hợp nhất để làm gốm chất lượng cao”, nghệ sỹ Đăng Vông khẳng định. Anh lý giải, trong khi tất cả các làng gốm nức tiếng Việt Nam đều “gạn đục khơi trong” đất sét để lấy màu, lấy tinh chất của đất là đất sét nguyên chất để làm gốm thì gốm Luy Lâu lại khác. Đất lấy từ bờ sông về cứ thế mà nhào nặn cho kỹ, những gỗ mục, lá thối hay vỏ sò, sạn sành để chung với đất. “Tôi đã nghiên cứu kỹ rồi, chính những tạp chất ấy lại là những chất khoáng giúp cho gốm vừa bền đẹp lại tự nhiên”, anh nói.
Sản phẩm bình dân với chất men từ cây dâu |
Đất sét vùng Luy Lâu sau thời gian ngâm ủ sẽ đem ra nhào nhuyễn rồi đắp hình đắp tượng. Sản phẩm tôi luyện trong lò lửa như luyện đan cho chín đều chín đỏ thì mới đạt. Vì là vùng dâu nên nguyên liệu để làm men gốm cũng từ cây dâu mà ra. Đó là lấy thân cây dâu đốt cùng vỏ sò vỏ ốc rồi tán đều thành bột. Sau một vài công đoạn công phu khác thì ra chất men sánh màu xanh lục lạ kỳ. Khi quết lên gốm, dòng đất Luy Lâu thấu hợp với bột cây dâu làm cho sản phẩm thành một kiệt tác.
“Tôi vẫn tiếc mãi sản phẩm gốm đầu tiên là cái bình vò Luy Lâu. Làm xong, có người thích quá đưa đi luôn, mình cũng không nghĩ là phải giữ lại. Chiếc bình ấy bây giờ muốn làm lại cũng khó, thời điểm đó nó là tổng hòa của phần đất tốt nhất vùng Luy Lâu này”, anh Vông cho hay.
Những tác phẩm nổi tiếng của Đăng Vông phải kể đến chiếc ghế gốm màu xanh ngọc “độc nhất vô nhị”; đầu rồng thời Lý cùng hàng loạt sản phẩm đạt kỷ lục Guinness. Nhưng có lẽ, với anh, thành công lớn nhất là hồi sinh được dòng gốm Luy Lâu cổ và anh chính là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ vàng son của lịch sử nghề gốm Luy Lâu.
.