(Congannghean.vn)-“Từ chiến trường 479 - Campuchia trở về, tôi bị mất đi đôi chân, là thương binh 1/4 nhưng không vì thế mà tôi bi quan chán nản. Chính từ những khó khăn trắc trở giúp tôi hiểu rằng, mình còn sống trở về đã là may mắn lắm rồi… Tôi luôn cố gắng cống hiến hết mình, là thương binh “tàn nhưng không phế”. Đó là tâm sự của thương binh Đinh Văn Cảnh, một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Sinh năm 1958 tại xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đang học dở lớp 10, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, năm 1978, ông Cảnh lên đường nhập ngũ vào lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Đinh Văn Cảnh được cấp trên cử đi học Trường Trung cấp Kỹ thuật Biên phòng để chuẩn bị cho mặt trận. Tháng 2/1979 được phiên chế vào Tiểu đoàn 212, e8 f5 mặt trận 479 chiến trường Campuchia.
Ông nhớ lại, những ngày tháng chiến đấu ở Campuchia hết sức khốc liệt và gian khổ bởi sự tàn bạo của bọn Khơ-me đỏ. Hơn nữa, ta mới kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, tiềm lực đất nước còn nghèo, những tổn thất của dân tộc là rất lớn, nay phải đối đầu với một tập đoàn diệt chủng lại được sự hậu thuẫn từ bên ngoài nên cuộc chiến hết sức khốc liệt. Quân ta phải chiến đấu trên một mặt trận rất xa hậu phương, hậu phương tại chỗ không thực sự hiệu quả bởi nhân dân Campuchia còn nghèo nàn, lạc hậu và họ cũng chưa hoàn toàn hiểu Việt Nam. Ông bị thương trong trận đánh cuối giải phóng Bat Tam Boong, căn cứ cuối cùng của Khơ-me đỏ giáp biên giới Thái Lan - Campuchia. Bị thương nhưng ông vẫn phải nằm lại chiến trường trong điều kiện nguy hiểm và thiếu thốn, 2 ngày mới rút ra được tuyến sau. Sau đó, ông được đưa về Bệnh viện 175 TP Hồ Chí Minh.
Do vết thương quá nặng, lại không được điều trị kịp thời nên ông đã mất cả hai chân. Ông kể lại: “Lúc đó buồn lắm, có thể nói là tuyệt vọng về tương lai, ra khỏi chiến tranh không biết làm gì, rồi mình sẽ sống ra sao cũng không thể hình dung được nữa”. Nhà nước cấp cho đôi chân giả và một chiếc xe lăn tay kéo nhưng ông vẫn thấy buồn vì việc đi lại vẫn rất khó khăn, chỉ có thể di chuyển ở những đoạn đường ngắn, bằng phẳng và chậm chạp, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của mọi người. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, ông được đưa về điều dưỡng ở Đoàn 646 Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Những ngày tháng ở đây góp phần làm thay đổi cuộc đời ông về sau. Ở đây, ông được sống bên cạnh những người đồng đội giàu nghị lực, nhiều người có hoàn cảnh như ông và nặng hơn ông nhưng họ vẫn lạc quan, vẫn sống vui vẻ. Điều này đã tạo cho ông một niềm tin, đem đến cho ông một nghị lực mới.
Những ngày ở Củ Chi, ông kết giao với một người thợ sửa xe máy. Bằng ít vốn kiến thức từ thời học Trường Kỹ thuật Quân đội, cộng với sự tò mò ham học hỏi và sự thông minh, sáng tạo, ông đã học được những kĩ năng sửa xe máy cơ bản. Ông Cảnh cho biết: “Hồi đó ngoài miền Bắc, ít người biết sửa xe máy lắm, kể cả ở thành phố chứ đừng nói là ở quê mình, ở trong Nam cũng tương đối thôi. Đó chính là một cơ hội lớn đối với tôi”.
Thương binh Đinh Văn Cảnh |
Sau khi được điều chuyển về Đoàn 200, rồi Khu điều dưỡng thương binh Nghệ An, Đinh Văn Cảnh về quê. Lúc ấy nước ta đang trong thời kỳ bao cấp, bao nhiêu tiềm lực đất nước đã đổ dồn vào hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam nên cuộc sống của nhân dân nghèo lắm. Nhìn hoàn cảnh gia đình, ông hạ quyết tâm phải tìm một việc làm gì đó, trước là khỏi “ăn bám” gia đình, sau là có thể giúp đỡ mẹ cha và các em. Nhưng làm sao mà kiếm sống? Đó là một câu hỏi lớn mà ông nung nấu tìm cách trả lời. Muốn làm việc được thì phải đi lại được, đi xa, linh hoạt chứ không phải ngồi xe lăn kéo tay. Từ ý nghĩ đó, ông đã quyết tâm tập luyện để mình đi lại được. Việc đầu tiên là sử dụng các giải pháp trị liệu để có thể đi lại bằng hai chân giả. Đây là quá trình lâu dài, gian khổ, đòi hỏi niềm tin, ý chí và quyết tâm cao độ trong suốt mười năm trời.
Ông cho biết: “Không phải ai bị mất cả hai chân quá đầu gối đều có thể đi lại bằng hai chân giả, con số này ít lắm. Nay tôi có thể đi lại được, bước đi đường hoàng trên sân khấu biểu diễn văn nghệ với anh em thì không hạnh phúc nào bằng”. Để kiếm sống, ông đã phải đi buôn nhiều loại mặt hàng như vải vóc, linh kiện điện tử... Tuy vất vả và đồng lãi ít ỏi nhưng nhờ biết chắt chiu, tính toán, ông cũng kiếm được ít nhiều, tự trang trải cho mình và dành dụm. Bằng những đồng tiền kiếm được, ông tìm mua phụ tùng, linh kiện để tự tay lắp trọn vẹn một chiếc xe ba bánh đầu tiên vào năm 1986. “Vào những năm 80, khắp các trung tâm điều dưỡng thương binh chỉ mình tôi có chiếc xe máy ba bánh, như vậy là sang trọng lắm rồi”, ông nói rồi cười vui vẻ. Cho đến năm 2000, ông đã có một lượng khách khá lớn, ở nhiều tỉnh thành trong nước đặt hàng.
Là một thương binh nặng, ra quân mà chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình, Đinh Văn Cảnh nghĩ mình phải lập nghiệp, có nhà cửa đàng hoàng mới lo cho cuộc sống gia đình được. Khi sự nghiệp đã có nhiều triển vọng cũng là lúc ông đã ngoài ba mươi tuổi. Phần vì bố mẹ, họ hàng, bạn bè thúc giục, phần vì cũng thấy mình đã muộn, ông quyết tâm lập gia đình riêng cho mình. Và hạnh phúc đã mỉm cười khi ông bước sang tuổi 36, ông kết hôn với bà Phạm Thị Lai, người phụ nữ ít hơn ông 13 tuổi. Có tổ ấm yên ổn hạnh phúc, ông hăm hở lao vào làm ăn kinh tế.
Việc chế tạo ra chiếc xe 3 bánh vẫn chưa làm ông hài lòng vì nó vẫn còn những hạn chế. Xe chỉ có tiến mà không có số lùi, đối với thương binh và người khuyết tật sẽ rất khó khăn khi xoay xở, nhất là ở những địa bàn chật hẹp. Một bài toán hóc búa được ông đặt ra và tự tìm lời giải cho mình. Cho đến đầu những năm 2000, ở nước ta xe ba bánh số lùi cho thương binh và người khuyết tật vẫn chưa được sản xuất, trên thị trường chỉ có loại xe ba bánh số lùi của Trung Quốc vốn để chở hàng, rất to, cồng kềnh mà giá thành lại rất đắt (khoảng 70 triệu đồng một chiếc). Ông Đinh Văn Cảnh lại mày mò, tự nghiên cứu tìm hiểu, qua bao lần thất bại đã tìm ra nguyên tắc vận hành của xe số lùi và đã chế tạo thành công chiếc đầu tiên vào năm 2005. Niềm vui khôn kể xiết, ông đã không những làm thay đổi cuộc sống của đời mình mà còn có thể giúp nhiều người trong xã hội.
Với suy nghĩ, muốn giúp đỡ đồng đội và những người khuyết tật có cùng hoàn cảnh như mình, ông không đặt nặng vấn đề giá cả, cố gắng làm giảm giá thành cho mỗi chiếc xe. Sản phẩm ông làm ra chỉ khoảng 11 đến 12 triệu đồng mỗi chiếc (xe ba bánh không có số lùi đang bán trên thị trường có giá trên 20 triệu đồng một chiếc). Hiện nay, ông Đinh Văn Cảnh đã được nhiều hội khuyết tật trong cả nước biết đến, liên hệ nhờ sản xuất. Ông đã thuê 4 công nhân phụ giúp mình trong công việc, lương tháng mỗi người từ 4 đến 5 triệu đồng. Khi kinh tế đã vững vàng, ông Đinh Văn Cảnh không quên giúp đỡ vốn liếng, tạo việc làm cho những người đồng đội và con em họ. Ông mở một đại lí bia hơi khá lớn. Ông cho biết, những hôm trời nắng, gia đình có thể bán được 200 bom bia hơi, khách hàng vào ra, điện thoại suốt ngày. Ông Cảnh có một nguyện vọng là sẽ mở một lớp dạy nghề cho người khuyết tật và con em thương - bệnh binh, người bị nhiễm chất độc màu da cam. Đi nhiều nên ông rất hiểu nỗi khổ của họ và biết rằng những người ấy rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
“Hiện nay đất nước đang nghèo, mình có thể làm gì để giúp được mọi người thì đấy là niềm vui của chính mình”, ông Cảnh cho biết. Ông cũng đang làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm xe ba bánh số lùi của mình, với mong muốn nó sẽ được đưa vào sản xuất đồng loạt để những người khuyết tật có cơ hội sử dụng.
Hiện nay, ông Đinh Văn Cảnh đang có một cuộc sống hạnh phúc bên vợ và bốn người con, cháu đầu đang học năm thứ hai Đại học Y Huế. Các con ông đều chăm ngoan, học giỏi, kinh tế gia đình rất vững vàng. Chưa kể lương thương binh, trung bình mỗi tháng gia đình có thu nhập trên 20 triệu đồng. Ông cũng tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ của Hội CCB thị trấn Diễn Châu, được bầu là hội viên ưu tú của Hội CCB huyện Diễn Châu. Mong rằng những dự định của ông sớm thành hiện thực. Sắp đến ngày Thương binh - Liệt sĩ, chúc ông và gia đình sức khỏe dồi dào, hạnh phúc... để đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
.