Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201407/nguoi-dan-ong-khuyet-tat-co-biet-tai-danh-bat-ca-510862/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201407/nguoi-dan-ong-khuyet-tat-co-biet-tai-danh-bat-ca-510862/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người đàn ông khuyết tật có biệt tài đánh bắt cá - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 18/07/2014, 15:56 [GMT+7]

Người đàn ông khuyết tật có biệt tài đánh bắt cá

Một viên đạn đi lạc của ông xã đội trưởng năm xưa đã khiến anh dù thoát được tử thần nhưng vĩnh viễn mất đôi chân khi mới gần 6 tuổi. Cánh cửa tương lai tưởng chừng như khép lại với cậu bé khuyết tật, nhưng quả thật ông trời có mắt khi ban cho anh khả năng bơi lội và đánh bắt cá rất giỏi. Đi đâu người ta cũng gọi anh bằng cái tên âu yếm "bói cá" sông Hồng, anh là Đặng Văn Quý, xã Hồng Thuận, Giao Thuỷ, Nam Định.
Tuy liệt hai chân nhưng anh Quý có khả năng đánh bắt cá rất giỏi
Tuy liệt hai chân nhưng anh Quý có khả năng đánh bắt cá rất giỏi
 
"Tiếng súng lạc bầy"
 
Chúng tôi tìm về nhà người đàn ông có biệt danh "bói cá" khi vợ chồng anh vừa đi đánh bắt cá ngoài sông Hồng về. Anh bảo, vì trời nắng gắt nên bao giờ vợ chồng anh cũng đi thả lưới từ sáng sớm đến tầm 7h - 8h sáng là trở về để kịp cho khách buôn lấy cá đi bán và cũng để tránh cái nắng gay gắt ban ngày của miền biển Giao Thuỷ. 4-5h chiều dịu trời, vợ anh lại chở anh ra sông tiếp tục công việc đã gắn bó với anh hàng chục năm nay và là cái nghề mưu sinh giúp anh nuôi được cả gia đình và các con ăn học. Nhìn ngôi nhà hai tầng khang trang đang xây dựng dang dở đủ thấy người đàn ông ấy nghị lực đến chừng nào. Anh tự hào khoe rằng, mặc dù hai chân bị tật, đi lại khó khăn, nhưng anh vẫn kiếm tiền bằng sức lao động của mình mà không phải nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ, anh em.
 
Nhìn anh đi lại trên bờ rất khó khăn, nặng nhọc, nhưng khi xuống sông anh hoàn toàn là một con người khác, nhanh nhẹn, khoẻ khoắn không ai sánh bằng. Sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, nhưng khi lên 6 tuổi, một tai nạn hi hữu đã hoàn toàn làm thay đổi cuộc đời anh. Đó là vào một buổi trưa năm 1972, ruộng đồng đã thu hoạch xong, cò, cốc kéo về đầy đồng bói cá, ông xã đội trưởng khi ấy đi qua thấy vậy liền rút súng ra săn cốc để mang về đổi món ăn cho vợ con. Sau tiếng nổ đinh tai nhức óc, cò cốc thì không thấy đâu, chỉ thấy cậu bé Quý đang trông gà ở vườn nhà ngã vật ra.
 
"Lúc ấy tôi không biết là mình bị bắn, vì không thấy đau, chỉ thấy tai ù đi, rồi đổ ngửa ra đất và nằm mê man 3 tiếng đồng hồ không ai biết gì. Ông xã đội trưởng cũng không hề biết là đã bắn phải tôi nên vẫn ra xã làm việc bình thường. 3 tiếng sau tôi tỉnh dậy vẫn không thấy đau, nhưng thấy ngứa ở cổ, sờ lên cổ thấy máu khô đặc lại, nhìn xung quanh thấy máu chảy lênh láng, nhưng không cất được tiếng gọi ai. Từ vai trở xuống không cử động được và cũng không có cảm giác gì nữa. May lúc ấy có một cậu bạn hàng xóm đi học về thấy thế hô ầm lên, mẹ tôi mới biết chạy ra bế tôi lên đưa đến nhà ông thầy lang trong xóm để băng bó, vừa chạy vừa gào khóc. Ông xã đội trưởng đang làm việc thấy mẹ tôi bế tôi gào khóc chạy qua cũng vội vàng vất súng đi rồi bế thốc tôi lên trạm y tế huyện. Lúc ấy ông ấy cũng tự nhận chính là người nổ súng, nhưng hoá ra viên đạn bay xuống mặt nước rồi nảy lên găm luôn vào cổ tôi", anh Quý kể.
 
Hằng ngày anh Quý vẫn ra sông đánh bắt cá nuôi gia đình
Hằng ngày anh Quý vẫn ra sông đánh bắt cá nuôi gia đình
 
Sau khi sơ cứu ở trung tâm y tế huyện, mọi người lại đưa anh Quý lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định. "Tôi phải cắt 1/3 đốt sống cổ, bác sĩ khuyên gia đình đưa tôi về và bảo bố mẹ tôi, cháu nó ăn được cái gì cứ cho cháu ăn, nhưng bố tôi dứt khoát đề nghị cho tôi ở lại bệnh viện và bảo, còn nước còn tát, các bác sĩ cứ lo chạy chữa cho tôi. Sau một tuần tôi tỉnh táo dần, nhưng đôi chân thì liệt luôn từ ấy", anh cười khi nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng của mình.
 
Khi ấy còn nhỏ, anh chưa ý thức được sự mất mát của đôi chân, nhưng càng lớn,  nhìn thấy chúng bạn được cắp sách đến trường, được chạy nhảy nô đùa tung tăng khắp nơi, trong khi anh phải ngồi một chỗ, phải nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ và các anh em, anh càng thấy buồn tủi và quyết tâm tập đi cho bằng được. Lúc đầu là tấm gỗ tròn như cái nong rồi đục rỗng lòng, lắp thêm 4 chân gắn bánh xe để  tập đi, sau là đôi nạng gỗ, rồi dần dần đôi chân cũng có cảm giác biết đau, nhưng mỗi lần tập đi là một lần đau đớn, khó nhọc bởi những cú ngã bổ nhào, đau điếng.
 
Đến năm 16 tuổi, anh tự đi được bằng một chiếc nạng nhưng nghĩ đến cảnh ngày ngày chỉ ra vào trong nhà ngoài sân, trông nhà cho bố mẹ, phải sống phụ thuộc vào bố mẹ, anh thấy day dứt lắm. Nhà anh ngay cạnh con sông Hồng lộng gió và đỏ nặng phù sa, mỗi lần ra sông hóng mát, anh chợt nghĩ, trước khi bị liệt, anh đã biết bơi, vậy tại sao mình không thử bơi lại nhỉ, và nhân lúc bố mẹ vắng nhà, anh tự chống nạng ra sông tập bơi, không ngờ lần thử bơi đầu tiên, anh vẫn bơi ngon lành dù chỉ bằng hai tay.
 
Trở thành lão ngư đại tài
 
Những năm 1977-1979, gần như cả xã đều đói ăn. Thương cha mẹ vất vả, nghĩ mình bất tài vô dụng không giúp gì cho bố mẹ lại khiến các cụ nặng nợ thêm, thấy nhà có cái thuyền con không sử dụng đến, và vài miếng lưới rách bố mang về, Quý tự đan thành tấm lưới nhỏ liều mình kéo thuyền ra khúc sông trước nhà để đánh cá. Chẳng hiểu sao mẻ lưới ấy, anh kéo được đầy cá, khiến cả xóm phải xôn xao. Cha anh thấy thế còn cáu: "Chân tay mày thế kia mà còn đi ra sông, lỡ chết đuối thì ai cứu", lúc ấy anh lại nước mắt lưng tròng: "Bố cứ để con làm, con không muốn phải phụ thuộc vào ai, con không phải là đứa vô dụng". Và từ ấy, ngày nào anh cũng ra sông đánh cá.
 
Càng ngày Quý càng đánh được nhiều cá, và khúc sông Cồn 4 với chiếc thuyền bé tẹo dường như quá nhỏ để anh vẫy vùng. Tích cóp được chút vốn, anh mua chiếc thuyền to hơn và đan tấm lưới to hơn để ra chinh phục dòng sông lớn. Có những ngày cao điểm, anh chở hàng tạ cá về nhà. Tiếng tăm chàng trai tật nguyền có tài đánh bắt cá và bơi lội giỏi vang xa khắp vùng. Đi đâu người ta cũng gọi anh là "bói cá" vì nhiều người lành lặn đánh bắt lâu năm mà cũng không thể bắt được nhiều cá như anh. Khúc sông chạy trước cửa nhà anh rộng cũng phải 200-300m mà anh vẫn có thể bơi qua dễ dàng.
 
Bao năm lênh đênh sông nước, anh hiểu tập tính của các loài cá, tôm, mùa nước lên xuống, dòng nào có nhiều cá tôm hơn bất kì ai. Giêng, hai vác lều bát quái đánh tôm, nhệch, cua. Từ tháng tư, khi lúa đã đỏ đòng quăng chài bắt cá. Chỉ cần thấy tăm bọt trên mặt nước, anh biết chắc chắn ở đó có cá gì.
 
Hạnh phúc mỉm cười
 
Dù bị liệt hai chân nhưng tài "sát cá" của anh khiến các cô gái trong vùng say như điếu đổ. Mỗi lần thấy anh đánh cá ở trước nhà, các cô gái đi làm qua đều đem lòng thầm yêu trộm nhớ. Cứ đi qua là họ lại gọi anh, trêu anh, tự nhận anh về với mình. Một lần, bị trêu, anh cũng cười tươi trêu lại: "Cô nào chịu xuống giúp anh thì anh lấy về làm vợ". Không ngờ có cô gái Đỗ Thị Ninh, người Tuyên Quang nhưng theo người thân về Giao Thuỷ làm cói đồng ý xuống kéo cá giúp anh. Và chỉ sau 3 tháng quen biết nhau, họ đã nên duyên vợ chồng. Nhắc đến tình yêu của mình, chị Ninh lại nhìn chồng cười âu yếm: "Đấy là tôi "vồ" lấy anh ấy đấy chứ. Nhưng đúng là nhìn anh ấy thương lắm, lại hiền lành, nên mình cũng cảm mến mà theo về".
 
Phút thư giãn của anh Quý sau khi đánh bắt cá trở về
Phút thư giãn của anh Quý sau khi đánh bắt cá trở về
 
Hằng ngày, cứ sáng sớm và chiều tối chị chở anh ra sông, giúp anh kéo cá, rồi lại về làm việc nhà, ruộng đồng. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều một tay chị gánh vác, vì anh ngoài việc đánh cá chẳng thể làm được việc gì hơn nhưng cuộc sống của họ thật hạnh phúc. Họ sinh liền 4 người con, thế mà chẳng đứa nào phải chịu một ngày đói ăn bởi ngày nào anh cũng bắt được cá vừa bán vừa mang về nuôi con. Những bữa ăn giàu chất đạm khiến chúng cao lớn lều nghều khác hẳn tấm thân ngắn ngủn của bố chúng.
 
Không chỉ nuôi được vợ con, nghề đánh bắt cá còn đem về cho gia đình anh Quý nguồn thu nhập đáng kể. Tự anh mua được xe máy, xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang bằng chính đôi chân tật nguyền của mình. Những năm 89-90, anh còn chống nạng cùng vợ đi vào tận Kiên Giang, Cà Mau… lập nghiệp bằng nghề đánh bắt cá.
 
Giờ đây dù đã bước qua tuổi 50, con cái đều đã lớn nhưng anh vẫn gắn bó với cái nghề đã giúp anh vượt qua được mặc cảm số phận, giúp anh thoát nghèo. Anh không bao giờ oán trách người đã gây tai nạn cho mình, cũng không đòi phải bồi thường vì nhà ông ấy quá nghèo, thậm chí, khi đã có kinh tế, anh còn thường xuyên giúp đỡ người đã bắn mình năm nào. Anh coi đó như là một định mệnh, mà nhờ nó, anh mới có tài đánh bắt cá giỏi như thế, mà nhờ nó, anh mới có được một gia đình yên ấm, hạnh phúc như ngày hôm nay.
 
Ông Nguyễn Văn Lập, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận cho biết: "Anh Quý là một tấm gương về nghị lực. Khi còn nhỏ, chẳng may bị viên đạn lạc bắn vào, liệt hai chân, nhưng rất có nghị lực vươn lên, đánh cá giỏi thì không ai bằng. Gia đình có truyền thống cách mạng, bố anh Quý ngày xưa cũng là Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thuận, sau chuyển sang Chi cục Muối Giao Thuỷ. Vợ chồng anh ấy cũng vất vả, bươn chải, nhưng vẫn nuôi được 4 người con trưởng thành, nên đây cũng là một tấm gương người khuyết tật có nghị lực vươn lên điển hình của xã".
 

 

.

Nguồn: cstc.cand.com.vn