Suốt 23 năm em Hằng sống trong cảnh phải gắn "Hậu môn" trên bụng. |
Ít ai ngờ cô gái Bùi Thị Hằng (SN 1990) ở thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) với gương mặt hiền lành lại có số phận trớ trêu khi đeo trên bụng lỗ "hậu môn" bẩm sinh. Vì vậy, nỗi tủi nhục, tự ti cũng đã đeo đẳng cuộc đời cô không bao giờ dứt. Không chỉ vậy, nó còn trở thành trò cười cho thiên hạ khiến cô không thể ngẩng mặt nhìn đời.
Tuổi thơ cay đắng
Ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm trong một ngõ hẹp sau rặng tre ở cuối làng, đó là nơi ở của gia đình em Hằng. Khi chúng tôi đến, Hằng đang cùng mẹ đun nước uống dưới bếp, mẹ em nhìn ra ngoài thấy có khách liền mời chúng tôi vào nhà. Bên trong ngôi nhà là không gian trống hoác, gia tài chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc xe máy cũ dựng sát vào bờ tường.
Ngồi đối diện tôi lúc này là người mẹ với khuôn mặt hốc hác đang cầm cốc nước mời tôi. Hằng đứng bên cạnh, rồi em khẽ nép mình ngồi tựa lưng vào chiếc ghế đẩu cũ kỹ phát ra tiếng kêu cót két, đôi mắt hé lộ một nỗi buồn thầm kín. Khi được hỏi chuyện, Hằng rưng rưng nước mắt bảo: "Em tủi phận lắm anh à, đến trường đi học bạn bè cùng lớp cứ hay chế giiễu, dè bỉu: "Mày là đứa đeo lỗ… trên bụng". Vì là con gái nên khi đó em thẹn quá, về sau chỉ theo học đến lớp 9 rồi nghỉ ở nhà để phụ giúp bố mẹ làm lụng nuôi các em ăn học".
Bố Hằng là Ông Bùi Văn Hạ đi bộ đội năm 1985, sau khi xuất ngũ đến năm 1988 kết duyên cùng bà Trương Thị Xuân, cả hai đều là người dân tộc Mường, về sau sinh được 4 người con. Hằng là đứa con gái đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất trong gia đình bị dị tật bẩm sinh. Bà Xuân rầu rĩ bảo: "Gia đình lúc ấy lo lắng lắm chú à, mới sinh ra thì nó khóc òa chân tay vùng vẫy gào thét nhưng khổ nỗi con lại không có lỗ hậu môn".
Gia đình bên nội, ngoại khi nghe tin ai cũng sốt ruột lo lắng đến tính mạng của cháu, nhưng vì đều là nhà nghèo nên cả hai bên cũng chẳng giúp gì được nhiều. Thương con gái vô ngần, bà Xuân đành nuốt nước mắt vào trong chạy sang nhà anh em rồi qua nhà hàng xóm vay tiền, cóp nhặt được bao nhiêu đều lo cho con tất: "Thú thật với chú, lúc đấy vợ chồng mới ra ở riêng, bố mẹ chỉ lo dựng cho mỗi một túp lều nên trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá. Khi cháu nó sinh ra mới được 12 ngày tuổi thì bố nó quyết định chuyển xuống bệnh viện đa khoa tỉnh để bác sỹ phẫu thuật gấp". Bà Xuân rơm rớm nước mắt.
Con thơ mới chào đời được mấy hôm, lắm lúc nhìn đứa con tội nghiệp bú sữa bụng no căng tròn mà không có chỗ tiêu, lại sắp phải chuyển đi bệnh viện xa nước mắt người mẹ trẻ ấy lại ứa ra. Nhưng rồi bà Xuân đành quệt ngang nước mắt cáng đáng cùng ông Hạ đưa con từ trạm y tế xã xuôi bệnh viện tỉnh nuôi hy vọng chữa lành. Xuống đến nơi vì con vừa mới sinh, sức đề kháng còn yếu nên các bác sỹ chỉ mổ tạm thời rồi gắn ống nhựa cho thoát lỗ "hậu môn" ra bụng: "Các bác sỹ bảo, vì âm hộ cùng với hậu môn nằm sát gần nhau nên chưa thể phẫu thuật gấp được mà phải đợi đến 6 tháng sau khi cháu cứng cáp mới mổ lại đợt 2". Bà Xuân nước mắt rưng rưng giãi bày.
Theo dõi, sức khỏe của Hằng gần được một tháng thì gia đình lại chuyển con từ bệnh viện về nhà tự chăm sóc. Được 6 tháng sau, đôi vợ chồng trẻ ấy lại bồng con xuôi bệnh viện đa khoa tỉnh lần nữa. Nhưng vì gia đình nghèo, chi phí cho ca phẫu thuật lên đến mấy chục triệu đồng, khiến cho ông Hạ, bà Xuân sửng sốt, ngẫm có bán cả nhà lo tiền cho con cũng không đủ. Thương con lắm nhưng bậc sinh thành cũng đành chôn chặt nỗi đau trong bụng ngậm đắng trong cái nghèo bất lực bế con trở về.
Vẫn biết số phận của con gái mình sẽ không giống như những đứa trẻ khác, nhưng không phải vậy mà ông bà phó mặc cho số phận, hàng ngày người bố ra đồng cày thuê cuốc mướn gắng sức làm lụng nhưng trong tim lúc nào cũng canh cánh lo lắng cho con. Màn đêm buông xuống ngôi nhà tranh vách đất, ngọn đèn dầu le lói khi tỏ khi mờ vì gió lùa. Tiếng trẻ thơ khóc ngằn ngặt trong đêm, người mẹ trẻ ấy lại hát ru cho con ngủ rồi vợ chồng tâm sự động viên nhau cáng đáng cùng bươn chải lo kiếm cái ăn để nuôi con khôn lớn. Bà Xuân bảo: "Cháu lớn được 6 tuổi thì bố nó cho đi học lớp một, được cái con nó ngoan và chịu khó lắm chú à, vậy nên năm nào cũng được giấy khen".
Lúc còn đi học khi ngồi chung bàn cùng các bạn nhưng vì "hậu môn" nằm ở bụng nên không ai cho ngồi hoặc bị chế giễu là "Hằng thối". Những lúc như vậy, cô bé nhỏ tuổi ấy nước mắt lại ứa ra, đoán biết bạn bè ngồi cạnh trêu đùa, cô giáo chủ nhiệm lại dỗ dành động viên. Đến giờ ra chơi, Hằng chỉ ngồi yên một chỗ nhìn đám bạn nô đùa vì không có ai chơi cùng: "Cháu hay thẹn lắm, cứ nhắc đến nỗi đau ấy là nó lại ngồn im, hoặc khóc một mình. Được cái đi họp phụ huynh, cô giáo luôn biểu dương nghị lực học giỏi vượt khó nên tôi cũng mừng cho con. Mãi đến khi học hết lớp 9 thì con tự nghỉ do xấu hổ với bạn", bà Xuân chia sẻ.
Bao giờ mới hết "tủi phận"?
Thời gian lặng lẽ trôi, cô bé ấy lớn lên trong vong tay yêu thương của cha mẹ và đã trở thành một thôn nữ đễ thương ngoan hiền. Nhưng khổ nỗi Hằng chỉ lùi lũi quanh quẩn làm việc ở nhà mà chẳng dám đi đâu. Em sợ rằng xa gia đình sẽ không có ai che chở, nhất là những lúc cần được sự giúp đỡ, vì khi đi vệ sinh sẽ khác với những người bình thường.
Hai mẹ con Hằng trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng |
Biết phận đời sẽ phải sống chung cùng dị tật nên em càng ít nói, đôi mắt đen lay láy nhìn chúng tôi chăm chú dường như trong suy nghĩ đang mong đợi một khát vọng cháy bỏng để hướng đến một ngày mai rộng mở hơn. Hằng cúi gằm mặt xuống, nước mắt rơm rớm chia sẻ: Thật sự em vô cùng đau lòng, tại sao mình cũng là con người mà không được lành lặn như người khác. Đi ra đường ai cũng chỉ trỏ rồi mọi người xung quanh lại nhìn mình với ánh mắt kỳ thị lúc đấy đau lắm anh à. Bà Xuân nói thêm, nó đã hơn 20 tuổi rùi nhưng chẳng có bạn bè gì cả.
Hàng ngày, Hằng dậy từ rất sớm, ra đồng làm lụng cùng mẹ, những khi hết việc em lại qua nhà bà ngoại giúp cậu mợ trồng khoai trồng sắn, chân tay mặt mày lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Mọi việc trong nhà từ nấu cơm rửa bát, giặt giũ quần áo em đều làm thoăn thoắt. Khi hỏi đến nguyện vọng Hằng nói trong nước mắt: "Em chỉ mong được phẫu thuật để chữa lành lặn như những người bình thường, để cho cha mẹ đỡ vất vả lo lắng".
Chúng tôi chia tay gia đình em Hằng khi đã gần trưa. Hằng lại cùng mẹ lụi hụi chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc, trong lòng tôi cứ thêm day dứt cảm thương số phận về một người em gái nghèo khổ ở vùng quê thanh bình, yên ắng giàu nghị lực ấy. Hi vọng vào một tương lai không xa, gia đình sẽ chữa lành vết thương dị tật kia để cho em hướng đến một tương lai tương sáng hơn.
Các bác sỹ, các nhà khoa học ngành y tế nghiên cứu có giải pháp cứu chữa trường hợp dị tật bẩm sinh hi hữu này. Chúng tôi tin rằng Y học Việt Nam sẽ không bó tay, các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ em Bùi Thị Hằng thoát khỏi hoàn cảnh éo le này.
Lúc đầu nhóm phóng viên chúng tôi định viết tên tắt, giấu địa chỉ của Hằng, để tránh cho em bị xấu hổ. Nhưng trước nỗi khổ và đau đớn của em cùng gia đình, BBT Cảnh sát toàn cầu tuần xin phép được viết rõ địa chỉ với hi vọng kêu gọi lòng hảo tâm của độc giả gần xa có thể đóng góp chung tay chia sẻ giúp em Hằng có điều kiện đi phẫu thuật.
Mọi đóng góp xin gửi về Ban Cảnh sát toàn cầu, báo Công an nhân dân, 92 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội - ĐT: 04 38222157 hoặc 04 38222449.
Bà Đinh Thị Tình (hàng xóm) cho biết: "Chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh gia đình cháu Hằng, nhà chỉ có hai sào mía lại thuộc diện hộ nghèo trong xóm. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, bố mẹ nó suốt ngày quần quật "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" đi làm thuê làm mướn. Dành dụm được đồng nào lại phải đong gạo lo cho cái ăn, rồi nuôi 4 đứa con ăn học cũng vất vả tốn kém. Lắm lúc cháu hay tủi thân rồi chạy sang nhà khóc nức nở chia sẻ, tôi cũng rất thương cảm cho số phận nhưng vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cũng chỉ động viên để cháu nguôi ngoai".
Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng thôn Mỹ Lợi cho biết: "Hoàn cảnh của gia đình ông Hạ rất khó khăn, năm 2007, chính quyền xã và bà con trong xóm đã giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng cho căn nhà cấp 4 để giúp gia đình thoát khỏi cảnh lều tranh vách đất. Đứa con gái đầu lại bị dị tật từ khi mới sinh, ông Hạ luôn phải chạy vạy lo cho con mà không có tiền để phẫu thuật. Mong rằng những tấm lòng hảo tâm gần xa chung tay góp sức để cháu nó vơi bớt đi phần nào tủi thân".