(Congannghean.vn)-Ngày 11/11/2013, cơ quan An ninh điều tra Công an Nghệ An đã tống đạt khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Minh Thìn trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò về tội Đưa người lao động sang lao động trái phép ở Angola.
Người lao động bị đày đọa nơi đất khách quê người
Thoát khỏi địa ngục trần gian ở một miền đất dữ thuộc nước Angola, anh Nguyễn Văn Quyền (SN 1983) trú ở xóm 4, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn kể cho chúng tôi nghe: Là một thợ xây lành nghề, có kỹ thuật cao, từng đi xuất khẩu làm nghề xây dựng ở Ả-rập-xê-út và có một ít vốn, mang về sửa sang lại nhà cửa cho mẹ. Giữa năm 2011, khi huyện Nam Đàn rộ lên phong trào đi xuất khẩu lao động sang Angola, Quyền vay mượn thêm để có 7.000 USD nhờ một đầu mối ở xã bên cạnh để được đi xuất khẩu lao động với lời hứa: "Sẽ có việc làm ổn định, lương tháng khoảng 1.000 USD".
Sau khi quá cảnh tại Trung Quốc, anh đặt chân đến sân bay thủ đô Luanda của Angola với ngổn ngang bao suy nghĩ. Được một ông chủ người Việt đến đón về lán trại, sau khi thử qua tay nghề, Quyền được nhận vào làm với công việc là thợ hoàn thiện của các công trình xây dựng. Đây là một vùng khí hậu khắc nghiệt, nắng, gió, thiếu nước sạch. Ban đêm, công nhân người Việt được ông chủ bố trí ngủ trên một tấm phản cùng chiếc chăn mỏng, tuyệt nhiên không có màn, muỗi vo ve như ong… Ở những vùng sâu, vùng xa Angola, bệnh sốt rét hoành hành từ hàng chục năm nay. Sống trong môi trường độc hại như vậy, chuyện công nhân người Việt bị sốt rét xảy ra thường xuyên.
Anh Lê Văn Hùng, người bạn thân của Quyền cũng đi Angola trở về cho biết, lúc mới sang làm việc, anh bị sốt rét 3 lần, cứ nghe nóng rét trong người, lập tức công nhân phải đi chuyền nước trong các trạm y tế tồi tàn. Mỗi lần chuyền nước, các lao động phải trả từ 250 - 300 USD, nếu chưa có tiền, ông chủ sẽ thanh toán hộ và trừ vào lương. Anh Quyền và anh Hùng cùng chia sẻ: Nhiều người nghĩ đi xuất khẩu lao động là sướng, nhưng sang Angola rồi mới biết, đây không phải là thiên đường để đổi đời, nơi mà sự sống và cái chết chỉ mong chờ vào sự may rủi. Bữa ăn, giấc ngủ chưa ngon giấc, người lao động còn phải lo bị cướp dí súng vào đầu, bị Cảnh sát bắt và trục xuất về nước.
Thực tế cho thấy, tất cả các lao động người Việt Nam đi xuất khẩu sang Angola đều là đi "chui", theo đường dây bất hợp pháp của các "cò" người Việt. Đặt chân đến Angola, có 4 điều mà lao động người Việt sợ nhất là bị Cảnh sát bắt, bệnh sốt rét, bị cướp và nhất là bị "cò" quỵt tiền. "Cò" ở đây thực chất là những người đã sang làm việc ở Angola từ 5 đến 10 năm, một số trở thành chủ thầu xây dựng, một số người mở tiệm chụp ảnh, photocopy, quán Internet… Khi thấy nhu cầu lao động ở Angola lên cao, họ trở về Việt Nam, đưa người đi với chi phí từ 5.000 - 7.000 USD. Sau khi lao động sang đến thủ đô Luanda, "cò" trực tiếp ra đón và dẫn về các lán trại, bắt đầu giao nhận việc.
Sau những năm tháng lao động vất vả ở Angola, anh Quyền trở về trong tình trạng liệt nửa người do tai nạn |
Anh Quyền cho biết thêm, đầu năm 2012, từ xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, 2 công nhân Nguyễn Phúc Tùng (SN 1991), Nguyễn Văn Tùng (SN 1983) háo hức nộp 6.500 USD để bay sang Angola với mức lương hứa hẹn là 1.000 USD/tháng. Làm việc được 3 tháng thì chủ thầu nợ lương và hẹn sau khi hoàn thành công trình sẽ thanh toán tất cả. Khi công trình vừa xong, cả nhóm đang háo hức chờ nhận tiền thì Cảnh sát xuất hiện, bắt về đồn… Sau nhiều lần bị bắt, bị quỵt tiền, những công nhân người Việt Nam hiểu ra rằng, việc bị Cảnh sát bắt thực chất là do các tay "cò", các ông chủ người Việt chỉ điểm để quỵt tiền của người lao động.
Cùng chứng kiến vụ việc này, anh Trần Văn Hùng (SN 1970) trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò sang Angola lao động, được ông chủ người Việt trả lương 1.000 USD/tháng, tiền sẽ được chuyển thẳng về cho vợ qua "ngân hàng đen". Nhưng sau đó, khi công trình hoàn thành, chưa kịp thanh toán thì bị Cảnh sát bắt vào trại. Cùng bị bắt lần này có 2 công nhân Nguyễn Phúc Tùng (SN 1991), Nguyễn Văn Tùng (SN 1983) ở xóm Xuân Trang, xã Nghi Xuân.
Vì không có giấy tờ hợp pháp, không có người bảo lãnh, nhóm công nhân người Việt bị đưa về trại tù C30 Luanda, nơi giam giữ những người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp như vừa nêu trên. Suốt gần 3 tháng ròng, 3 người bị giam trong trại, thực đơn mỗi ngày là một chiếc bánh bao, một môi ngô hạt nấu chín như thức ăn của gà ở Việt Nam và một ít nước đục, được khử bằng clo. Thỉnh thoảng, quản lý khu trại cho phép 3 người gọi điện ra ngoài cho người quen và gọi về Việt Nam để lo liệu các thủ tục.
Nghe tin con bị bắt, bà Phương (mẹ của PhúcTùng), ông Nguyễn Văn Luyện (bố của Văn Tùng) và vợ con anh Trần Văn Hùng như ngồi trên đống lửa. Họ lần lượt đi vay mượn tiền bạc, gửi mỗi người từ 1.000 - 2.500 USD cho các ông chủ người Việt ở Angola để nhờ họ bảo lãnh về nước. Ngày giáp Tết Nhâm Thìn, cả 3 được về Việt Nam, người xanh xao như tàu lá chuối. Hiện nay, ngoài số nợ lúc đi chưa trả hết, những gia đình này còn nợ cả trăm triệu đồng sau chuyến xuất ngoại của con. Anh Hùng cho biết, khi anh được bảo lãnh để về nước, trong khu nhà tù còn có rất nhiều người Việt Nam khác đang bị giam, đang chờ đợi người thân gửi tiền sang bảo lãnh để được trở về.
Chứng kiến cảnh lừa lọc, cướp bóc ở "miền đất hứa" Angola, một số người lao động bất hợp pháp ở Việt Nam, trong đó có anh Nguyễn Văn Quyền quyết tâm kiếm cho đủ tiền vốn để về nước. Cuối năm 2012, khi đang làm việc trên giàn giáo, anh Quyền bị vướng phải dây điện, ngã xuống đất, da cháy sém. Bạn bè và cộng đồng người Việt Nam ở Angola phải đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện tư nhân ở thủ đô Luanda, nằm 2 ngày với giá 18.000 USD. Hết tiền, Quyền được đưa đến viện bỏng điều trị, mẹ của anh phải cắm nhà, vay ngân hàng gửi 9.000 USD sang cho các bạn đưa anh về Việt Nam. Trở về quê, sau 2 tháng điều trị ở Viện bỏng Quốc gia, anh Quyền bị liệt nửa người, phần đầu bị lõm phía sau, chấp nhận sống cuộc đời trên chiếc xe lăn…
Đến những cái chết tức tưởi thương tâm
Trước tình trạng cướp bóc, quỵt lương, cuộc sống vất vả, bệnh tật, thiếu thốn, những lao động người Việt ở Angola bắt đầu một cuộc tháo chạy khỏi Quốc gia Châu Phi này. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được trở về một cách bình an. Cuối năm 2011, anh Chu Văn Toản trú ở xóm 5, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên vay tiền đi Angola làm thợ xây dựng theo một đường dây ở Hà Tĩnh. Sau 1 năm làm việc nhưng bị chủ quỵt lương và bị ốm nên tháng 11/2012, anh Toản quyết định trở về. Ngày 17/11/2012, khi bạn bè đến để ăn bữa cơm liên hoan về nước theo lời hẹn thì thấy anh bị bắn chết ở góc lán trọ. Tháng 1/2013, anh Lê Văn Tuấn trú tại xã Hưng Mỹ cũng bị bắn chết ở Angola sau khi đặt chân đến đất nước Châu Phi này 3 ngày.
Trong khoảng 4 tháng đầu năm 2013, nhiều gia đình ở huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, TP Vinh cũng lần lượt nhận được tin giữ từ Angola khi người nhà của họ bị chết vì sốt rét mà chưa kịp trở về quê. Tại xóm Đại Đồng 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, ai cũng xót xa khi nhắc đến cái chết của anh Nguyễn Anh Hùng. Sau một thời gian sang Angola làm việc, đầu năm 2013, anh Hùng về quê chữa bệnh dạ dày và sốt rét. Giữa tháng 4/2013, sau khi khỏi bệnh, nhìn cảnh con cái nheo nhóc, vợ không có việc làm, anh tiếp tục bay sang Châu Phi để tìm kiếm vận may. Trước khi đi, anh bán con bò lấy tiền, sửa lại mái trần nhựa trên nhà cho mẹ con đỡ dột và tặng 2 đứa con 2 tờ tiền lẻ mới cứng, đưa chiếc ví cũ cho vợ làm kỷ niệm. Nào ngờ, đó cũng là những kỷ vật cuối cùng của anh Hùng để lại cho vợ con, bởi sang Châu Phi được khoảng 1 tuần, anh bị tai nạn và qua đời. Tháng 7 vừa qua, thi thể anh Hùng được đưa về nước nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt ở Angola.
Trở lại việc bắt giữ đối tượng Nguyễn Minh Thìn, trước đó, vào ngày 7/7/2012, chính đối tượng này đã đưa anh Nguyễn Công Nguyên trú ở phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò đi xuất khẩu lao động sang Angola bằng con đường du lịch và ở lại làm việc bất hợp pháp với chi phí 6.500 USD/tháng. Do lao động cực nhọc, khí hậu khắc nghiệt nên tháng 3/2013, anh Nguyên bị sốt xuất huyết và tử vong. Vợ anh Nguyên làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, Thìn vội trốn sang Angola. Vừa qua, Thìn về nước, vừa ra khỏi sân bay Nội Bài thì bị Công an bắt giữ. Đang trong thời gian làm việc với cơ quan Công an, Thìn xin phép đưa con đi chữa bệnh rồi bỏ trốn. Sau đó, Nguyễn Minh Thìn và bố vợ là ông Mai Văn Lan, cùng trú phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò bị nhiều người bị hại tố cáo về hành vi lừa đảo đi xuất khẩu lao động ở Angola, bằng cách ông Lan đứng ra nhận tiền của người lao động, còn Thìn làm thủ tục để họ nhập cảnh Angola, rồi bỏ mặc người lao động bơ vơ nơi đất khách quê người.
Hiện, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra mở rộng vụ án, tiến hành truy bắt những đối tượng liên quan.
.