Trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc trên mặt trận Thừa Thiên, anh đã đồng đội tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ nhập thần” làm cho quân lực Hoa Kỳ và quân đội Sài Gòn nhiều phen kinh hồn, bạt vía…
|
Anh hùng LLVT Hồ Xuân Mãn |
Kẻ thù từng xem anh là “tên Việt Cộng nguy hiểm số 1” và đã nhiều lần đưa ảnh chân dung anh lên mục cáo thị, treo giá trọng thưởng bằng tiền cho bất cứ ai bắt sống hoặc tiêu diệt được anh. Chàng trai ấy tên là Hồ Xuân Mãn – người đã đi qua chiến tranh với 33 lần được phong dũng sĩ, 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Huân chương Giải phóng các hạng và 1 Huân chương Quyết thắng, 3 huy hiệu Chiến sĩ thi đua, nhiều bằng khen và cả giấy chứng nhận danh hiệu "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. Sau này, trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước, anh là Ủy viên Trung ương Đảng, 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ…
Kí ức hào hùng
Một ngày cuối năm se lạnh ở làng Phò Ninh, tôi đã có dịp được nghe ông kể thật nhiều những câu chuyện của tuổi thơ nghèo khó, những năm tháng tham gia kháng chiến vào sinh ra tử, rồi thời kỳ hậu chiến vất vả, kiến thiết xây dựng quê hương và cả những được mất, buồn vui của một đời người...
Ông kể rằng, khi lớn lên, biết suy nghĩ mới thấy những người thân của mình, bà con làng xóm của mình đã bao năm phải chịu đựng nhiều tầng áp bức của chế độ đương thời. Được giác ngộ bởi chính những người thân trong gia đình đã tham gia cách mạng, cùng với bầu máu nóng của tuổi trẻ, ông cùng với những người bạn đồng liêu trong làng quyết định ra đi.
Ông kể, ngày đó quyết tâm lên rừng theo cách mạng nhưng chưa thấu tỏ cách mạng là gì hết. Đêm hôm ấy, ông ra đi cùng với Hoàng xê, Hồ A và một người bạn nữa tên là Nãi, nhà ở cạnh sau hè nhà ông. Nhưng khi đến giờ hẹn để lên đường thì anh Nãi bảo rằng đi bộ đội chủ lực xa nhà quá, thôi thì để anh ở lại đi du kích địa phương, vậy là chỉ còn ba anh em lặng lẽ tìm đường lên chiến khu trong đêm tối. Hành trang lên hậu cứ cách mạng của Hồ Xuân Mãn ngày ấy chỉ có một chiếc võng, một chiếc ra dù của ông nội tặng, mẹ ông mua cho đôi dép mới, hai bánh đường đen với hai lon đậu đỏ của gia đình trồng được.
Ở hậu cứ được chừng một tuần lễ thì cả ba anh em bắt đầu bị sốt, nằm liệt gần một tháng trời. Ông Mãn nhớ lại, nằm trong lán vật vã phải hơn một tháng sau mới khỏe, khi thấy đã quen với đời sống núi rừng thì lãnh đạo mới cho đi huấn luyện. Lúc đó, mỗi người được phát một cây súng K44 (loại súng bỏ từng viên đạn rất to rồi lắc để bắn), ôm cây súng trên tay mà nước mắt chảy dài vì cây súng ấy dựng lên là cao hơn thân mình một đoạn. Những ngày ấy ở chiến khu, anh em trẻ như ông chủ yếu được đơn vị cho đi bảo vệ mục tiêu lúc đó là cơ quan tỉnh ủy, rồi đi tuần xung quanh khu vực đóng quân.
Suốt cả năm 1965, ông cùng đơn vị hoạt động ở vùng rừng núi, phải đến đầu năm 1966 thì mới được cấp trên cho phép về hoạt động ở vùng đồng bằng. Nhiệm vụ lúc ấy là trở về địa bàn xã Phong An để thực hiện nhiệm vụ “diệt ác, phá kềm”, rồi nới rộng dần phạm vi hoạt động. Tháng 6/1966, thời điểm này mới chính thức đụng độ với lính bộ binh của Mỹ.
Ông Mãn kể, hôm ấy trung đội của mình nhận nhiệm vụ chống càn của một đại đội lính Mỹ vào buổi sáng ở trên địa bàn của xã Phong Sơn. Theo phân công, cứ hai đồng chí của mình chịu trách nhiệm tiêu diệt một lính Mỹ, kế hoạch đánh là bí mật phục kích phải đợi đến khi mục tiêu cách điểm phục kích 50 mét mới được siết cò súng.
Lần đầu tiên đánh Mỹ, không riêng gì ông Mãn mà hầu hết anh em trong trung đội với vũ khí khá lạc hậu, chủ yếu là súng bán tự động, súng K50, súng Tuyn cải tiến từ chiến tranh chống Pháp còn lại, đều thấy hoang mang khi nhìn thấy đại đội lính Mỹ to lớn, súng đạn dàn hàng ngang tiến vào làng. Y lệnh trên, khi thấy mục tiêu đã vào địa điểm là anh em đồng loạt néo cò, bắn ầm ầm một trận rồi rút nhanh vào núi để chờ cơ sở tại chỗ thông báo kết quả.
Tổng kết trận đó, trung đội của ông Mãn cũng tiêu diệt được 14 lính Mỹ, anh em rất phấn khởi. Từ đó, cứ theo năm tháng đánh địch trên địa bàn huyện Phong Điền nên trong đơn vị đa số anh em đều rất dạn dày trận mạc.
Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, đơn vị chỉ để lại một đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu ở hậu cứ, số còn lại được tăng cường để nâng cấp thành Tiểu đoàn trinh sát vũ trang do ông Hải làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn trinh sát này được trang bị hỏa lực rất mạnh (cứ 3 người có một khẩu B40, 2 khẩu AK báng gấp) để đánh luồn sâu vào nội thành.
Từ hậu cứ ở Hương Trà, đơn vị ông Mãn hành quân qua đêm, đến khuya 30 Tết Mậu Thân thì đột nhập vào cánh Bắc ở Cửa Chánh Tây của TP. Huế để diệt ác, trừ gian. Sau 23 ngày chiến đấu tại vị trí Cửa Chánh Tây, đơn vị của ông Mãn gặp Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 325 do ông Lê Khả Phiêu (sau này là Tổng Bí thư Trung ương Đảng – NV) chỉ huy, rồi cùng với Trung đoàn 9 thoát ra khỏi vùng nội thành Huế để quay ra hướng Phong Điền để đánh nhau với lính thuộc Sư đoàn kỵ binh không vận số 1(Kỵ binh bay) của địch. Tại đây, các đơn vị của quân ta đã trải qua những trận giao tranh vô cùng ác liệt với lực lượng không vận của Mỹ - Ngụy.
Kết thúc những ngày ác liệt ấy, Trung đoàn 9 của Sư 325 rút quân về hướng Hương Trà, rồi từ đó hành quân lên vùng A Lưới. Trong chuyến hành quân ấy của Trung đoàn 9 còn có thêm một chiến sĩ cách mạng ưu tú của đất Thừa Thiên mới thoát ra khỏi Lao Thừa Phủ đó là ông Nguyễn Khoa Điềm (Ông Điềm bị địch bắt ở khu vực Phước Yên từ tháng 7/1967-NV). Đến lúc Trung đoàn 9 dừng chân ở khu vực A Vao (Cửa khẩu Hồng Vân) để chuẩn bị ra Bắc thì quân lực kiểm tra quân số và thấy ông Điềm không có tên trong danh sách quân lực nên trả ông Điềm lại cho Khu ủy.
Ông Mãn kể, đây là giai đoạn ông Nguyễn Khoa Điềm (sau này là Ủy viên Bộ Chính Trị-NV) viết được rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như: “Mặt đường khát vọng”, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”…
Sau khi dẫn đường cho đơn vị của ông Lê Khả Phiêu lên đến vùng biên giới giữa A Lưới với tỉnh Xà Muồi của nước bạn Lào để ra Bắc. Đơn vị của ông Mãn quay trở lại Hương Trà để bảo vệ cho Tỉnh ủy ở khu vực Khe Trái. Thời kỳ này, ở Khe Trái máy bay của địch oanh kích một ngày không biết bao nhiêu lần, đạn từ máy bay rót xuống dày đặc một cách “tàn canh gió lạnh”. Chỉ có các cơ quan đầu não như Thành ủy, Tỉnh ủy, Ty Công an là di chuyển về hướng Khe Đầy thuộc huyện Hương Thủy để trú ẩn, còn lại những đơn vị chưa di chuyển được thì bị thiệt hại rất nặng nề sau nhiều đợt rải thảm của địch.
Năm 1969, ông Mãn được đơn vị cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua ở dốc Cao Bồi, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Khi trở lại vùng đất Phong Điền – Quảng Điền thì cán bộ cơ sở không còn nhiều nữa vì bị phản kích. Lúc bấy giờ, lãnh đạo quyết định trưng dụng quân của Đại đội 1, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6 do ông Vũ Thắng (sau này là Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư tỉnh ủy Bình Trị Thiên – NV) làm chính ủy về tăng cường cho các địa phương để bổ sung vào lực lượng du kích. Có những người đang là Đại đội phó một đơn vị chủ lực, nhưng tăng cường làm xã đội trưởng.
Lần đó, ông Mãn cũng được tăng cường về làm xã đội trưởng kiêm trưởng công an của xã Phong An. Là người địa phương, ông Mãn thấy rằng nếu thực hiện chính sách đưa quân chủ lực về tăng cường địa phương sẽ vô cùng nguy hiểm, hơn nữa phương án này anh em sẽ hy sinh nhiều. Vì lẽ đó, ông Mãn đã xin ý kiến lãnh đạo để được chuyển hướng hoạt động, tức là không nằm vùng ở dọc tuyến phía ngoài (đồi rú, bờ ruộng, ao bàu) mà chuyển hẳn vào nằm vùng bí mật trong dân. Tổ chức xây dựng nên một vùng căn cứ lỏm ở ngay trong địa bàn các thôn xóm. Ở đó, ông thành lập được một Trung đội dân quân mật và 3 Chi bộ mật.
Năm 1971, ông về địa bàn xã Phong An để rút một số thanh niên để đưa lên hậu cứ bổ sung thêm lực lượng, trong số đó có em trai của ông là ông Hồ Xuân Phán. Có lực lượng, ông cùng đồng đội tổ chức những trận đánh nhỏ lẻ để dằn mặt địch, chủ yếu là đánh bằng bom mìn, mục tiêu là bọn địa phương quân, dân vệ… Có lần, ông cùng với hai người đồng chí tên Minh (sau này ông Minh làm Phó giám đốc Sở Nội Vụ của Tỉnh Thừa Thiên Huế-NV) và Hùng (nay sinh sống ở Vĩnh Hưng – NV) đánh một trận chí mạng làm lực lượng địch ở địa bàn Phong An hoảng loạn.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho
ông Hồ Xuân Mãn.
Ông nhớ lại, hồi đó, ở vị trí cổng vào làng Phò Ninh quê ông, địch thành lập nên một cái chốt và bố trí ở đó 1 trung đội nghĩa quân để canh chừng. Sau một thời gian điều nghiên quy luật hoạt động của địch, ông quyết định đánh. Hôm ấy là ngày 14 âm lịch nên trăng rất sáng. Tổ công tác của ông bí mật tiếp cận vị trí chiến đấu để đặt 1 quả mìn Claymo nằm chờ.
Khoảng 20h15, cả trung đội địch bước ra đi tuần tra, ông Mãn lấy chân đá vào chân đồng chí Minh ra lệnh khai hỏa. Quả Claymo trước điểm phục kích địch vang lên một tiếng nổ chát chúa, tiếp đó ông Mãn rút chốt trái lựu đạn đã chuẩn bị sẵn tung về phía địch, rồi nhanh chóng rút quân một cách an toàn. Trận đó, toàn trung đội địch có 28 tên thì chỉ còn 1 tên sống sót do lúc anh Minh điểm hỏa tên này đang ghé vào một ngôi nhà bên đường để uống nước.
Một lần khác, ông phát hiện thấy 1 trung đội địa phương quân của địch hàng ngày đóng chốt ở trên Động Hóc gần làng Phò Ninh. Qua theo dõi, ông đã nắm được hành trình tuần tra của chúng, sau mỗi lần đi tuần về thường là chúng bắt gà, vịt của người dân trong làng mang lên Động Hóc để nướng ăn. Hồi đó là tháng 11 nên thời tiết rất lạnh, địch thường tận dụng việc nướng gà, vịt để cùng nhau ngồi sưởi ấm. vậy là ông cùng với một đồng chí tên Công đi kiếm 1 quả pháo 155 ly, đục phần đầu để cài kíp mìn vào trong đó.
Lợi dụng thời điểm địch đi tuần tra, ông cùng với người đồng chí của mình đột nhập lên Động Hóc, bí mật đào lỗ ngay dưới đống tro mà địch hay đốt lửa để chôn quả đạn, rồi ra ngoài trèo lên một ngọn cây để quan sát. Sau khi địch đi tuần tra về, đúng như nhận định của ông, chúng lại gom củi để đốt lửa sưởi ấm. Khi cả trung đội lính ngụy đang xúm lại bên đống lửa thì bỗng nhiên một tiếng nổ vang lên, khói và đất đá tung lên mù mịt. Lần ấy, cả trung đội 29 tên cũng chỉ còn 1 tên sống sót nhờ đang đi lấy củi ở xa.
Ông Mãn kể rằng, thời buổi đó anh em hầu như tuần nào cũng đánh vài trận, tuy rằng chỉ đánh nhỏ lẻ nhưng hiệu quả rất cao. Có những lần ông còn tổ chức cho anh em đột nhập vào làng vào buổi trưa, hoặc buổi chiều để tấn công vào những chốt gác của địch làm cho bọn chúng hết sức hoang mang, lo sợ. Ngoài chuyện đánh để tiêu diệt sinh lực địch, ông Mãn còn cùng với anh em trong lực lượng của mình tổ chức phá gỡ các loại mìn do địch đặt dày đặc trong các ngõ giao thông của làng xóm. Hồi ấy, ông gỡ mìn thiện nghệ đến mức anh em trong đơn vị mệnh danh là “ông vua gỡ mìn”.
Năm 1973, sau gần một tháng rời địa bàn để ra vùng Cồn Tiên – Quảng Trị dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn miền. Khi trở về đến địa bàn huyện A Lưới, ông nhận được hung tin là hầu hết các cán bộ chủ chốt ở địa bàn đã hy sinh trong những trận phục kích của địch. Về được khoảng 1 tuần thì ông Lê Tư Sơn – Bí thư huyện ủy, ông Luyện – Huyện đội trưởng, ông Phạm Văn Danh – Trưởng Công an huyện gọi ông đến để thông báo tình hình và đề nghị ông phải tìm mọi cách về xã Phong An để kết nối lại liên lạc, không để trống địa bàn.
Sau khi thống nhất kế hoạch, ông xin 5 kg lương khô, 4 hộp đạn AK và chọn một cộng sự tên Hùng vì anh này rất rành đường sá mà lại khá gan lì. Ông Luyện đưa một Trung đội trinh sát của Huyện đội bố trí cho ông vượt tuyến, sau khi vượt tuyến thì ông được tổ giao liên của anh Châu dẫn đường để trở lại địa bàn.
Khi chia tay ở địa bàn thôn Vĩnh Yên thì anh Châu không chịu quay về mà cứ nắm tay ông đứng khóc vì biết được rằng khả năng sống sót sau chuyến trở về này của ông là quá đỗi mong manh. Ông an ủi Châu rằng: “Em đừng khóc, vì em cứ khóc thế này anh đi không được, thôi thì Châu về, nếu đêm nào Châu không nghe mìn nổ vậy là anh còn sống…”.
Chia tay với tổ giao liên xong, ông cùng đồng chí Hùng quyết định náu mình dưới một bàu nước rất lớn để che mắt địch. Hồi ấy là tháng 5 nên trời rất nóng, cứ 5h sáng hai anh em lội xuống bàu để lấy cỏ lác, cỏ lùm trùm lên người để ẩn nấp là bắt đầu bị đỉa tấn công.
Ông kể, từ tai trở xuống đến chân chỗ nào cũng có đỉa bám. Chịu đựng vấn nạn đỉa đã khổ, nhưng cứ tầm 9h trở về chiều khi trời nắng to, nước dưới bàu cũng nóng mới là cực hình. Phải đến sau 6g chiều hai anh em mới mò lên khỏi mặt nước, lúc đó cơ thể của ai cũng tấy đỏ như màu sơn của những chiếc máy cày MTZ. Thoát khỏi vị trí ẩn nấp bên bàu nước, ông quyết định tìm về trên cánh đồng mà theo nhận định của ông kiểu gì cũng sẽ gặp các gia đình cơ sở ra đó để sản xuất.
Một hôm, khi đang nằm dưới mấy luống rau lang thì ông phát hiện một chị cơ sở tên là Nguyệt ra hái rau. Ông gọi tên thì chị này quay lại, khi chị Nguyệt nhận ra ông thì nét mặt chị tái đi, chị hốt hoảng thông báo cho ông biết địa bàn này bây giờ ở bất cứ nơi đâu cũng có địch dò xét nên vô cùng nguy hiểm. Thế rồi, ông chọn một lùm cây gai gần với cánh đồng để làm nơi ẩn náu tìm thời cơ liên lạc gây dựng cơ sở.
Qua năm tháng ở trong lùm cây gai đó, hai người cứ lần mò xây dựng được một cơ sở ở làng Phò Ninh, một cơ sở ở làng Thượng An và một cơ sở ở làng Bồ Điếc. Nhưng lúc đó, ông xuất hiện ở cơ sở nào cũng bị người ở đó van nài, xua đuổi vì tình hình quá nguy hiểm cho ông…
Một hôm khi ông cùng cơ sở của mình ở làng Bồ Điếc đang làm một căn hầm bí mật thì có một giao liên mang thư từ hậu cứ đến bảo rằng ông phải thu xếp để trở về hậu cứ báo cáo tình hình cho ông Lê Tư Sơn – Bí thư huyện ủy. Ông nhấn mạnh: Vào thời kỳ chiến tranh ác liệt đó, cán bộ của ta ai đã về được đồng bằng là được xem như một lần thoát chết nhưng từ đồng bằng mà trở lại hậu cứ thì còn nan giải hơn rất nhiều lần.
Nguy hiểm là thế nhưng mệnh lệnh là phải thi hành. Trở về hậu cứ, ông gặp lại người đồng đội tên Minh vừa đi học trường Đảng ở ngoài Bắc vào. Từ đó, ông tập trung lực lượng, bổ sung thêm rất nhiều cán bộ có kinh nghiệm đánh địch để từ đó tạo dựng phong trào trở lại địa bàn các xã Phong An, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương để vừa hoạt động vừa đánh địch.
Những năm tháng đó, Hồ Xuân Mãn đã cùng với đồng đội của mình tổ chức nhiều trận đánh “vô tiền khoáng hậu” đặc biệt là vụ trừng phạt tên Nguyễn Công Đảng là một xã đội phó du kích ở Phong Hòa chiêu hồi địch; vụ tiêu diệt hụt tên Kiểu – Trung đội trưởng nghĩa quân khét tiếng gian ác... Cứ thế, ông đã cùng đồng đội đánh địch cho đến ngày Huế được giải phóng 26/3/1975.
Anh hùng giữa thời bình
Sau ngày thống nhất, ông nhận nhiệm vụ mới là khai thác hồ sơ hậu chiến, rồi làm Đại đội trưởng – Đại đội tháo gỡ bom mìn để đưa dân trở về làng cũ. Năm 1976, tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên sáp nhập thành một đơn vị hành chính là tỉnh Bình Trị Thiên. Ông chuyển ngành và đi học trường Nguyễn Ái Quốc, sau khi ra trường ông về làm Bí thư huyện đoàn Phong Điền lúc ấy ông tròn 30 tuổi.
Từ đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chánh văn phòng Huyện ủy, Thường vụ Huyện ủy – Trưởng ban tuyên giáo, Phó Bí thư thường trực, năm 1990 tham gia Tỉnh ủy với chức vụ Bí thư Huyện ủy Phong Điền, 1993 là Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, năm 1995 là Phó bí thư Tỉnh ủy, năm 2000 là Bí thư Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu.
Trong thời gian sau này, ông đã vinh dự được nhận thêm 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì và 1 Huân chương chuyên án an ninh tôn giáo, 1 Huân chương Đại Đoàn Kết dân tộc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương Hữu nghị, 1 Huân chương Itxala. Năm 2010, xét thành tích cả thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Giờ đây, ông nghỉ ngơi sau nhiều thập kỷ đã cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước… ngày ngày ông vui vầy bên bè bạn, cháu con. Đôi ba bữa ông lại trở về bên ngôi nhà cũ ở làng Phò Ninh để hương khói cho Tổ tiên, ông bà, chăm sóc vài ba cây kiểng để tìm vui. Ông bảo rằng, ở đời làm người có danh phận cũng lắm thị phi, nhưng mình phải rộng lòng hỉ xả, bởi vì với những hạng người vô tâm hèn hạ thì họ vẫn đáng thương nhiều hơn là đáng trách…
.