Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201212/24931-nhan-chung-song-cuoi-cung-trong-su-kien-vung-ro-393602/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201212/24931-nhan-chung-song-cuoi-cung-trong-su-kien-vung-ro-393602/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhân chứng sống cuối cùng trong sự kiện Vũng Rô - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 18/12/2012, 09:20 [GMT+7]
24931

Nhân chứng sống cuối cùng trong sự kiện Vũng Rô

Người đời vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân thương là Mười Tiến
Bao nhiêu năm lênh đênh trên biển cả với những con tàu không số mang sứ mệnh chở vũ khí vào Nam chi viện cho cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, ông không nghĩ mình còn sống để được trở về bên vợ con, bè bạn. Bởi ông là nhân chứng sống trong sự kiện Vũng Rô, chuyến hàng chở vũ khí bị địch phát hiện đã chấm dứt một thời huyền thoại con đường Hồ Chí Minh trên biển và để lại một kì tích không tưởng về sức người.

Tuổi thơ dữ dội

Những người lính trở về mang trong mình màu áo “cảm tử quân” trên biển ngày nay không còn nguyên vẹn nữa. Một số đã vĩnh viễn nằm lại nơi ngàn trùng khơi xa, trong lòng đại dương mênh mông số còn lại trở về với cuộc sống đời thường cũng hao hụt đi theo thời gian do quy luật muôn đời của tạo hóa. Có một người lính “cảm tử quân” năm xưa từng là nhân chứng sống trong sự kiện Vũng Rô nay vẫn còn khỏe hơn nhiều so với tuổi 78 của mình. Cuộc đời ông từ thuở khai sinh cho đến khi biết nhận thức thế nào là vận mệnh dân tộc là cả một chặng đường không bằng phẳng. Chàng trai quê Bến Tre tên đầy đủ là Huỳnh Văn Tiến nhưng người đời vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân thương là Mười Tiến.

Mười Tiến là con út trong gia đình nghèo quanh năm làm bạn với đồng bưng, kênh rạch. Tuổi thơ của ông trôi đi theo những năm tháng đầy sóng gió trong làng quê thường hay bị giặc Pháp lăm le dọa bắt dọa giết những ai đi theo Cộng sản. Tận mắt nhìn thấy cảnh giặc tràn vào xóm hãm hiếp phụ nữ, bắt giết dân lành rồi đốt nhà cửa. Thỏa chí tàn độc xong, chúng bỏ đi, đằng sau là cảnh tang tóc từ đầu làng đến cuối ngõ. Mười Tiến sớm đem lòng căm ghét không đội trời chung với giặc, niềm căm phẫn xuất phát từ tiếng khóc nỉ non, ai oán của những ông cha, bà má có con gái bị bắt đi, là cảnh khói đen tang thương bao trùm lên những mái tranh nghèo lụp xụp dưới bóng dừa xanh.

Năm 14 tuổi, Mười Tiến bắt đầu nhận thức được thời cuộc, ông xin ba má cho thoát ly làm liên lạc cho đồng chí Trưởng Công an huyện An Hóa khi vẫn còn ngủ chung với mẹ. Biết không thể ngăn cản con trai nên ba má ông cũng đành ngậm ngùi, nuốt nước mắt vào trong tiễn con lên đường. Lần đầu tiên, phải vượt qua một lộ trình dài 50 cây số vừa đường sông lẫn đường bộ với những hang hố, gốc cây, bụi rậm ngổn ngang dọc đường nhưng không hề khiến cậu bé “lực điền” này chùn bước. Từng bước chân non dại, ngây thơ của Mười Tiến cứ lốc cốc chạy theo sau đồng chí Trưởng Công an huyện. Ngã rồi lại dậy, người ngợm hết ướt lại khô, bùn đất bết vào quần áo, hai bàn chân sưng rộp trong suốt 15 ngày lội bộ. Đi làm cách mạng là thế đó, khởi đầu cho một quá trình chiến đấu và hy sinh.

Kể từ ngày bước chân ra khỏi nhà, đi bộ nửa tháng trời, Mười Tiến chính thức lao thân vào con đường Cách mạng. Ông được phân công làm giao liên cho Công an huyện. Công việc mỗi ngày là chuyển công văn đến trạm phát hành và nhận công văn từ trạm phát hành về cơ quan. Công việc này đòi hỏi phải bơi lội giỏi, bởi đường di chuyển chủ yếu là đường sông rạch, kênh bưng nên Mười Tiến bắt đầu tập bơi. Vốn là con nhà nông, nên chẳng mấy khó khăn Mười Tiến đã trở thành một tay bơi như rái cá khiến người lớn phải trầm trồ thán phục.

Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva được ký kết, Mười Tiến không tập kết ra Bắc mà trở về quê nhà sống với gia đình. Tại đây, ông tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh hợp pháp của địa phương. Đất nước vẫn chưa một ngày được bình yên khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đang lộng quyền khắp nơi. Nhân dân lầm than, đói khổ, tàn khốc hơn lại phải chứng kiến cảnh bắn giết những người chúng tình nghi là Việt cộng. Hoạt động hợp pháp của Mười Tiến bị địch đánh hơi theo dõi, chúng nghi ông là cơ sở cách mạng cài vào nên theo dõi nhất cử nhất động của ông. Nhiều lần bọn ngụy quyền, tay sai tới tận nhà ông để mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo không được chúng lấy ba mẹ ông ra để răn đe.

Ngày Bến Tre Đồng Khởi, Mưới Tiến chính thức được điều vào Đại đội 246 chủ lực quân giải phóng của Tỉnh đội Bến Tre. Bắt đầu những ngày hành quân dài đằng đẵng hết rừng lại xuống ruộng cho đến một ngày, Mười Tiến nhận được mật lệnh chuẩn bị hành quân bằng thuyền ra Bắc. Từ đây, cuộc đời người con Bến Tre gắn liền với thuyền và biển với những con sóng giữa đại dương bao la và giữa sự vây hãm, đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Ký ức Vũng Rô

Trung ương Đảng với Bác Hồ dành hết phần quan tâm cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Trong khi miền Nam đang rất cần vũ khí đánh giặc vì thế lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam về mọi mặt, nhân lực và vũ khí. Sau đó thời gian không lâu, những chiếc tàu gỗ, tàu sắt do xưởng đóng tàu một, xưởng đóng tàu ba ra đời. Từ ngày 18/4/1962, 4 thuyền gỗ vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí có tên gọi Phương Đông lần lượt lên bệ phóng. Những cảm tử quân chuẩn bị lên tàu đối đầu với bao hiểm nguy, thử thách trên biển.

Mười Tiến được làm thủy thủ tàu Phương Đông 4. Vũ khí đã được chất đầy ắp trên thuyền, trách nhiệm nặng nề đè lên vai toàn bộ đội tàu. Giữa biển rộng bao la, tàu Phương Đông 4 bị lạc vào tận mũi Kê Gà (Bình Thuận) do thời tiết quá xấu không nhận dạng được phương hướng. Sau khi xác định lại tọa độ, tàu quay trở ra thì gặp cơn sóng to đánh táp làm thuyền xuýt lật. Bằng bản lĩnh đi biển, các thủy thủ đã cùng nhau quyết tâm vượt qua. Sau nhiều ngày ròng rã trên biển, ăn đói mặc rách, thiếu thốn trăm bề cuối cùng một trong những chuyến tàu đầu tiên cũng cập bến Cà Mau an toàn. Vũ khí được bốc dỡ không quản ngày đêm vận chuyển ra chiến trường để bộ đội đánh giặc. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt từng anh lính hải quân da ngăm đen, mặt cháy nắng.

Vào Nam chưa được bao lâu, Mười Tiến chưa kịp về thăm gia đình thì lệnh tiếp tục quay ra Bắc nhận nhiệm vụ. Những chuyến ra vô liên tục, hầu như Mười Tiến sống trên biển nhiều hơn đất liền. Ông cứ mải miết đi, theo nhiệm vụ và bằng cả con tim tràn ngập tình yêu quê hương, đất nước. Lúc làm thủy thủ khi lại làm chính trị viên, ông không thể nhớ mình đã từng có mặt trên bao nhiêu chuyến tàu ra Bắc vào Nam.

Từng đoàn tàu nườm nượp nối tiếp nhau theo đường Hồ Chí Minh trên biển, nhân dân miền Nam phấn khởi, vui mừng chiến công nối tiếp chiến công một phần nhờ công sức và sự hy sinh lớn lao của những chiến sĩ vận chuyển vũ khí hàng nghìn kilômét ngoài biển cả. Đối với Mười Tiến, được có mặt trên những con tàu vận chuyển vũ khí là một niềm vinh dự lớn lao của đời người chiến sĩ cách mạng. Được ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ và các đồng chí ở Trung ương là mơ ước cháy bỏng của bất cứ một người dân miền Nam nào. Những chuyến tàu vẫn không ngừng bôn tẩu ngoài đại dương, di chuyển vô cùng khó khăn do tàu do thám của Mỹ - ngụy theo dõi sát sao.

Sự kiện Vũng Rô xảy ra vào tháng 2/1965 đã để lại cho Mười Tiến một kỉ niệm không thể nào quên. Bởi lẽ, ông là nhân chứng sống trên con tàu 143 chở 56 tấn vũ khí vào Lộ Liêu (Bình Định). Trên đường đi, thấy tình hình không ổn định nên Sở chỉ huy điện lệnh cho tàu dừng lại trên nước bạn chờ lệnh. Mười ngày sau tình hình bến được yên ổn, Sở chỉ huy lệnh cho tàu xuất phát nhưng không vào bến Lộ Liêu như dự tính mà vào Vũng Rô. Địch đánh hơi được đã tăng cường hải quân, hải thuyền bố phòng nghiêm ngặt. Máy bay trinh sát bám theo liên tục, thuyền ta phải treo cờ ba que, đem lưới ra ngụy trang đánh cá.

Tàu vào đến Vũng Rô lúc 23h, khẩn trương bốc hết vũ khí lên bờ xong hết thì đồng hồ đã điểm 4h sáng của ngày hôm sau. Tàu định nhổ neo nhưng trời gần sáng sẽ không kịp nên chuyển địa điểm tàu cặp sát vách núi để dễ bề chặt cây ngụy trang. Trời đã sáng rộ mặt, các chiến sĩ lên bờ tìm nước ngọt tắm chỉ có 4 anh em ở lại trông coi tàu trong đó có Mười Tiến. Trực thăng bay vò sát trên bầu trời, chúng phát hiện ra một khối tàu đang ngụy trang dưới vách núi liền cho trực thăng tới bắn pháo. Sau đó, hai chiến đấu cơ đến oanh kích bằng bơm xăng, tàu bốc cháy một phần nên đã lộ nguyên hình. Các thủy thủ ở trên tàu nhanh chóng bơi vào bờ thì nghe một tiếng nổ bung đầu sát bên tai. Mười Tiến bị trúng bom, máu từ đầu chảy thành dòng xuống mặt vuốt không kịp.

Suốt ngày hôm đó, địch huy động lực lượng đến bao vây nhằm tiêu diệt hoặc bắt sống thủy thủ. Trực thăng đổ bộ, tàu chiến nã pháo, máy bay giội bom. Tình thế nguy cấp, các thủy thủ trên tàu hội ý và quyết định cho nổ bộc phá hủy tàu và nhờ lực lượng du kích ở Phú Yên trợ giúp. 18 thủy thủ tàu 143 cùng với lực lượng tiếp viện tại chỗ đã quần nhau với địch suốt nửa tháng trời trên núi, quyết tử phải mở đường máu thoát khỏi vòng vây.

Trận đánh Vũng Rô đã đi vào lịch sử, được dựng thành phim, chép thành sách và mãi mãi lưu truyền cho hậu thế mai sau. Những người của ngày xưa ấy nay không còn nhiều nữa. Huỳnh Văn Tiến là một trong ba nhân chứng còn lại của Vũng Rô ngày ấy. Sức khỏe và sự minh mẫn của “cảm tử quân” trên biển năm nào đã đẩy lùi tuổi đời gần một thế kỷ của con người.

Mỗi khi kể lại sự kiện Vũng Rô của hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, người thủy thủ 78 tuổi này vẫn nhớ như in từng chi tiết, từng hành động và cả hình ảnh con tàu bốc cháy ngùn ngụt trước con mắt kinh hãi của giặc ngoài biển khơi. Và chợt đôi mắt ấy ngậm ngùi, rớm lệ khi nhớ đến linh hồn những đồng đội vẫn đang lẩn khuất đâu đó giữa biển cả. Mỗi khi có dịp kỉ niệm về Vũng Rô, dù xa xôi cách trở, dù bận trăm công ngàn việc, Mười Tiến vẫn có mặt bởi hơn ai hết, ông là một phần của sự kiện ấy, lời kể của ông có giá trị hơn bất cứ một ghi chép nào.


CSTC
.