Trước đó, ngày 04/6/2012, Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2012/NĐ-CP quy định danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Tuy nhiên đến nay, Nghị định số 49/2012/NĐ-CP không còn phù hợp với Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 và Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14.
Khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính số 64/2010/QH12 quy định: “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định”.
Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 quy định: “1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây: a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 không còn quy định việc quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định mà theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 thay thế Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000. Trong đó, Điều 7, Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 quy định phạm vi bí mật nhà nước gồm 15 lĩnh vực và Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ban hành danh mục bí mật nhà nước.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước trong các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao). Do đó, việc Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước tại Nghị định số 49/2012/NĐ-CP là không còn phù hợp với thẩm quyền quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (giao Thủ tướng Chính phủ).
Với những lý do nêu trên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tuân thủ đúng quy định về hiệu lực của văn bản theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020), việc ban hành Nghị định của Chính phủ bãi bỏ Nghị định số 49/2012/NĐ-CP là cần thiết.