Khi vụ xe container lao vào đoàn xe gắn máy đang đứng đợi đèn đỏ ở Bến Lức (Long An) xảy ra, mỗi chúng ta đều dấy lên một cảm giác thương xót vô cùng cho những nạn nhân, và thấy sợ hãi.
Cứ mỗi lần có một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra, tất cả mọi người đều đau đớn xót xa, tất cả mọi ban ngành đều nói về giải pháp, tất cả nguồn năng lượng của xã hội đều tập trung vào phân tích mổ xẻ… Nhưng rồi hệt như ngày với tháng trôi qua, những xót xa giải pháp mổ xẻ lẳng lặng biến mất hoặc bị nhấn chìm vào dòng thông tin chủ lưu khác xuất hiện sau đó. Mất bò mới lo làm chuồng, mà cũng có lúc, bò mất cứ mất, chuồng không làm cứ không làm. Cuối cùng, chỉ còn lại nước mắt. |
Chúng ta sợ không dám nhìn vào hình ảnh ấy. Chúng ta sợ cả việc đặt chân ra đường bởi ám ảnh tai nạn như bủa vây ở khắp nơi và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Và tiếp theo đó là bắt đầu các ý kiến đóng góp, phê phán được đưa ra, những ý kiến mà thú thực là đều đã cũ rích. Chẳng qua là chúng ta đã vội vã quên đi các tai nạn thương tâm tương tự trước đó.
Nỗi sợ hãi ập đến rất nhanh, và cũng đi rất nhanh. Chúng ta như thể dần quen với một đời sống như thế từ lâu rồi, quen đến mức nhiều khi thành lãnh đạm.
Cấm xe gắn máy, phân luồng lại để xe gắn máy không lưu thông chung luồng với xe hơi, xe tải, ý thức chấp hành luật giao thông của người Việt, chuyện râm ran đồn thổi rằng cánh tài xế xe container phần lớn đều dùng chất kích thích để có thể chạy thâu đêm suốt sáng cho kịp hàng… Tất cả những điều đó đều được bàn tới, được nhắc lại ở mỗi lần một vụ tai nạn thảm khốc nào đó xảy ra.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Nhưng rồi sau đó là gì? Không có hướng giải quyết nào cả. Không một giải pháp nào được đưa vào áp dụng trong đời sống cả. Cuộc sống con người lại tiếp tục như thế, mong manh.
Thực tế, nếu trách một mình ngành giao thông vận tải thì cũng không hoàn toàn đúng. Tôi đã từng chứng kiến một cuộc điện thoại của một tài xế xe con, và sau đó nghe chính tài xế ấy kể chuyện. Cuộc điện thoại ấy anh ta được mời chạy xe chở hải sản, tuyến Cà Mau - TP. HCM. Và anh từ chối.
“Bán mạng anh ơi. Cà Mau - Sài Gòn mà chủ xe đòi chạy tối đa 3 tiếng rưỡi thì bán mạng. Em chả dại gì làm dù chạy xe hải sản kiếm được hơn”, anh tài xế đó đã tâm sự như vậy.
Và anh kể, xưa anh cũng chạy xe đông lạnh tuyến Cà Mau - TP HCM một lần rồi. Chủ hàng ép tiến độ vì sợ hải sản bị ngộp. Và không chỉ chạy mỗi chuyến lên TP HCM mà còn phải bao cả chuyến ngược về Cà Mau, để chở hải sản ngộp được thu gom tại chợ đưa về nhà máy dưới đó chế biến hàng đông lạnh.
Câu chuyện của anh tài xế ngày nào khiến tôi nghĩ ngay đến chuyện xe container hôm nay. Ngành giao thông có thể một mình họ khắc phục được những hung thần bay trên xa lộ ấy không?
Họ cần cả sự hỗ trợ của cả những ngành khác. Nhưng cái cần hơn cả không chỉ là sự hỗ trợ, mà cần giải pháp mang tính khoa học mà phải gắn liền với thực tiễn. Và giải pháp ấy phải đồng bộ giữa tất cả các ngành, các bộ liên quan.
Chúng ta mỗi ngày lại đối diện với rất nhiều câu chuyện, vấn đề xã hội mà chỉ cần đọc thôi, nghe thôi, chúng ta sẽ bức xúc ngay lập tức. Rồi chúng ta cũng dễ dàng “kết án” một cơ quan chủ quản nào đó đã để xảy ra tình trạng bức xúc như thế.
Nhưng cuối cùng, như nói ở trên, thời gian và mưu sinh khiến chúng ta quên ngay, hoặc lại xao lãng vì vấn đề của ngành khác, bộ khác. Chỉ đến khi nó lặp lại, chúng ta mới tiếp tục cơn bức xúc của mình với một chuyện “nói mãi rồi mà không thay đổi”.
Như chuyện giáo dục, chuyện y tế… chẳng hạn. Năm nào chúng ta cũng lại gặp lại tất cả những câu chuyện tương tự, đồng dạng nhau. Và hai tiếng cải cách, nâng cấp chúng ta được nghe rất nhiều lần. Thực sự, những hành động để thay đổi là có nhưng tại sao lại không mang lại hiệu quả.
Dễ hiểu, chúng ta không có những giải pháp thực sự khoa học, vừa bao quát tổng thể, vừa chi tiết và có độ linh hoạt để có thể ứng dụng suôn sẻ và thuận lợi trong đời sống.
Và điều đáng ngạc nhiên là ở tất cả các bộ, ngành, chúng ta đều có những bộ phận đang làm nghiên cứu và phát triển. Vậy thì họ đang nghiên cứu điều gì?
Hay điều họ quan tâm hơn cả chỉ là sự thăng tiến cá nhân, hoặc những than phiền vì tình trạng thiếu điều kiện và ngân sách để nghiên cứu. Đấy là còn chưa nói đến chuyện tham nhũng vặt, thứ mà chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa đưa ra như một vấn nạn phải giải quyết triệt để.
Thực tế, tình trạng nghiên cứu chính sách, giải pháp bấy lâu nay đang vướng mắc ở chỗ tầm nhìn của người đưa ra giải pháp, hoạch định sách lược. Đa số là đối phó với bề nổi của vấn đề nảy sinh mà không nhìn vào tổng thể cũng như chi tiết để giải quyết rốt ráo.
Bởi thế, mọi hành động đều chỉ mang tính xử trí tạm thời chứ không phải xử lý để phát triển. Và điều đó không chỉ không giải quyết dứt điểm được tồn đọng mà còn mang lại một sự lãng phí kinh khủng bởi cái cách bỏ kinh phí ra vá lỗi một cách đối phó.
Cả một năm vừa rồi, chúng ta nói với nhau rất nhiều về thành phố thông minh, về công nghiệp 4.0. Những điều to tát như thế không thể có thật nếu vẫn còn giữ nguyên cách làm như hiện nay, cách nghiên cứu cầm chừng, qua loa và chủ yếu để giải quyết khủng hoảng truyền thông là chính.
Cần phải nghĩ khác, với suy nghĩ mình có thể sẽ là nạn nhân kế tiếp, với suy nghĩ phải triệt tiêu nỗi sợ thường trực của chính mình thì may ra mới có thể mang lại những ý kiến, giải pháp có ích thực sự lâu dài cho xã hội được. Mà khốn nỗi, nhiều khi một thông tin ồn ào qua đi, nỗi sợ quên đi, chúng ta lại quay về một nỗi sợ khác: sợ không thể có một địa vị tốt trong bộ máy vốn dĩ đã và đang quá cồng kềnh.