Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắc để tắt thiết bị giám sát hành trình khi phương tiện chạy quá tốc độ. Tổng cục đề nghị các Sở Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường theo dõi, kiểm tra trên hệ thống thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định.
Vi phạm tốc độ và thời gian lái xe tăng
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa thông báo kết quả tổng hợp, phân tích tình hình vi phạm từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên hệ thống của Tổng cục ĐBVN tháng 7/2014.
Theo đó, số phương tiện đã truyền dữ liệu từ thiết bị GSHT về máy chủ tại Tổng cục ĐBVN tính đến hết ngày 31/7/2014 là 69.200 phương tiện.
Qua phân tích tốc độ chạy xe, Tổng cục ĐBVN cho hay, tổng số lần vi phạm quá tốc độ từ 5 km/h trở lên trên toàn quốc là hơn 2,252 triệu lần tăng gần 375 nghìn lần so với tháng 6/2014.
Về thời gian lái xe, qua phân tích cho thấy, tổng số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ là 46,492 lần, tăng hơn 9000 lần so với tháng 6/2014.
Vi phạm thời gian làm việc của lái xe liên tục quá 10 giờ trong ngày là 12,133 lần tăng 1,513 lần so với tháng 6/2014.
Tổng số phương tiện vi phạm quá tốc độ và thời gian lái xe trong tháng 6/2014 là 34.591 phương tiện, chiếm tỷ lệ 49,9 % (tháng 6 là 48,97%).
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo Tổng cục ĐBVN, các chỉ tiêu đánh giá của tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng 6, cụ thể: tỷ lệ vi phạm quá tốc độ ở mức cao (trên 20 km/h) giảm từ 4,93% xuống 4,13%; tỷ lệ km xe vi phạm/tổng km xe chạy giảm từ 2,48% xuống 2,00%; số lần vi phạm/1000 km xe chạy giảm từ 7,13 lần/1000 km xe chạy xuống còn 6,23 lần/1000 km xe chạy.
Trong đó, một số địa phương thực hiện tốt công tác chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm về tốc độ, có tác động tích cực đến các đơn vị vận tải và đội ngũ lái xe, số lần vi phạm và tỷ lệ vi phạm của các địa phương này trong tháng 7 giảm khá nhiều so với tháng 6 như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Bình Thuận, Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Nam Định.
Tổng cục cũng cho biết, một số Sở GTVT trong tháng 7/2014 có mức tăng cao về số lần vi phạm tốc độ và tỷ lệ vi phạm/1000 km so với tháng 6/2014 nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời như: Lâm Đồng, Hà Nội, Nghệ An, Cà Mau, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên.
Xử lý nghiêm các đơn vị không truyền dữ liệu
Theo Tổng cục ĐBVN, tính đến nay, trên hệ thống của Tổng cục đã nhận được dữ liệu của 69.200 phương tiện. Tuy nhiên, theo Tổng cục, tỷ lệ số lượng phương tiện truyền dữ liệu so với số lượng phương tiện do các Sở GTVT nhập liệu báo cáo trên hệ thống là khá thấp, tỷ lệ chỉ đạt khoảng 60%. Tổng cục ĐBVN đề nghị các Sở GTVT khẩn trương rà soát, kiểm tra và cập nhật dữ liệu về doanh nghiệp và phương tiện do địa phương mình quản lý lên hệ thống; tiếp tục có văn bản đôn đốc các đơn vị vận tải có phương tiện chưa truyền dữ liệu phải liên hệ với các đơn vị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để yêu cầu truyền dữ liệu về Tổng cục ĐBVN. Đồng thời xử lý vi phạm về không truyền dữ liệu đối với các trường hợp đã đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn không thực hiện.
Đối với các nhà cung cấp thiết bị GSHT cố tình không truyền dữ liệu hoặc không đủ năng lực để truyền dữ liệu, đề nghị các Sở GTVT, các đơn vị vận tải có văn bản gửi Tổng cục ĐBVN để báo cáo Bộ GTVT có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổng cục ĐBVN cũng cho biết, hiện nay, tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng lái xe lắp thêm công tắc để tắt thiết bị khi phương tiện chạy quá tốc độ. Vì vậy, Tổng cục đề nghị các Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường theo dõi, kiểm tra trên hệ thống thông tin để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định. Tổ chức thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh việc quản lý lái xe tại các đơn vị vận tải có nhiều vi phạm.
Cũng theo Tổng cục này, từ ngày 15/8/2014, sẽ thực hiện áp dụng thí điểm bản đồ số về tốc độ xe chạy theo biển báo thực tế trên toàn tuyến Quốc lộ 5. Vì vậy, đề nghị các Sở GTVT thường xuyên theo dõi, nhắc nhở đối với các đơn vị vi phạm quá tốc độ quy định.
.