Thứ Ba, 17/11/2020, 07:58 [GMT+7]

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa bàn biên giới

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, các cấp, ngành đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đặc biệt chú trọng các địa bàn có chung đường biên giới với Lào. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
CBCS bộ đội biên phòng nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản pháp luật để chủ động tuyên truyền cho người dân
CBCS bộ đội biên phòng nghiên cứu, tìm hiểu các văn bản pháp luật để chủ động tuyên truyền cho người dân
Nghệ An là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 468,281 km (chiếm gần 1/4 tổng chiều dài biên giới Việt Nam - Lào); có 6 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bô Ly Khăm Xay của nước bạn Lào. Những năm qua, công tác PBGDPL cho người dân tại các địa bàn có chung đường biên giới với Lào đã được các cấp, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả ghi nhận. Theo đó, hoạt động PBGDPL được triển khai dưới nhiều hình thức như: Tổ chức Hội nghị PBGDPL trực tiếp; tư vấn pháp luật, lồng ghép PBGDPL thông qua các lễ hội văn hóa, các buổi họp thôn, bản; khai thác tủ sách pháp luật tại các đồn biên phòng, trong nhà trường, trợ giúp pháp lý lưu động, đối thoại trực tiếp với nhân dân; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo đối tượng tham gia…
 
Thực hiện Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, ngành Tư pháp đã biên soạn và phát hành miễn phí Tập san Pháp luật và đời sống nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh với hình thức phong phú, đa dạng cùng nhiều hoạt động hưởng ứng thực chất, phù hợp với đặc thù của các đơn vị. Đặc biệt, thông qua hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý đã thực hiện tư vấn cho hàng trăm đối tượng ở các địa bàn biên giới. Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức nhiều đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở để giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân. Cùng với Sở Tư pháp, Bộ đội Biên phòng tỉnh là một trong những đơn vị thực hiện hiệu quả Đề án. Trong đó, chú trọng đổi mới, sáng tạo các hình thức tuyên truyền như qua hệ thống loa truyền thanh cố định, lưu động; qua các buổi họp thôn, bản; cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn khẩu hiệu; tổ chức chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền; tổ chức “Ngày Pháp luật” tại cơ quan, đơn vị, địa phương; nói chuyện pháp luật, trợ giúp pháp lý. 
 
Tại Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân tại địa bàn có chung đường biên giới với Lào do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua, các đại biểu tham dự đã có ý kiến tập trung làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, báo cáo viên, tuyên truyền viên trong PBGDPL; tăng cường lồng ghép công tác PBGDPL trong các lễ hội, các hoạt động giao lưu; đẩy mạnh việc PBGDPL trong các nhà trường; hoạt động PBGDPL cần được đổi mới với việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền…
 
Đặc biệt, bàn về vấn đề này, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ PGGDPL nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần khai thác triệt để thế mạnh của bộ đội biên phòng với nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong PBGDPL tại khu vực biên giới. Đẩy mạnh lồng ghép công tác PBGDPL với các hoạt động giao lưu văn hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó chia sẻ thông tin, cách làm hay về công tác PBGDPL. Củng cố lại đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng các bộ tài liệu phù hợp với ngôn ngữ, văn phong và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới Việt - Lào…
 
Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn được chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thời gian qua chính là minh chứng cho sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa bàn biên giới. Thông qua đó, góp phần đảm bảo cuộc sống của người dân trên tất cả lĩnh vực, đồng thời giúp họ nhận thức tốt trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.
.

Ngọc Anh

.