Thứ Sáu, 04/10/2019, 10:50 [GMT+7]
Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Phải xây dựng luật mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn

Xuất phát từ những bất cập, tồn tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vẫn diễn biến phức tạp. Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, Bộ Công an đã đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
 
Luật sẽ quy trách nhiệm của một bộ trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ; công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông; đảm bảo các quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân… phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
 
Số người chết do tai nạn giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn
 
Theo Bộ Công an, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) chưa vững chắc, số người chết và bị thương do TNGT vẫn rất cao. Đặc biệt, còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gia tăng TNGT, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. 
 
Trong 10 năm tính từ năm 2009 đến tháng 5-2019, trên toàn quốc đã xảy ra 326.299 vụ TNGT đường bộ, làm chết 97.721 người  và bị thương 329.756 người. Trung bình mỗi năm, TNGT đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã xảy ra 18.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.079 người và bị thương 14.732 người. 
 
Đặc biệt, theo số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 19 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng khiến 73 người chết và 87 người bị thương gây bức xúc trong dư luận. Nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu là do lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy gây nên.
Lực lượng Cảnh sát giao thông luôn căng sức kiểm soát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông luôn căng sức kiểm soát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn diễn ra phổ biến. Người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí là chống người thi hành công vụ. 
 
Tình trạng vi phạm như người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, tránh vượt không đúng quy định, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, lái xe sau khi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện, đi xe môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép để làm nơi buôn bán hoặc trông giữ xe; tình trạng làm đường đến đâu, xây nhà đến đó, xây nhà  ven quốc lộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. 
 
Từ năm 2009 đến tháng 5-2019, lực lượng CSGT và các đơn vị Công an đã lập biên bản xử lý 53.561.721 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 24.000 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 3.444.919 trường hợp, tạm giữ 15.286.388 phương tiện. 
 
Thông qua công tác tuần  tra kiểm soát, phát hiện và giao cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 5.228 đối tượng vi phạm pháp luật hình sự trong đó có vi phạm về ma túy là 729 trường hợp, cướp là 113 trường hợp, truy nã là 26 trường hợp, chống người thi hành công vụ lag 556 trường hợp... thu nhiều tang vật gồm 14,6kg, 367 bánh heroin, 473.189 viên ma túy tổng hợp, 3.290 kg thuốc nổ, 7.250kg pháo, 127 súng quân dụng, 1.128 vũ khí thô sơ, 280 xe ôtô, 700 xe môtô.
 
Quy về một bộ, nâng cao hiệu quả công tác, hiệu lực quản lý
 
Tại báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã cho biết, mục tiêu xây dựng Luật là thống nhất hoạt động quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ; công khai, minh bạch trong xử lý vi phạm giao thông; đảm bảo các quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. 
 
Đồng thời, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, khi công tác quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định tập trung vào một bộ, ngành sẽ chuyên nghiệp, hiệu quả.
 
Để thực hiện mục tiêu này, khắc phục những bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an đã đưa ra các chính sách và đánh giá tác động các chính sách. 
 
Về hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể hệ thống báo hiệu đường bộ, tốc độ và khoảng cách giữa các xe khi tham gia giao thông đường bộ để phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông nói riêng. 
 
Đối với quy định về đi đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ tập trung quy định các quy tắc an toàn giao thông như các quy tắc tránh, vượt, chuyển hướng, lùi, dừng đỗ phương tiện... một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để người tham gia giao thông dễ nhớ, dễ hiểu và thực hiện, hạn chế thấp nhất việc phải ban hành các văn bản dưới Luật để tổ chức thực hiện.
 
Về quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 do chưa có chính sách, biện pháp cụ thể để kiểm soát phương tiện và người điều khiển phương tiện một cách hiệu quả, gây ra sự mất kiểm soát trong việc phát triển các loại phương tiện giao thông và chất lượng, trình độ, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện thì Luật sẽ quy định rõ khái niệm về xe cơ giới, xe thô sơ, xe tự chế, xe công nông, xe máy kéo, xe máy điện, xe đạp điện... quy rõ về điều kiện của người điều khiển phương tiện. 
 
Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện trên thực tế, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế; làm cơ sở để công khai, minh bạch, hiện đại hóa công tác quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ... 
 
Về tổ chức, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ, Luật sẽ điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể về phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; thực hiện các biện pháp chỉ huy, điều khiển giao thông, các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ. 
 
Liên quan đến công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, Luật sẽ quy định rõ ràng về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng thực thi công vụ từ đó tạo hành lang pháp lý cho lực lượng thực thi công vụ thực hiện nhiệm vụ. 
 
Về giám sát việc thi hành pháp luật và trách nhiệm pháp lý, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính đường bộ; quy định giám sát việc thi hành pháp luật qua trung tâm thông tin chỉ huy giao thông đường bộ; trách nhiệm pháp lý của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện, của cơ quan, tổ chức có liên quan và của người, cơ quan thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn gia thông đường bộ sẽ được Luật quy định cụ thể.
 
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, trong khi ở hầu hết các nước trên thế giới lực lượng Cảnh sát đều đảm nhiệm việc đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, kiểm tra kỹ thuật an toàn giao thông của phương tiện giao thông, tổ chức giao thông, cưỡng chế thi hành Luật Giao thông, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, tuyên truyền, hướng dẫn Luật Giao thông thì ở nước ta, theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, việc phân công nhiệm vụ chồng chéo như trên nên trách nhiệm về trật tự, an toàn giao thông được cho là trách nhiệm chung, không có ngành nào chịu trách nhiệm chính; xuất hiện tình trạng chồng lấn trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, cục bộ ngành. 
 
Do vậy, luật sẽ quy định trách nhiệm cụ thể cho Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đảm bảo chuyên sâu, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, lợi ích cục bộ, đùn đẩy trách nhiệm.
 
Như vậy, việc xây dựng và ban hành một đạo luật mới về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một việc làm cần thiết và cần sớm triển khai trong thời gian tới đây nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
.

Nguồn: Nguyễn Hương/CAND

.