Một trong những nguyên nhân người nghiện quay lại con đường cũ được lý giải là do sốc tâm lý.
Học viên cai nghiện tại cơ sở Tiêu Vĩnh Ngọc |
Bạn thân vì sốc ma túy chết trên tay mình, bởi vậy chưa bao giờ Huy nghĩ sẽ lại bập vào con đường này. Huy (29 tuổi ngụ quận 8, TPHCM) là trẻ cô nhi, tuổi 13 trốn khỏi cô nhi viện, Huy lang thang lay lắt kiếm sống bằng nghề đánh giày rồi được một người phụ nữ tốt bụng chăm sóc như con đẻ. Nhưng ngặt nỗi, lớn lên không có giấy tờ nên bao nhiêu lần đi xin việc, dù chỉ là đẩy hàng, rửa bát thuê… cũng chẳng ai dám nhận. Đói thì đầu gối cũng phải bò, không ai nhận vào làm, Huy đánh liều bán lẻ ma túy. Mà muốn mua hàng “xịn” thì phải biết… chơi, vậy là dính.
Hiện Huy đang cai nghiện tại một cơ sở ở Đồng Nai. Huy đã đi “hai khóa”, nhưng khi được hỏi thời điểm cai xong lần đầu rồi làm gì, Huy cười buồn: “Cai xong ra trại không có việc làm, quay lại con đường cũ rồi chẳng mấy chốc lại đi cai. Mọi người ở đây rất tốt, em cũng hiểu, cai xong phải làm lại cuộc đời. Không để ma túy lậm vào người… phải quá tam ba bận”.
Cần tình thương từ cộng đồng
Anh Tiêu Vĩnh Ngọc, phụ trách việc cai nghiện ở xã Sông Thao, tỉnh Đồng Nai kể, có người đi cai nghiện lần hai, thậm chí lần ba, lần bốn nhưng không bỏ được vì buồn. Họ buồn chuyện cha mẹ, buồn vợ con, buồn vì đi cai nghiện về không có công ăn việc làm… Khi được hỏi, những “người cũ” này cho biết, họ cảm thấy cô đơn lạc lõng khi bị kỳ thị ngay trong chính ngôi nhà của mình, bị đối xử không công bằng, bị xem thường so với các thành viên khác trong gia đình. Đi xin việc thì không được nhận. Và họ buồn quá nên chơi trở lại. Rảnh rang, ở không ắt sẽ “nhàn cư vi bất thiện”. Rồi bạn bè rủ rê, lôi kéo và tái nghiện trở lại.
“Người nghiện thường khi gặp lại bạn nghiện thì cảm xúc thèm muốn trở lại, dù chỉ là mùi mồ hôi. Vì thế, có người nghiện khi vừa ra khỏi trung tâm cai mà gặp bạn đã nhảy xuống nghiện lại. Thứ hai là căng thẳng tâm lý của người nghiện xuất hiện qua các cảm xúc tiêu cực, thất vọng, buồn chán, mặc cảm… với môi trường xung quanh. Cuối cùng là căng thẳng tâm lý dẫn đến hành vi sử dụng ma túy. Muốn xóa bỏ hoàn toàn sự lệ thuộc tâm lý thì phải qua quá trình giải tỏa căng thẳng của bản thân. Đây là giai đoạn cần qua điều trị trợ giúp về tâm lý, tư vấn và giúp người nghiện hình thành những kỹ năng sống mới”, Tiêu Vĩnh Ngọc cho biết thêm.
Còn một cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD), cho biết: “Ngày trước tôi luôn đặt câu hỏi vì sao người nghiện vẫn tái nghiện. Câu trả lời là người nghiện chịu hai sự lệ thuộc rất rõ ràng, sự lệ thuộc về thể chất và sự lệ thuộc về tâm lý. Quá trình nghiện đã được tự động ghi nhớ vào trong não bộ. Vì vậy việc tái nghiện xuất phát từ quá trình căng thẳng tâm lý và họ hồi tưởng lại những đối tượng liên quan đến việc sử dụng ma túy, bơm kim tiêm, bạn nghiện… và tái nghiện trở lại.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết: TPHCM hiện nay là có 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc và 13 cơ sở tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện. Các cơ sở cai nghiện ma túy được chuyên môn hóa thực hiện các giai đoạn của quy trình cắt cơn, phục hồi sức khỏe đến giáo dục, xây dựng môi trường văn hóa, hướng dẫn kỹ năng và giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Thành phố đang thực hiện cai nghiện ma túy cho gần 10.000 người, trong đó có 1.371 người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; 676 người cai nghiện ma túy tự nguyện và 8.884 người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện.
.