Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Trong đó, đề xuất quy định xử phạt hành vi phá rừng trái pháp luật.
Cụ thể, người có hành vi chặt phá cây rừng; đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên; xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi khai thác rừng trái pháp luật được đề xuất mức phạt riêng) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhưng không thực hiện đúng quy định cho phép bị xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng dưới 500 m2; rừng sản xuất dưới 400 m2; rừng phòng hộ dưới 300 m2; rừng đặc dụng dưới 200 m2; gây thiệt hại về lâm sản là thực vật rừng thông thường trị giá dưới 5000.000 đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá dưới 4 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trị giá dưới 3 triệu đồng (trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích).
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng từ 500 m2 đến dưới 1.500 m2; rừng sản xuất từ 400 m2 đến dưới 800 m2; rừng phòng hộ từ 300 m2 đến dưới 500 m2; rừng đặc dụng từ 200 m2 đến dưới 300 m2; gây thiệt hại về lâm sản là loài thực vật rừng thông thường trị giá từ 5 đến dưới 10 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trị giá từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng (trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích).
Phạt tiền từ 10 – 25 triệu đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng từ 3.000 m2 đến dưới 5.000 m2; rừng sản xuất từ 800 m2 đến dưới 1.000 m2; rừng phòng hộ từ 500 m2 đến dưới 800 m2; rừng đặc dụng từ 300 m2 đến dưới 400 m2; gây thiệt hại về lâm sản là loài thực vật rừng thông thường trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 7 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng (trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích).
Phạt tiền từ 25 – 50 triệu đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng từ 5.000 m2 đến dưới 10.000 m2; rừng sản xuất từ 1.000 m2 đến dưới 2.000 m2; rừng phòng hộ từ 800 m2 đến dưới 1.000 m2; rừng đặc dụng từ trên 400 m2 đến dưới 500 m2; gây thiệt hại về lâm sản là loài thực vật rừng thông thường trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trị giá từ 7 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng (trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích).
Phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng từ 10.000 m2 đến dưới 20.000 m2; rừng sản xuất từ 2.000 m2 đến dưới 3.000 m2; rừng phòng hộ từ 1.000 m2 đến dưới 2.000 m2; rừng đặc dụng từ 500 m2 đến dưới 800 m2; gây thiệt hại về lâm sản là loài thực vật rừng thông thường trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng (trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích).
Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi phá rừng trái pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau: Cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh thuộc rừng chưa có trữ lượng từ 20.000 m2 đến dưới 30.000 m2; rừng sản xuất từ 3.000 m2 đến dưới 5.000 m2; rừng phòng hộ từ 2.000 m2 đến dưới 3.000 m2; rừng đặc dụng từ 800 m2 đến dưới 1.000 m2; gây thiệt hại về lâm sản là loài thực vật rừng thông thường trị giá từ 40 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; thực vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trị giá dưới 30 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng; thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA trị giá từ 15 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng (trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích).
Dự thảo cũng nêu rõ, người có hành vi bóc vỏ hoặc hủy hoại rễ cây rừng hoặc có hành vi khác ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển cây rừng thì mỗi cây rừng có đường kính tại vị trí 1,3m dưới 8 cm bị xâm hại phạt 100.000 đồng; mỗi cây rừng đường kính tại vị trí 1,3 m từ 8 cm trở lên bị xâm hại phạt 500.000 đồng.
Mức xử phạt đề xuất trên là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm.
.