(Congannghean.vn)-Mặc dù trại chăn nuôi lợn đã có hệ thống xử lý nước thải, thế nhưng, người dân sinh sống xung quanh khu vực này vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc. Ngoài ra, hồ nước ngọt phía dưới trại lợn này đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm, khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Theo phản ánh của người dân xóm Tiền Phong, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, thời gian gần đây, mùi hôi thối nồng nặc từ trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty TNHH Đại Thành Lộc đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong vùng. Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị lên các cấp nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.
Bà Trần Thị Thới trú tại xóm Tiền Phong, xã Nam Hưng cho biết: “Từ khi trại chăn nuôi lợn đi vào hoạt động, cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Mỗi ngày, trại lợn xả thải từ 2 - 3 lần, không theo quy luật nào cả. Có hôm, đã 21 giờ, họ vẫn xả thải, mùi hôi thối bốc lên không tài nào ngủ được”. Còn bà Nguyễn Thị Mùi cũng trú tại xóm Tiền Phong phản ánh: “Mỗi khi trại lợn xả thải thì mùi hôi thối bao trùm cả khu vực xung quanh.
Đáng lo ngại nhất là việc nước thải ngấm xuống mạch nước ngầm, trong khi người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt, nên mọi người ai cũng sợ bị mắc bệnh. Về việc xây dựng trại chăn nuôi, chúng tôi không phản đối, nhưng phải có biện pháp xử lý nguồn nước thải để đảm bảo môi trường sống và nguồn nước, tránh làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân”.
Nước thải sau khi xử lý chảy ra hồ Tràng Đen vẫn có màu xanh đen |
Ngày 13/5/2015, phóng viên có mặt tại trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Đại Thành Lộc ở xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trại lợn này có quy mô rất lớn, với tổng diện tích trên 26 ha; hiện đang nuôi trên 2.000 con lợn nái, mỗi tháng xuất ra thị trường trên dưới 5.000 con lợn giống. Lợn ở đây được chăn nuôi theo quy trình khép kín, khi lợn thải phân sẽ được nhân viên thu gom cho vào bao tải có lót ni lông rồi tập kết ra ngoài, chỉ còn chất thải ra môi trường cần phải được xử lý là nước tiểu của lợn.
Toàn bộ nước tiểu được thải ra hệ thống mương, dẫn về tập trung ở hố ga có thể tích 9.000 m3, sau đó xử lý qua nhiều bể lắng, lọc mới thải ra môi trường. Ông Nguyễn Hữu Đảm, Giám đốc Công ty Đại Thành Lộc khẳng định: “Chúng tôi không hề xả thải ra môi trường như người dân phản ánh, mà nước thải được xử lý qua hệ thống 7 hồ lắng, lọc rồi mới thải ra môi trường”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện toàn bộ nước thải từ trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc sau khi xử lý được thải ra hồ Tràng Đen (đã được sự cho phép bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An - P.V). Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Đảm cũng thừa nhận: “Hiện tại, chúng tôi đang vận hành hệ thống xử lý nước thải và đã được các cơ quan chức năng đánh giá các chỉ tiêu cơ bản đều đạt loại A, chỉ còn lại 2 chỉ tiêu chưa đạt chất lượng theo quy định của pháp luật”.
Tại bể chứa nước thải đã được xử lý trước khi thải ra hồ Tràng Đen, nước có màu xanh đen. Dường như, đây chính là nguyên nhân khiến nước trong hồ Tràng Đen - một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh bị đổi màu. Người dân sinh sống gần hồ này phản ánh: Trước đây, nước hồ trong vắt, người dân thường đến tắm giặt, lấy nước sinh hoạt. Nhưng từ khi trại lợn đi vào hoạt động, nước hồ đổi màu xanh đen nên không ai ra đây tắm giặt nữa. Đặc biệt, điều làm người dân lo lắng nhất là về lâu dài, nếu trại lợn vẫn tiếp tục xả thải vào hồ Tràng Đen thì chắc chắn mạch nước ngầm sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Về phía đơn vị chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Hữu Đảm cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi không có ý định phát triển đàn lợn thêm nữa, mà chỉ duy trì chăn nuôi số lợn hiện có và tập trung vào việc xử lý chất thải ra môi trường. Hiện tại, Công ty đang tiến hành xây dựng mới một hệ thống xử lý nước thải hiện đại nhất với công suất từ 150 - 200 m3/ngày đêm. Với hệ thống này, nước thải sau khi xử lý sẽ được sử dụng trở lại để phục vụ cho hoạt động chăn nuôi của trại, chứ không thải ra môi trường như trước.
.