(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ cháy tại các cơ sở dệt may. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào lúc 16h30 ngày 29/7/2011, tại Xưởng may gia công mũ giày vải Thuận Phát ở thôn Đại Hoàng II, xã Tân Dân, huyện An Lão (TP Hải Phòng) làm 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương. Tổng thiệt hại tài sản của xưởng may là hơn 302 triệu đồng. Hay như vụ cháy tại Công ty TNHH Hữu Phước, phố Chùa Cấm, phường Trưng Nhị, TX Phúc Yên ngày 13/11/2010 và vụ cháy nhà xưởng may màn Công ty TNHH Tâm Anh (huyện Bình Xuyên) ngày 27/8/2011, làm thiệt hại hàng tỉ đồng. Do đó, công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở dệt may tại tỉnh Nghệ An được các ngành chức năng, đặc biệt là Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh hết sức quan tâm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 10 cơ sở dệt may thuộc diện quản lý về công tác PCCC, trong đó có 4 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 6 cơ sở có vốn đầu tư trong nước. Tại các cơ sở dệt may này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao do có số lượng công nhân làm việc đông, có những cơ sở trên 3.000 công nhân lao động, đa số chưa được tập huấn nghiệp vụ PCCC; số lượng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sắp xếp, bảo quản chưa phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy, nổ, hoặc sắp xếp không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, ngăn cháy lan; tại cơ sở dệt may luôn tồn động một lượng xơ, bụi lớn trên trần chống nóng và trên các đường ống thông gió, trên các khe rãnh có đường dây điện đi qua… Do đó, làm tăng nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra sẽ không lường trước được.
Để làm tốt công tác an toàn PCCC tại các cơ sở dệt may, trong những năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH Công an tỉnh đã làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản về PCCC đối với các cơ sở dệt may trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền các nội dung, quy định của Luật PCCC, các văn bản pháp luật liên quan công tác PCCC, đặc biệt là công tác PCCC trong ngành dệt may; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC tại các cơ sở dệt may, phối hợp với cơ sở định kỳ tổ chức thực tập các phương án chữa cháy theo quy định. Đã tổ chức kiểm tra công tác PCCC định kỳ, đột xuất tại các cơ sở theo quy định. Qua kiểm tra đã hướng dẫn cơ sở khắc phục các sơ hở, tồn tại, do đó cũng đã loại trừ được những nguy cơ có thể gây cháy, nổ tại các cơ sở dệt may. Ngoài ra, qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định PCCC, chuyển ngân sách Nhà nước thu phạt hàng chục triệu đồng.
Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh nhắc nhở chủ cơ sở dệt may làm tốt công tác PCCC |
Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ - PCCN năm 2014, để phòng, chống và hạn chế mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở dệt may, Phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH tiếp tục chú trọng quan tâm chỉ đạo các chủ cơ sở nghiêm túc thực hiện công tác PCCC theo quy định của pháp luật.
Một là, sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ… chỉ đủ cho từng ca sản xuất và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Hàng hóa sản xuất ra nên được chuyển đi ngay hoặc để nơi cách ly, cố gắng không lưu trữ tại nơi trực tiếp sản xuất. Hàng hóa trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn về PCCC. Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh công nghiệp.
Hai là, lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng; tách riêng biệt các hệ thống điện: Chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt. Lắp đặt hệ thống chống rò điện phù hợp với từng loại cơ sở, có giải pháp chống tĩnh điện đối với dây chuyền sản xuất.
Ba là, lắp đặt hệ thống thông gió, chống tụ khói, chống tác động của nhiệt trên lối thoát nạn, phòng tránh tạm thời, không để hàng hóa cản trở lối thoát nạn. Có sơ đồ chỉ dẫn lối thoát nạn chung cho các công trình, cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
Bốn là, Đội PCCC cơ sở phải thường xuyên củng cố, kiện toàn và tập luyện (mỗi bộ phận, phân xưởng có tổ hoặc người tham gia PCCC), mỗi ca làm việc bố trí lực lượng thường trực chữa cháy. Lực lượng chữa cháy cơ sở phải được huấn luyện cách xử lý cứu nạn - cứu hộ. Trang bị, bảo dưỡng, bố trí phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm của cơ sở. Năm là, các chủ cơ sở phải lãnh đạo trực tiếp việc xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất. Và khi xảy ra cháy, tìm cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114, đồng thời tìm cách để dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CN,CH còn hướng dẫn chủ cơ sở và người lao động về kỹ năng thoát nạn trong đám cháy, để đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người khi có sự cố.
Hiện nay, ngành dệt may đóng vai trò rất lớn trong việc đóng góp ngân sách của địa phương, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các chủ cơ sở dệt may cần chủ động nâng cao tinh thần phòng cháy hơn chữa cháy, tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC, xem đó là nhiệm vụ cấp bách vì sự bình yên, phát triển của xã hội.
.