Chi phí tưới tiết kiệm cho một ha cây trồng dao động từ 15-150 triệu đồng tùy loại cây. Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cũng đã đưa ra các đề xuất về hỗ trợ tài chính vi mô cho nông dân để có điều kiện tiếp cận với các mô hình này.
Mô hình tưới tiết kiệm được ứng dụng tại khu nông nghiệp công nghệ cao Vĩnh Phúc - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Tại hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu” diễn ra chiều 15/11 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam được coi là một trong 3 nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Từ cuối năm 2014-2016, do tác động của hiện tượng El Nino, 18 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL phải hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 2 triệu người dân, thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa. Ước tính thiệt hại về kinh tế là 15.000 tỷ đồng.
Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và địa phương, trong năm 2016, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ ứng phó với thiên tai. Tính đến đầu tháng 7, các đối tác và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 16 triệu USD giúp Việt Nam khắc phục hậu quả thời tiết cực đoan do El Nino.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2016-2020, nguồn kinh phí cần để khắc phục những hậu quả do El Nino gây ra là hơn 25.000 tỷ đồng. Trước mắt, trong năm nay sẽ cần 3.734 tỷ đồng để hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, cung cấp thiết bị lọc nước, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt và nâng cấp công trình phòng chống hạn, mặn cấp bách.
Phát biểu tại hội thảo, đi sâu phân tích, đề xuất các giải pháp giúp ngành nông nghiệp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu nói chung, hiện tượng hạn hán khốc liệt nói riêng, ông Ngô Xuân Kiều, Viện Khoa học thủy lợi cho biết, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm là cách làm hiệu quả, thể hiện ưu điểm rõ nét đối với từng loại cây trồng.
Ví dụ điển hình là đối với cây cà phê. Ông Kiều phân tích, hiện nay, tư duy tưới cà phê ở Việt Nam vẫn là phải tưới tận gốc, rất lãng phí nước. Tại vùng Tây Nguyên, nếu áp dụng tưới tiết kiệm có thể đủ nước cho gấp đôi diện tích cà phê hiện có mà không cần lo lắng ảnh hưởng tới mạch nước ngầm.
Nghiên cứu chứng minh rằng, áp dụng tưới tiết kiệm giúp tiết kiệm 45-50% nước, 50% phân, 90% nhân công chăm sóc, bón phân, đồng thời tăng 60% lợi nhuận sản xuất cà phê.
Ngoài cà phê, với nhiều loại cây nông nghiệp quan trọng khác như cao su, mía, hồ tiêu, rau… áp dụng tưới tiết kiệm cũng đem lại những lợi ích thiết thực.
Cụ thể, đối với cây mía, nếu không được tưới nước, mía chỉ cho năng suất trung bình 50-60 tấn/ha. Khi được áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm, năng suất mía có thể đạt 120 tấn/ha, thậm chí có nơi lên tới 160 tấn/ha, góp phần quan trọng gia tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng này.
Ở trường hợp của cây cao su, tưới tiết kiệm có thể giúp tiết kiệm tổng số tiền sản xuất khoảng 15-20 triệu đồng/ha, nâng năng suất mủ lên 50%; chè ô long được tưới tiết kiệm cũng nâng cao năng suất khoảng 25%...
Với chi phí đầu tư tưới tiết kiệm từ 15-150 triệu đồng/ha, theo ông Kiều, tiền đầu tư không phải là vấn đề mấu chốt. Điều quan trọng là phải hiểu đúng bản chất cũng như lợi ích của tưới tiết kiệm.
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn cho rằng tưới tiết kiệm là tưới kiểu nhỏ giọt, thật ít nước. Tuy nhiên, thực chất tưới tiết kiệm là “vi tưới”, nghĩa là tưới theo nhịp sinh học của cây trồng, xem cây cần bao nhiêu là đủ, tập trung tưới vào bộ rễ của cây. Công nghệ này vốn đã được Israel nghiên cứu từ lâu, đem lại cuộc cách mạng cho Israel.
Tưới tiết kiệm đúng cách không chỉ giúp tiết kiệm nước, phân bón, tăng năng suất cây trồng, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, rất phù hợp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn.