Đối với các nền kinh tế thuộc liên minh châu Âu (EU), để khắc phục khó khăn khi dịch bệnh đi qua cần nhiều giải pháp, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới, và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang là một trong những giải pháp được tính đến.
Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố cuối tuần trước, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 7,7% trong năm nay, một “tỷ lệ suy giảm kinh tế lịch sử."
Khảo sát mới nhất của tổ chức IHS Markit cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng 4/2020 đã giảm từ 44,5 của tháng trước xuống 33,4 - mức thấp nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện lần đầu tiên hồi giữa năm 1997.
Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương tới hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, dòng vốn và chuỗi cung ứng của khu vực này, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang bắt đầu phục hồi sau năm 2019 chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp thương mại và những lo ngại xung quanh tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, nhiều nước đã tung các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.
Lãnh đạo các nước EU đã đồng ý thành lập một quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch dự kiến trị giá hơn 1.000 tỷ euro (1.076 tỷ USD).
Chính phủ Đức cũng đã thông qua gói giải cứu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Thụy Sĩ đang cân nhắc gói kích thích 40 triệu USD cho ngành du lịch bên cạnh các gói cứu trợ trị giá hơn 42 tỷ USD nhằm chống đỡ nền kinh tế.
Những gói kích thích này sẽ phát huy tác dụng giúp nhu cầu dần tăng trở lại một khi tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh có kết quả tích cực thúc đẩy lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế.
Giới chuyên gia cho rằng COVID-19 cũng sẽ làm thay đổi đáng kể nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những điều chỉnh cơ bản phải tính tới đầu tiên sau đại dịch là thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị, để hạn chế sự lệ thuộc vào một thị trường.
Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa được đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để “bọc lót” lẫn nhau khi cần.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19 toàn cầu, cho dù nguyên nhân và bản chất khủng hoảng ra sao, giải pháp trước mắt là sàng lọc kiếm tìm cơ hội từ những phương pháp sẵn có.
Đối với các nền kinh tế EU, để khắc phục khó khăn khi dịch bệnh đi qua cần nhiều giải pháp, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới, và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang là một trong những giải pháp được tính đến.
Việt Nam - một thị trường đáng kể với gần 100 triệu dân - có thể được coi là cửa ngõ cho những ý tưởng tìm kiếm thị trường, nguồn cung ứng cũng như công xưởng của EU.
Trong khi đó, EVFTA, đã được Hội đồng châu Âu phê chuẩn ngày 30/3, cũng giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường EU với thuế suất ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh.
Theo cam kết của EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Là một trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm ngoái đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD, EVFTA sẽ tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông-thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Việc sớm phê chuẩn EVFTA cùng với các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau giai đoạn đình trệ vì dịch bệnh, tiếp cận thị trường và phục hồi sản xuất tốt hơn.
An ninh kinh tế của Việt Nam được đảm bảo hơn khi có thể đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định.
EU có thể coi là một trong những thị trường mục tiêu, vì vậ,y bên cạnh công đoạn chuẩn bị và ưu tiên hành lang pháp lý để EVFTA có thể được thực thi ngay khi có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính đến khả năng sản xuất và dự trữ hàng hóa để khi có điều kiện thuận lợi, nhất là dịch bệnh qua đi sẽ có sẵn hàng hóa để đáp ứng các đơn hàng từ EU.
Cách thức tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp EU cũng có thể có những điều chỉnh đáng kể, đòi hỏi các nhà xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý theo dõi nắm bắt thông tin để thích ứng phù hợp với tình hình mới.
.