(Congannghean.vn)-Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua. Qua đó, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự tôn dân tộc của mỗi người dân, kích thích sản xuất nội địa phát triển.
Để chinh phục người tiêu dùng, hàng Việt Nam phải từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa |
Hiện nay, xe ôtô đã trở thành phương tiện quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở các đô thị lớn, số lượng ôtô ngày một tăng. Thế nhưng, sở hữu một chiếc ôtô mang thương hiệu Việt Nam vẫn luôn là khát khao cháy bỏng của nhiều doanh nghiệp và nhiều người dân. Việc Tập đoàn Vingroup cho ra thương hiệu ôtô Vinfast đã khiến mọi người nức lòng. Điều đáng nói, không chỉ hướng tới thị trường nội địa, Vingroup đang thể hiện khát vọng vươn tầm quốc tế. Điều này không chỉ thể hiện uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam mà càng khẳng định, các sản phẩm Việt luôn có khả năng tiếp cận người tiêu dùng trên nhiều phương diện.
Có thể thấy, qua 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Từ xa lạ, hầu hết cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc vận động, có ý thức ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm hàng ngày. Từ đó, vận động người thân, gia đình và bạn bè ưu tiên sử dụng hàng Việt, đấu tranh phê phán các hành vi, tâm lý sính ngoại trong xã hội, ở ngay cộng đồng và cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, giúp người tiêu dùng, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng hàng Việt, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, dần hình thành nét đẹp văn hóa.
Qua điều tra sơ bộ hiện nay có trên 97% người tiêu dùng đã quan tâm và hưởng ứng cuộc vận động. Số lượng hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tăng lên rõ rệt, nhóm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã chiếm tới 90% tổng số hàng hóa bán ra tại các siêu thị; chiếm 70% tại các chợ và thị trường nông thôn.
Trước đó, xác định công tác thông tin, tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ then chốt để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong toàn xã hội, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực phối hợp tổ chức các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, nêu gương những mô hình, điển hình tiên tiến, cảnh báo người tiêu dùng thận trọng với biểu hiện lợi dụng cuộc vận động để sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm kém chất lượng; phê phán những doanh nghiệp, đơn vị không đảm bảo an toàn.
Bởi trên thực tế, với 19.708 doanh nghiệp, 833 chi nhánh, văn phòng đại diện và 701 HTX, 2 Liên minh HTX kinh doanh, sản xuất trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn với hàng chục nghìn lao động, nếu thực sự tích cực tham gia cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm... đã giúp cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam. Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm trong nước mà còn là giải pháp kích cầu, mở rộng thị trường.
Tuy nhiên, có một thực tế là, thời gian qua, một số doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh không minh bạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của hàng Việt Nam. Trong khi đó các sản phẩm đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… lại phù hợp với thị hiếu người Việt từ mẫu mã đến giá cả và chất lượng. Vì thế, để cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp Việt cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, giá thành, nói cách khác là phải tạo sự khác biệt để hàng Việt tiếp tục chinh phục người tiêu dùng. Đồng thời, từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học, công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập. Từ đó, mới có thể vươn lên cạnh tranh và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.