Sáng 12/1, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên họp Quý I/2019 nhằm đánh giá công tác điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2018 và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành của năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Năm 2018 kinh tế toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng có biểu hiện chậm lại từ nửa cuối năm. Thị trường hàng hoá, tiền tệ, tài chính biến động khó lường với giá hàng hoá cơ bản trên thị trường thế giới biến động mạnh, áp lực lạm phát tăng tại nhiều thời điểm, đồng USD tăng giá, ngân hàng Trung ương các nước lớn tiếp tục giảm dần việc nới lỏng chính sách tiền tệ, kéo theo xu hướng tăng lãi suất, thậm chí can thiệp ngoại tệ để ổn định tỷ giá tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu. Chứng khoán thế giới biến động liên tục, tần suất lớn.
Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng kinh tế trong nước đã có sức chống chịu tốt, đạt được kết quả tích cực với 12/12 chỉ tiêu đạt, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch của Quốc hội giao, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế 7,08%, mức cao nhất trong 11 năm qua. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Các thành viên Hội đồng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế- xã hội nói chung, trong đó có công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan; điều hành chính sách tiền tệ đồng bộ, linh hoạt, chủ động góp phần ổn định đồng tiền; tin tưởng rằng kinh tế của đất nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn trong năm 2019.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp tiếp tục tác động tới trong nước. Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” ở tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chậm triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, doanh nghiệp có vốn mỏng, “tín dụng đen” vẫn hoành hành, cải thiện môi trường kinh doanh chưa theo kịp với thực tiễn của đời sống kinh tế và vẫn còn rủi ro trong chống chọi với những thách thức từ bên ngoài.
Các thành viên Hội đồng kiến nghị Chính phủ tiếp tục củng cố ổn định kinh vĩ mô, vi mô nhằm tạo ra “vùng đệm” để cả nền kinh tế hay từng doanh nghiệp, từng định chế tài chính có thể chống đỡ với những tác động từ bên ngoài. Đẩy mạnh thị trường vốn và tiền tệ với hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đẩy nhanh tiến trình thẩm định, định giá các doanh nghiệp nhà nước; xây dựng hành lang pháp lý cho các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, các hình thức thanh toán mới, cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng “tín dụng đen”; quan tâm hơn tới kiểm soát bội chi ngân sách, nợ nước ngoài của quốc gia, cải cách cơ chế thu chi ngân sách, kể cả cơ chế phân cấp thu, chi ngân sách của các địa phương để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đánh giá cao các ý kiến của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Hội đồng đã tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2018.
Phó Thủ tướng ghi nhận các kiến nghị của các thành viên Hội đồng về điều hành chính sách tài chính, tiền tệ trong năm 2019, những năm sau và cho biết Chính phủ đang tích cực xây dựng hành lang pháp luật để triển khai, trong đó có việc phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thanh toán trung gian và cho vay ngang hàng, hạn chế tình trạng tín dụng đen,...
Chủ tịch Hội đồng đồng tình với yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh gắn các tuyên bố của các bộ, ngành về cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và tạo thuận lợi thương mại với thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng “đặt hàng” các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học đóng góp trí tuệ, cùng Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn tới 10 năm tới, trong đó có quan điểm coi khoa học công nghệ là một lực lượng, động lực của phát triển kinh tế.