(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện đã phục vụ tốt yêu cầu phát triển KT-XH, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và góp phần tăng công suất cho hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, xuất phát từ những hệ lụy liên quan, công tác quản lý, giám sát đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thuỷ điện cần được chú trọng hơn nữa nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân và sự phát triển của tỉnh nhà.
Tăng cường giám sát đầu tư các dự án thủy điện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành thủy điện |
Với diện tích rộng, mạng lưới sông, suối dày đặc, Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển thủy năng. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 47 dự án thủy điện, với tổng công suất trên 1.407 MW. Công tác quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện nhìn chung đảm bảo yêu cầu phát triển theo hướng bền vững.
Quá trình thực hiện quy hoạch, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Nghệ An đã tiến hành rà soát, đánh giá, đề nghị Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch 15 dự án có quy mô nhỏ, hiệu quả thấp. Theo đó, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 32 dự án thủy điện được quy hoạch, trong đó có 12 dự án đã hoàn thành và vận hành phát điện; 12 dự án đang triển khai thi công; 5 dự án có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai và 3 dự án chưa có chủ đầu tư.
Liên quan đến một số tồn tại trong quá trình xây dựng và vận hành dự án thủy điện, thời gian qua, Đoàn công tác của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại một số dự án thủy điện ở các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế và lắng nghe ý kiến cơ sở, nổi lên nhiều vấn đề liên quan cần đặc biệt lưu tâm như chất lượng quy hoạch các dự án, công tác giám sát quy trình, quy chế vận hành hồ chứa các dự án thủy điện của các cơ quan chức năng, vấn đề đảm bảo an toàn vùng hạ lưu, môi trường sinh thái và sự ổn định cuộc sống, sinh kế bền vững của người dân.
Cũng qua các cuộc giám sát đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương nơi có dự án thủy điện; trong đó, nổi lên kiến nghị cần xem xét dự án nào phải di dời nhiều hộ dân, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, không cải thiện sinh kế của người dân thì không nên tiếp tục triển khai.
Về vấn đề trên, theo ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua, công tác quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng quy trình, quy định. Từ năm 2015 đến nay, Sở chưa tham mưu bổ sung quy hoạch dự án thủy điện nào. Để giải quyết những tồn tại nêu trên, đồng thời đảm bảo hướng phát triển bền vững ngành thủy điện trong thời gian tới, mới đây, tỉnh đã đề nghị Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương tiến hành rà soát, đánh giá lại tổng thể công tác triển khai quy hoạch các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực cũng như hệ lụy liên quan. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của các huyện, chủ đầu tư và các ngành cấp tỉnh để đưa ra kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập cũng như dự báo những ảnh hưởng trong thời gian tới.
Theo đó, cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề trồng rừng thay thế diện tích rừng bị mất khi triển khai các dự án thủy điện; giải quyết hệ lụy từ các dự án thủy điện đối với hệ sinh thái và môi trường; vấn đề tái định cư của người dân cũng như việc phối hợp giữa các ngành và địa phương với chủ đầu tư trong xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án… Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng cần tổ chức đánh giá việc khai thác và tận thu lâm, khoáng sản trong lòng hồ thủy điện; quan tâm phối hợp với các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng các mô hình sinh kế bền vững cho người dân trong vùng lòng hồ và những người chịu ảnh hưởng từ các dự án.
Thực tế cho thấy, những hệ lụy đang tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm là hệ quả của quá trình phê duyệt các dự án, chưa đánh giá một cách đầy đủ những tác động tiêu cực đi kèm. Bên cạnh đó, vai trò quản lý Nhà nước của một số ngành liên quan trong quá trình đầu tư các dự án thủy điện có thời điểm chưa thật sự chủ động, đặc biệt là trong kiểm tra, giám sát. Điều đó dẫn đến tình trạng, các vấn đề phát sinh gây tác động tiêu cực trên diện rộng khi được kiểm tra, đánh giá, rất khó xử lý dứt điểm.