(Congannghean.vn)-Thời gian qua, bức tranh xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh ghi nhận nhiều kết quả quan trọng; song vẫn còn một số “mảng xám” cần sớm giải quyết dứt điểm. Qua đó, nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) cũng như khôi phục lại hình ảnh lao động Nghệ An trên thị trường quốc tế.
Người lao động làm việc ở nước ngoài cần thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo quyền, lợi ích của bản thân - Ảnh minh họa |
Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là về cơ chế chính sách, vốn vay đối với lao động hộ nghèo, gia đình chính sách... Nhằm đáp ứng nhu cầu XKLĐ, năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách của Nhà nước về công tác XKLĐ; đặc biệt là việc công khai, minh bạch thị trường, chế độ tiền lương, thu nhập của lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ vậy, tình trạng cò mồi, môi giới lừa đảo từng bước được giảm thiểu. Bên cạnh đó, nhiều chính sách phù hợp được tỉnh ban hành đã thu hút nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ vậy, NLĐ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn thị trường phù hợp với bản thân.
Năm 2017, tỉnh ta tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ. Toàn tỉnh đã đưa được 13.810 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước Trung Đông. Hiện, có 61.518 lao động Nghệ An đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguồn thu nhập từ XKLĐ chuyển về tỉnh ước đạt 255 triệu USD/năm. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực tham gia XKLĐ còn thấp, lao động phổ thông còn chiếm tỉ lệ cao, từ 60 - 70%. Bởi vậy, trong năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu nâng tỉ lệ lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài lên 30% so với lao động chung toàn tỉnh và đưa tỉ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đi XKLĐ lên 40%.
Liên quan đến “mảng xám” trong bức tranh XKLĐ của tỉnh nhà, tình trạng lao động xuất khẩu “chui”, lao động di cư tự do sang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại một số nước thời gian qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện, vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng theo quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nghi Lộc là địa phương đứng đầu toàn tỉnh về số lượng người XKLĐ, với lượng ngoại tệ hàng năm gửi về ước tính 520 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 3/2018, vẫn còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và XKLĐ không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.
Cũng trong năm qua, nổi lên tình trạng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để sang một số nước như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước Đông Âu... làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp dưới nhiều hình thức, đi du lịch, thăm thân, kết hôn giả…. Một bất cập khác là việc lao động Nghệ An tham gia XKLĐ bỏ trốn vẫn còn cao (hơn 40%). Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chính NLĐ đó như việc bị trục xuất về nước trước thời hạn, phải bồi thường phí hợp đồng, tình trạng trên còn khiến các thị trường lao động có nhu cầu mất niềm tin vào NLĐ tỉnh nhà. Minh chứng là việc Hàn Quốc - thị trường có chế độ đãi ngộ tốt đã đình chỉ tuyển dụng lao động với 11 huyện, thành, thị, xã trên địa bàn tỉnh theo chương trình EPS.
Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, việc làm trên có thể sẽ được tăng cường siết chặt nếu chúng ta không làm tốt công tác tuyên truyền để NLĐ nhận thức rõ hệ lụy của việc phá vỡ hợp đồng khi đang làm việc ở nước ngoài. Trước thực trạng trên, việc ban hành chế tài cụ thể đối với từng gia đình có lao động phá vỡ hợp đồng cũng cần được quan tâm nghiên cứu thực hiện.
Để công tác XKLĐ tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương, thời gian tới, tỉnh yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động XKLĐ ngoài việc tiếp tục khai thác và phát triển các thị trường lao động truyền thống, cần mở rộng thêm các thị trường mới tiềm năng. Cùng với đó, để đảm bảo tối đa quyền và nghĩa vụ của NLĐ làm việc ở nước ngoài, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ.