(Congannghean.vn)-Năm 2017, bức tranh lao động Nghệ An ghi nhận nhiều mảng sáng, đơn cử như vấn đề giải quyết việc làm, tuyển sinh đào tạo nghề, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần sớm giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà.
Vấn đề giải quyết việc làm là một trong những “điểm sáng” trong bức tranh lao động của tỉnh năm 2017 - Ảnh minh họa |
Những kết quả khả quan
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 37.590 lao động (đạt 100% chỉ tiêu đề ra); trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 13.330 người, việc làm ngoài tỉnh 10.450 người, XKLĐ 13.810 người (tăng 7,1% so với năm 2016). Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã chỉ đạo ngành lao động, nông nghiệp và các ngành chức năng, các địa phương tiến hành phân loại các đối tượng lao động và đề xuất các giải pháp giải quyết việc làm phù hợp với từng đối tượng.
Đặc biệt, đối với những người mất việc làm thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ các dự án dân sinh, KT-XH, tỉnh chủ trương hỗ trợ kinh phí học nghề mới và định hướng những ngành nghề phù hợp. Với đối tượng thanh niên nông thôn, tỉnh tạo điều kiện về vay vốn ngân hàng, tìm kiếm thị trường XKLĐ, trọng tâm là các thị trường có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động và có thu nhập cao, ổn định.
Liên quan đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đã tổ chức tư vấn cho 29.385 người, tổ chức gần 50 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động, có 488 doanh nghiệp với 7.250 người tham gia, qua đó có 1.625 người được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh. Ngành cũng đã kết nối với 35 DN lớn ngoài tỉnh và nhiều DN trong tỉnh để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cũng trong năm qua, các cấp, ngành địa phương đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 72.000 lượt người. Chất lượng đào tạo được đặc biệt chú trọng. Qua khảo sát đánh giá của một số DN, có hơn 80% lao động được sử dụng đúng ngành nghề, trình độ đào tạo, hơn 30% lao động có kỹ năng tay nghề khá trở lên. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo, dạy nghề của một số trường dạy nghề còn chưa thật sự hiệu quả. Thời gian tới, theo Nghị quyết 19-NQ/TW 2017 về công tác đào tạo nghề, sẽ sáp nhập một số trường trung cấp để nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề với mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động chất lượng của các DN.
Công tác đào tạo nghề ngày càng gắn với nhu cầu sử dụng lao động có chất lượng của các doanh nghiệp - Ảnh minh họa |
Còn tồn tại
Liên quan đến việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ngành LĐ-TB&XH và BHXH Nghệ An đã phối hợp giải quyết hiệu quả từ khâu tiếp nhận đến chi trả, tạo thuận lợi cho người lao động. Năm qua, đã giải quyết chế độ BHTN theo quy định cho gần 11.200 lao động, với tổng kinh phí trên 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số đơn vị sử dụng lao động không đóng đầy đủ chế độ BHXH cho người lao động, khiến họ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thực tế trên khiến nhiều lao động thất nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm để ổn định cuộc sống. Qua thẩm định hồ sơ, có hơn 10.200 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Điều đáng lưu tâm là, phần lớn trong số đó đều nằm trong độ tuổi “vàng” của thị trường lao động (từ 25 - 40 tuổi).
Một “mảng xám” khác trong bức tranh lao động Nghệ An năm qua là tình trạng một bộ phận lao động tỉnh nhà hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại, trong đó có Hàn Quốc. Để giải quyết tình trạng trên, Sở LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; đặc biệt là tổ chức 21 hội nghị chuyên đề và lồng ghép về tuyên truyền, vận động lao động về nước đúng thời hạn, với hơn 1.400 người tham gia.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, việc giải quyết, xử lý tình trạng sai phạm trong công tác XKLĐ các năm trước đây tại một số địa phương vẫn còn chậm và chưa dứt điểm. Để giải quyết những tồn tại trên, sắp tới, ngành LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh thực hiện Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ XKLĐ, học nghề cho đối tượng hộ nghèo, hộ thuộc diện bị thu hồi đất.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần cải thiện hình ảnh của lao động Nghệ An tại nhiều quốc gia trên thế giới, đổi mới tư duy về XKLĐ là yêu cầu cần thiết. Theo đó, không chỉ chú trọng XKLĐ phổ thông, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác XKLĐ có trình độ, tay nghề cao. Cùng với đó, chú trọng giáo dục, nâng cao ý thức của người XKLĐ trong việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.