Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) ở Việt Nam đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ ý tưởng công nghệ và nhân sự công nghệ đến những người giỏi về thị trường, truyền thông, marketing... Đây vẫn là những khó khăn với nhiều start-up.
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước với việc hình thành một số start-up trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến. Không có con số thống kê chính thức về số lượng start-up hiện nay, nhưng nhiều người trong lĩnh vực này thừa nhận rằng, start-up Việt đang gia tăng về số lượng một cách nhanh chóng.
Theo ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), điều này có được nhờ yếu tố thuận lợi là các hạ tầng liên quan đến công nghệ đang vượt qua các giới hạn mà trước đây mọi người không hình dung được, chẳng hạn, đường truyền, lưu trữ, quản lý dữ liệu và quyền sử dụng các thành quả công nghệ đã có trước đây.
“Trước đây, start-up muốn làm thử nghiệm rất khó vì chưa có hạ tầng. Còn hiện nay, với chi phí không lớn, mọi người đều có thể sử dụng hạ tầng này, thậm chí, có thể sử dụng hệ thống dịch vụ, trí tuệ nhân tạo của các công ty công nghệ lớn”, ông Giang chia sẻ.
Có thể thấy, với hơn 10 năm hình thành và phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đang hình thành và hoạt động ngày càng hiệu quả. Trong đó, nổi bật là vai trò của cố vấn khởi nghiệp vốn có từ lâu ở các nước, nay dần hình thành một cách chuyên nghiệp ở Việt Nam. Thêm vào đó, đã bắt đầu manh nha mạng lưới nhà đầu tư cho công ty khởi nghiệp, bao gồm không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà còn các nhà đầu tư nước ngoài.
Rào cản từ chính bản thân
Đặc điểm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là hình thành nhanh chóng, thay đổi vốn góp liên tục, thoái vốn nhanh, và cũng có thể “chết” nhanh.
Trong khi đó, nhiều thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rườm rà, gây khó cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Điều này không những không khuyến khích các bạn trẻ tuân thủ pháp luật mà còn có tín hiệu ngược đã được nêu lên là: Start-up Việt đăng ký thành lập doanh nghiệp ở quốc gia khác.
Không chỉ vướng về thủ tục hành chính, hành lang pháp lý, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, do đó không thể tránh khỏi những điểm yếu từ chính nhân lực của các start-up.
Một trong những khó khăn mà ông Trịnh Minh Giang đề cập đến là sau khi một ý tưởng sáng tạo được manh nha, việc tìm kiếm nhóm làm việc tâm đầu ý hợp để phát triển và thương mại hoá được sản phẩm không phải là điều dễ dàng. Hiện nay ở Việt Nam, các công ty công nghệ lớn hút người tài nên việc tìm người giỏi công nghệ đi cùng để thành lập một start-up là khó.
“Khi một ý tưởng công nghệ được đánh giá là “tròn trịa” cần phải có đội ngũ 6-10 người làm. Điều này là cực kỳ khó khăn, đòi hỏi người dẫn dầu phải đủ năng lực để giữ được nhóm vì thời gian đầu, khởi nghiệp gần như không có thu nhập. Hai là, khi đã có nhóm làm việc về công nghệ, một start-up cần phải có những người giỏi về thị trường, truyền thông, marketing tham gia. Chỉ thuần tuý công nghệ thì không thể ra một sản phẩm thành công”, ông Giang cho hay.
Và, điều này có thể được cải thiện bằng cách tăng cường kết nối start-up với các khách hàng tiềm năng. Hầu hết các sản phẩm mà start-up hướng đến hiện nay là giải quyết bài toán của các doanh nghiệp khác. Nhiều doanh nghiệp hiện đang thiếu hệ thống công nghệ hỗ trợ quản trị thông thường về nhân sự, kế toán, kho hàng.. Nhu cầu về các sản phẩm này khá lớn do số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng tăng.
Kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo
Ông Trịnh Minh Giang cho biết, để chung tay tháo gỡ khó khăn cho các start-up Việt, VPSF mong muốn kết nối cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo với DN. Nếu sản phẩm đã hoàn thiện thì kết nối sản phẩm với doanh nghiệp mong muốn sử dụng, còn nếu sản phẩm chưa hoàn thiện thì kết nối để trao đổi tri thức thực tiễn, hoặc kết nối để tìm kiếm nhà đầu tư cho các sản phẩm công nghệ sáng tạo này.
Đáng chú ý, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam đã có đề nghị: “Trong điều kiện hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không phù hợp các mã ngành kinh doanh như quy định hiện hành và chưa đủ ổn định để đề xuất mã mới, cần nghiên cứu mã ngành kinh doanh tạm thời cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có hoạt động kinh doanh trong phạm vi pháp luật không cấm”.
Bên cạnh đó, VPSF cũng đề nghị Nhà nước nghiên cứu, giải phóng các rào cản về quy trình, thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, giảm số ngày chờ đợi, cho phép đăng ký trực tuyến (online) tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 đối với các thủ tục liên quan tới sở hữu trí tuệ để thúc đẩy phát triển các giải pháp hữu ích, phát minh và tăng cường ý thức bảo vệ bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Được biết, sự kiện “Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo – Hiểu đúng, hành động đúng” được tổ chức ngày 19/5 tại Hà Nội, cộng đồng khởi nghiệp sẽ có cơ hội trao đổi trực tiếp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, một người rất tâm huyết với cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam và đã từng khẳng định trước các doanh nghiệp trẻ là: “Chúng ta sẽ có tinh thần cả quốc gia khởi nghiệp”.
.