(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, nhờ vào việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn của nước ngoài, hệ thống bán buôn, bán lẻ trong nước đã trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn. Thế nhưng, trước việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến từ Thái Lan thâu tóm hệ thống BigC ở Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cảnh báo thị trường tiêu thụ nội địa sẽ đứng trước nguy cơ bị “lép vế” ngay trên “sân nhà”.
Từ năm 2002 và đến năm 2014, Metro (Đức) có mặt tại Việt Nam bắt đầu có những hợp đồng thương thảo về việc chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan), tiếp đó là các siêu thị lớn như Nguyễn Kim, BigC. Cùng với đó, hệ thống các siêu thị lớn, nhỏ có mặt ở Việt Nam đều được chuyển nhượng, bàn giao cho người Thái tiếp quản.
Hàng Việt Nam tại BigC Vinh liệu có còn chỗ đứng khi BigC về tay người Thái? |
Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay thì việc chuyển nhượng trên là hoàn toàn bình thường. Với các điều khoản tuân thủ theo nguyên tắc chung, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn các loại hàng hóa chất lượng.
Mới đây nhất, khi thương vụ giữa Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan mua lại hệ thống BigC thì gần như hệ thống bán buôn, bán lẻ của Việt Nam đã bị thâu tóm.
Với quy luật, lộ trình bài bản trong khâu đưa hàng Thái xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các chuyên gia lo ngại về chỗ đứng của hàng Việt ngay trên “sân nhà”. Bởi trước đó, theo thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, hàng Thái Lan ồ ạt tràn vào nước ta với số lượng rất lớn, từ rau, củ quả cho đến các mặt hàng thiết yếu.
Tại Nghệ An, đến thời điểm hiện nay, BigC Vinh chưa bày bán hàng hoá của Thái Lan nhưng theo lộ trình, đây là 1 trong 32 hệ thống bán buôn, bán lẻ thuộc sự quản lý, thâu tóm của Tập đoàn Berli Jucker.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, các mặt hàng của nước ngoài chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường bán buôn, bán lẻ trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc, để đứng vững trên thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi lộ trình mà các tập đoàn Thái Lan đưa ra là sau khi thương thảo việc mua lại hệ thống bán buôn, bán lẻ thành công, họ sẽ đầu tư tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối hàng hoá.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong tương lai gần, hàng hoá “Made in Thailand” sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Khi đó, những ông chủ của Việt Nam có thể sẽ trở thành người làm thuê cho doanh nghiệp Thái Lan để tránh tình trạng phá sản, thua lỗ.
Phân tích nguyên nhân của việc những ông chủ Thái Lan dễ dàng mua lại hệ thống bán buôn, bán lẻ lớn, có thương hiệu ở trong nước, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Xu hướng liên kết, mở cửa để hội nhập sâu rộng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, những tập đoàn lớn của Thái Lan đang thâu tóm thị phần bán hàng trên thị trường đang trở thành mối lo ngại cho doanh nghiệp trong nước.
Nếu các ông chủ Việt Nam không có kế hoạch dài hơi trong chiến lược kinh doanh hàng hoá nội địa thì sẽ rất khó đứng vững. Một mặt vì lợi tức sau khi xây dựng thành công thương hiệu rồi chuyển lại, mặt khác không đủ sức cân đối, nâng cao chất lượng hàng hoá đang đặt ra nhiều thách thức.
Còn theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mua lại hệ thống bán lẻ trong nước như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường trong nước.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp trong nước cần phải có chiến lược kinh doanh dài hơi và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần có cơ chế quan tâm tới việc kích cầu trong nước, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện nay. Bởi nếu hệ thống bán buôn, bán lẻ ở Việt Nam về tay người Thái hay bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào thì thị phần hàng hoá do Việt Nam sản xuất sẽ khó đứng vững.