(Congannghean.vn)-Miền Tây Nghệ An có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Cùng với chú trọng đổi mới cơ chế, quan tâm đầu tư về mọi mặt của đời sống thì phát triển y tế tại các địa phương miền núi có ý nghĩa quan trọng. Đây vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, vừa là nhiệm vụ thường xuyên trong sự nghiệp phát triển KT-XH.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu |
Miền Tây Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.747 km2, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, có 217 đơn vị hành chính cấp xã (2.560 thôn/bản). Trong đó có 195 xã miền núi (101 xã khu vực 3, 51 xã khu vực 2, 55 xã khu vực 1, 1.159 thôn/bản đặc biệt khó khăn), 27 xã biên giới với 419 km đường biên với nước Cộng hòa DCND Lào, có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia và 3 cửa khẩu phụ. Dân số trên 1.100.000 người (chiếm 41% dân số toàn tỉnh), đồng bào dân tộc thiểu số có gần 442.800 người, gồm 6 dân tộc anh em.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như địa bàn phức tạp, KT-XH chậm phát triển, còn nhiều hủ tục lạc hậu, nguy cơ phát sinh các dịch bệnh còn lớn, các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV/AIDS diễn biến phức tạp.
Do vậy, công tác y tế ở các địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Hiện nay, tại các huyện miền Tây Nghệ An, hệ thống tổ chức mạng lưới y tế đã được đầu tư khá đồng bộ với 11 phòng y tế, 2 bệnh viện đa khoa khu vực, 8 bệnh viện đa khoa huyện, 6 phòng khám đa khoa khu vực, 11 trung tâm y tế huyện, 11 trung tâm dân số huyện, 217 trạm y tế xã (trong đó có 5 trạm y tế quân - dân y kết hợp ở các xã biên giới). Tổng số giường bệnh là 1.505 giường, đạt tỉ lệ 13,6 giường bệnh/vạn dân. Đội ngũ cán bộ y tế có 3.155 người, đạt 28,6 cán bộ/vạn dân.
Để từng bước hoàn thiện hạ tầng cũng như trang thiết bị y tế, trong thời gian qua, nhiều bệnh viện đã được xây dựng, đưa vào hoạt động bằng nhiều nguồn như ngân sách Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa và các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ; góp phần đảm bảo căn bản hoạt động chuyên môn cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở ở các xã, thị trấn, đến nay, lĩnh vực y tế cơ sở đã được đầu tư phát triển với 116/217 xã (năm 2014) đạt tiêu chí quốc gia về y tế (đạt 53,5%), 97,5% thôn/bản có nhân viên y tế hoạt động.
Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, đến nay, công tác y tế ở các huyện miền Tây đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2014, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 18,9%, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS chiếm 0,26% (260/100.000 dân), tỉ lệ mắc sốt rét chiếm 0,54% và tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên duy trì ở mức 1%.
Hiện nay, các cấp, ngành y tế đang tập trung mọi điều kiện, nguồn lực bố trí, sắp xếp mạng lưới y tế các huyện, các xã phù hợp với từng vùng, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đồng thời, không ngừng bổ sung nhân lực, tuyển dụng, đào tạo cán bộ ở các chuyên khoa cơ bản, đáp ứng yêu cầu công tác tại các đơn vị để đến năm 2020, 100% bệnh viện có đủ bác sĩ chuyên khoa, 100% bệnh viện tuyến huyện có khoa y học cổ truyền, 100% thôn bản có nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển các dịch vụ kỹ thuật vừa chuyên sâu vừa phổ cập tùy từng bệnh viện, hoàn chỉnh bệnh viện hạng 2 đối với bệnh viện khu vực, bệnh viện tuyến huyện.
Ngoài ra, tiếp tục củng cố, hoàn thiện, đầu tư phát triển hệ thống trạm y tế xã về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, làm tốt nhiệm vụ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân để đến năm 2020, có 70% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.