Ở thời khắc quan trọng đón năm mới Ất Mùi 2015 chúng ta cùng nhìn lại những gì đạt được trong 30 năm qua và kỳ vọng về 30 năm tới - năm 2045, khi đất nước tròn 100 năm độc lập.
Năm 2015 là thời điểm đánh dấu những cột mốc hết sức quan trọng của Việt Nam: 70 năm độc lập, 40 năm thống nhất đất nước và 3 thập kỷ đổi mới.
Con đường mà Việt Nam đã trải qua kể từ năm 1945 đến nay quả là khúc khuỷu, gập nghềnh. Tuy nhiên, điều may mắn là kể từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng và nhiều mặt trong đời sống xã hội cũng được cải thiện.
Giờ đây, khi mùa xuân đến, ở thời khắc quan trọng này chúng ta cùng nhìn lại những gì đạt được trong 30 năm qua và kỳ vọng về 30 năm tới - năm 2045, khi đất nước tròn 100 năm độc lập.
Thứ nhất, Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong ba thập kỷ qua
Hình 1: Tăng trưởng GDP thực với năm gốc 1985 = 1
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tính từ năm 1986 đến nay, tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 6,8%/năm và thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Nếu loại trừ một số quốc gia và vùng lãnh thổ có dân số dưới 10 triệu người thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc. GDP bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua (PPP) của Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 5.000 USD, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.
Rõ ràng đây là một kết quả rất ấn tượng.
Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là cũng cùng điều kiện thể chế như nhau, nhưng Trung Quốc đã duy trì được mức tăng trưởng bình quân trong mấy thập kỷ qua tới hai con số. Kết quả, sau gần ba thập kỷ, GDP của nước này tăng đến hơn 13 lần so với gần 6 lần của Việt Nam.
Do vậy, khoảng cách về kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bị kéo ra đáng kể. Tuy nhiên, điều này cũng đưa ra một ngụ ý là Việt Nam có thể làm tốt hơn để đạt được những mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng hơn nữa.
Thứ hai, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã được thu hẹp
Hình 2: GDP-PPP bình quân đầu người giai đoạn 1990-2013
Nhìn chung khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực còn rất xa, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng GDP cao nên khoảng cách đã được rút ngắn lại như thể hiện ở Hình 2.
Ví dụ, tính theo GDP-PPP, khoảng cách giữa Việt Nam và Singapore đã được rút ngắn từ hơn 24 lần xuống còn khoảng 15 lần; Hàn Quốc từ 9,5 lần xuống còn 6,6 lần và cuối cùng là Ấn Độ từ 1,3 lần xuống còn 1,1 lần.
Nếu có thể giữ được tốc độ tăng trưởng GDP-PPP bình quân đầu người ở mức 7,8%/năm như giai đoạn 1990-2013, thì Việt Nam cần 36 năm để có được mức GDP-PPP bình quân đầu người vào năm 2013 của Singapore, Hàn Quốc - 25 năm, Malaysia - 20 năm, Thái Lan - 13 năm, Trung Quốc - 11 năm, Indonesia - 8 năm, Philippines - 6 năm và Ấn Độ 1 năm.
Chỉ duy có đối với Trung Quốc là bức tranh theo chiều ngược lại như đã phân tích ở trên.
Thứ ba, kỳ vọng một tương lai tươi sáng là có cơ sở
Đến năm 2045, Việt Nam sẽ ở đâu tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hình 3: Tốc độ tăng trưởng cần thiết để GDP-PPP của Việt Nam
có thể bằng các nước trong nhóm so sánh hiện nay
Nguồn: Tác giả tính toán và vẽ dựa trên số liệu của Ngân hàng Thế giới |
Hình 3 cho thấy, đến năm 2045, để có thể bước vào nhóm nước có mức thu nhập cao thì Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP-PPP bình quân đầu người giữa 6,5-9,5%/năm; để có được mức thu nhập cao ở ngưỡng thấp thì con số tăng trưởng cần thiết trong khoảng 5,1-6,5%/năm.
Nếu không duy trì được mức 5%/năm thì Việt Nam không thể vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD sau 3 thập niên nữa.
Tuy nhiên, nhìn vào kết quả của nhóm nước so sánh trong hơn hai thập niên qua thì không nước nào có tốc độ tăng trưởng GDP-PPP bình quân đầu người dưới 5%/năm. Đây là cơ sở cho niềm tin Việt Nam có thể làm tốt trong tương lai.
Thêm vào đó, khả năng giảm nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sau mấy thập kỷ thần kỳ là rất có thể xảy ra. Nếu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức trên 7%/năm thì khả năng rút ngắn khoảng cách, thậm chí là vượt qua Trung Quốc tính theo bình quân đầu người là có thể.
Những trục trặc trong thời gian qua đã được nhìn nhận và hy vọng rằng việc cải cách ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những đột phá thực sự để tạo ra những xung lực tăng trưởng mới. Khi đó, một tương lai tươi sáng cho Việt Nam không phải là giấc mơ xa vời.
Mùa xuân là thời khắc của miền tin và hy vọng. Mỗi chúng ta sẽ làm những gì có thể để cho bản thân và gia đình tốt hơn ngày hôm qua và đây cũng là cách thiết thực nhất để cùng xây dựng một Việt Nam hùng mạnh trong tương lai.
.