(Congannghean.vn)-Người dân xây dựng công trình trên đất nguyên trạng được chuyển nhượng hợp pháp, nhưng chính quyền lại cho rằng lấn chiếm hành lang giao thông. Trong khi giải quyết vòng luẩn quẩn này, chủ sở hữu đất phát hiện một phần trong diện tích được chuyển nhượng bị “mất tích” khỏi giấy CNQSDĐ.
Năm 2011, gia đình ông Trần Đức Bình nhận chuyển nhượng của chị Đặng Thị Thanh Hương một lô đất tại tổ dân phố 3, thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thửa đất này có nguồn gốc sử dụng trước ngày 18/12/1980, chủ sử dụng mang tên bà Lạc (Đặng Thị Đị), thuộc thửa số 54, diện tích 185 m2 (theo bản đồ 299).
Trước lúc qua đời, bà Đị đã viết giấy thừa kế cho ông Đặng Văn Xin và bà Phạm Thị Xuân, đều cư trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Nghi Xuân và 2 người này đã làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ theo quy định. Sau đó, bà Phạm Thị Xuân đã xây dựng ki-ốt trên toàn bộ phần diện tích đất được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ để cho thuê. Về sau, bà Xuân đã sang tên giấy CNQSDĐ cho con gái là chị Đặng Thị Thanh Hương. Tiếp đó, chị Hương chuyển nhượng cho hộ ông Trần Đức Bình.
Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình ông Bình đã thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ đối với phần đất trên và tiến hành xin giấy phép xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, phía gia đình ông Bình bất ngờ bị chính quyền địa phương thu hồi giấy phép và lập biên bản với lý do, vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Bà Võ Thị Kim Dung (vợ ông Bình) bức xúc: “Khi tôi nhận bàn giao, trên thửa đất gồm có một dãy ki-ốt dài 24 m, rộng 4 m, tường gạch, mái lợp prôximăng; phía mặt tiền 4 m giáp chỉ giới hành lang quy hoạch đường 24 m. Nghĩa là chúng tôi chỉ xây dựng trên phần đất của mình, nhưng chính quyền lại bất ngờ đến lập biên bản vì cho rằng, công trình vi phạm hành lang quy hoạch chỉ giới đường 35 m”.
Đoàn công tác của huyện kiểm tra và phát hiện một phần móng nhà cũ trong phần đất ông Bình |
Để minh chứng cho việc làm của mình, ông Bình, bà Dung đã đưa ra rất nhiều văn bản, trong đó có bản di chúc ngày 1/11/1999 của bà Đặng Thị Đị nói rõ: Bà có 1 ngôi nhà ngói 2 gian và 1 miếng đất 9 m mặt đường, Đông giáp nhà Dung Bình, Tây giáp đường ra bờ sông, Nam giáp QL8B, Bắc giáp tường kho lương thực, bà đã thừa kế cho Phạm Thị Xuân 4 m chiều ngang mặt đường, Đặng Văn Xin 5 m chiều ngang mặt đường và gian nhà ngói 2 gian.
Tuy nhiên, đến năm 2004, khi bà Đị qua đời, diện tích ngôi nhà 2 gian cấp 4 bà ở không được đưa vào bìa đỏ của bà Xuân và ông Xin, gây bức xúc cho người được thừa kế. Họ không thể hiểu vì sao diện tích đất ô thửa 54, bản đồ 299 là 185 m2, mà giấy khế ước thì còn 148,5 m2?
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Hoài, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nghi Xuân cho biết: “Theo hồ sơ thì đất của bà Đị là đất thổ cư, trên hồ sơ qua các thời kỳ về mặt tim đường là không có thay đổi, giờ chỉ căn cứ hồ sơ chứ hiện trạng thì không có.
Bà Đị xây trong mốc và nằm đúng trong chỉ giới hành lang giao thông. Móng nhà thì không rõ, trong hồ sơ sổ sách không thể hiện móng nhà. Còn đất bà Dung, ông Bình thì trong giấy khế ước đã ghi rõ và các bìa trước để lại nên chúng tôi theo đó cấp lại. Còn bản đồ 299 chỉ xác định ô thửa đất thôi, không chi tiết diện tích”.
Nếu căn cứ vào nguồn gốc thửa đất thì rõ ràng gia đình ông Bình không vi phạm. Sau nhiều lần kiến nghị, yêu cầu chính quyền xem xét lại và xử lý minh bạch vấn đề vướng mắc đất đai, hiện gia đình ông Bình vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm hành lang giao thông đối với gia đình ông Bình đang đặt ra câu hỏi: “Liệu UBND huyện Nghi Xuân có công minh, trong khi nhiều hộ gia đình xây dựng tương tự cũng vi phạm hành lang giao thông lại không bị xử lý?”. Thiết nghĩ, UBND huyện Nghi Xuân nên có câu trả lời rõ ràng để người dân ý thức đủ quyền và nghĩa vụ của mình.
.