Có tới 12.000 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội đang bị nợ đọng và con số này đang lớn lên hàng tháng theo cấp số nhân. Một tỷ lệ không nhỏ số tiền của người lao động đang sắp mất trắng. Nếu tình trạng này kéo dài, Quỹ bảo hiểm không vỡ mới là lạ!
Bất lực và mất trắng
"Nếu bị nợ tiền bảo hiểm xã hội, coi như... mất trắng!", anh Nguyễn Trung K, một kiến trúc sư đang làm việc tại Hà Nội quả quyết.
Cách đây hơn 3 năm, anh làm việc cho Công ty cổ phần Archipel- một DN kiến trúc khá nổi tiếng của Pháp. Thế nhưng, từ năm 2010, công ty bắt đầu trục trặc, thua lỗ. Hậu quả, anh K và hàng trăm cán bộ nhân viên khác bị nợ lương và tất nhiên, nợ luôn cả sổ bảo hiểm.
"Lúc công ty còn hoạt động, mình còn liên hệ nhiều lần để hỏi xin sổ bảo hiểm, nhưng 3 năm nay, bộ máy công ty giải thể, chẳng biết ai mà hỏi. Vị giám đốc người Pháp nghe đâu về nước", anh K nói.
Trên thực tế, không chỉ anh K mà gần trăm cán bộ nhân viên công ty Archipel ngày đó giờ đang phải ngậm ngùi chịu thiệt, không biết ngày nào mới đòi được quyển sổ.
Các lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Công ty CP Xây dựng và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc nợ hơn 3,2 tỷ đồng nhưng luôn đóng cửa, chây ì không đóng" |
Archipel hiện đang nợ 3,7 tỷ đồng đã 47 tháng, là một trong 155 doanh nghiệp tại Hà Nội có số nợ tiền bảo hiểm xã hội lớn nhất. Chỉ khi nào công ty này nộp đủ số tiền bảo hiểm trên, những người lao động như anh K mới được chốt sổ và chuyển sổ sang nơi mới.
Không chỉ người lao động, các cơ quan bảo hiểm xã hội cũng đang méo mặt với số nợ dồn ứ, tích tụ gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giãi bày: "Ngay cạnh cơ quan bảo hiểm tỉnh là công ty cổ phần xây dựng và phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, cũng nợ đến 74 tháng nay mà chúng tôi chưa làm gì được."
"Công ty này gần như đã ngừng hoạt động. Mỗi lần cán bộ bảo hiểm đến, đều thấy cửa đóng then cài. Chúng tôi gọi điện thì nhân viên đều báo Giám đốc đi vắng, gọi điện trực tiếp cho giám đốc thì không nghe máy. Đi đòi nợ tiền bảo hiểm mà như đi xin, đi nịnh doanh nghiệp", bà Huyền kể.
Công ty này đã bị bảo hiểm Vĩnh Phúc kiện ra tòa, nhưng tòa án hiện cũng bó tay, vì mời đến làm việc tại tòa 3-4 lần, vị giám đốc công ty trên đều không tới.
Tính đến hết tháng 4 năm nay, tại tỉnh Vĩnh Phúc có 95 đơn vị nợ đọng trên 6 tháng với số tiền là 79 tỷ đồng, trong đó, có những đơn vị kéo dài như công ty Gạch men Thăng Long nợ 3,5 tỷ, công ty Gạch Hợp Tịnh nợ 4,5 tỷ, công ty Viglacera Bá Hiến nợ 3,8 tỷ...
Theo quy định, cứ nợ bảo hiểm xã hội 12 tháng thì cơ quan bảo hiểm có thể kiện doanh nghiệp ra tòa án dân sự, nhưng tỷ lệ đòi được doanh nghiệp sau những vụ kiện tụng đó là rất khiêm tốn.
Một vị cán bộ trong ngành này hài hước rằng, nếu là nợ thuế quá hạn, doanh nghiệp sẽ bị tuýt còi thông quan hàng hóa, nếu nợ ngân hàng quá hạn, tài sản lập tức bị phong tỏa. Nhưng khi nợ tiền bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp cùng lắm chỉ bị thanh tra. Do đó, nợ tiền bảo hiểm xã hội là dễ "xù" nhất.
Theo bà Huyền, ngành bảo hiểm xã hội gần như không có công cụ pháp lý trong tay để "đòi nợ" doanh nghiệp. Cán bộ bảo hiểm xã hội chỉ có quyền lập biên bản, doanh nghiệp không sợ, mặc nhiên chây ì. Trong khi đó, thanh tra Lao động Thương binh và xã hội quá mỏng, chỉ có 3-5 cán bộ/sở nên không thể xử lý xuể.
Không vỡ Quỹ mới lạ
Tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội đang ngày càng trở nên nhức nhối. Tính đến hết tháng 2 năm nay, cả nước đã có hơn 512 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 12 tháng trở lên, với số nợ trung bình trên 1 tỷ đồng/đơn vị.
Ngoại trừ những trường hợp doanh nghiệp khó khăn thực sự, có không ít đơn vị đã cố tình chiếm dụng khoản tiền này của người lao động mà không nộp vào quỹ.
Trong khi đó, Quỹ bảo hiểm xã hội lại đang đứng trước nguy cơ 'vỡ". Hàng năm, quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho trên 1,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng và trên 600 nghìn người hưởng một lần với tổng số tiền chi 60 nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp bắt buộc phải đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động |
Ước tính, với quy mô tồn tích đến tháng 4 là 12.000 tỷ, số nợ đọng này đang tương đương 20% tổng số tiền lương hưu và trợ cấp trung bình hàng năm của người dân. Điều đó cũng có nghĩa, con số nợ trên nếu kéo dài, không thu được sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của khoảng 260.000 người già về hưu.
Bên cạnh đó, có khoảng 24.000 tỷ đồng "thất thoát" do việc đóng Quỹ bảo hiểm chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu của Nhà nước mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội trên và đủ để chi trả cho hơn 620 người già về hưu trong 1 năm.
Những so sánh trên đủ để thấy rằng, nợ đọng bảo hiểm xã hội đang gây thiệt hại lớn đến người lao động và là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới viễn cảnh vỡ Quỹ trong tương lai.
Rõ ràng, nếu như cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp tích cực khắc phục những lổ hổng trên trong cơ chế thu nộp, quản lý tiền bảo hiểm, thì nguy cơ trên sẽ giảm bớt và việc đề xuất tăng tuổi làm sẽ không gây phản ứng dư luận như hiện nay.
.