Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201402/nhung-nguy-co-tu-mot-lang-nghe-448625/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201402/nhung-nguy-co-tu-mot-lang-nghe-448625/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những nguy cơ từ một làng nghề - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 08/02/2014, 07:50 [GMT+7]

Những nguy cơ từ một làng nghề

(Congannghean.vn)-Nằm ven sông Lam, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) nổi tiếng với làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như nức tiếng một vùng, lan ra các tỉnh bạn. Thế nhưng, hiện nay làng đang đứng trước nguy cơ mai một, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do sử dụng nồi hơi tự chế.
 
Nguy cơ thất truyền
 
Làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như là làng nghề truyền thống do cha ông xưa để lại. Trải qua sóng gió những lúc thịnh, lúc suy nhưng không ai nỡ bỏ làng nghề. Hiện, làng có 100 hộ trồng dâu, nuôi tằm, 9 hộ còn theo nghề ươm tơ. Những bà, những mẹ có thâm niên ươm tơ từ 10 đến 20 năm. Quy trình ươm tơ rất đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Nguyên liệu để ươm tơ là kén tằm với 2 loại: Kén vàng và kén trắng. Trong đó, kén trắng có giá thành cao hơn, được ưa chuộng hơn. Kén mua về được bỏ vào nồi ươm đang sôi, kéo cho có “tựa”. Sau đó đưa kén đã giũ “tựa” bắc vào xa ươm để xe ra thành sợi. Công đoạn này lặp lại nhiều lần cho đến khi kén hết tơ chỉ còn lại vỏ bọc để lộ những con nhộng. Tơ sau khi ươm sẽ được đưa vào xa đảo để tạo thành những chẻ tơ mịn màng. Đây là khâu cuối cùng tạo nên sản phẩm.
 
Có mặt tại xưởng ươm tơ của anh Trần Văn Ngà, là chủ nhiệm HTX dâu tằm tơ Xuân Như, anh cho biết: Thường thì vào mùa tháng 3, các xưởng ươm hoạt động rầm rộ. Thời điểm này, xã mới trồng dâu lứa mới, thiếu nguyên liệu nên các chủ xưởng phải đi lên Tân Kỳ hay xuôi về Thanh Chương, Nam Đàn để mua kén. Cứ 1 kg kén giá 140.000 đồng, trong khi 1 kg tơ giá 800.000 đồng. Sản phẩm làm ra chủ yếu đưa ra Nam Định tiêu thụ hoặc có khi được bán sang tận Lào nhưng nhiều khi do gặp phải bất trắc mùa mưa kéo dài, sản phẩm bị tồn đọng. Làng nghề đứng trước nguy cơ thất truyền, do nguồn vốn mua hàng rất ít, thiết bị máy móc hư hỏng nhiều. Lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề tổ. Giờ, thanh niên trong làng đi làm ăn xa hay làm công ty may mặc. Mặc dù có cơ sở chế biến nhưng việc tìm kiếm thị trường lại rất khó khăn, chủ yếu lãi từ bán nhộng, kén đui và tơ kén đôi nên thu nhập thấp. Tuy hoạt động cầm chừng, nhưng nhiều người vẫn cố giữ nghề, bám lấy nghề cha ông để lại.
 
Nguy cơ tiềm ẩn từ các nồi hơi tự chế tại xưởng ươm tơ
Nguy cơ tiềm ẩn từ các nồi hơi tự chế tại xưởng ươm tơ
Mất an toàn trong sử dụng nồi hơi tự chế
 
Rất nhiều người phủ nhận về độ an toàn của nồi hơi áp suất tự chế để phục vụ ươm tơ. Anh Ngà thừa nhận rằng, độ an toàn không cao và có thể nổ lúc nào không ai hay. Xưa, cha ông ươm tơ bằng củi, rồi chuyển sang bằng than đá nhưng nguy cơ độc hại, nên mọi người bảo nhau xây lò hơi áp suất tự chế (nồi hơi do gia đình tự mua sắt về cuốn, nay đã hoen rỉ). Nồi hơi làm theo kiểu thủ công không có tiêu chuẩn rất dễ gây nổ. Mặc dù đến nay chưa có chuyện gì xảy ra nhưng tình trạng phụt hơi nước gây bỏng nhẹ thì đã có. “Nồi hơi do gia đình tự chế bằng sắt và tôn, không có hệ thống van, đồng hồ, nhiệt độ nóng quá nó phụt lên”, chị Hoàng Thị Tú, chủ một xưởng ươm tơ cho biết. Vẫn biết độ an toàn không cao nhưng để mua được một nồi hơi thì cần một máy chế tác công nghiệp nhưng giá một máy rẻ nhất cũng đến 150 triệu đồng, cao thì 300 triệu đồng. Năm 2012, Phòng Công thương huyện Đô Lương có về kiểm tra và đình chỉ một vài trường hợp nhưng rồi đâu lại vào đó. Bởi, theo người dân thì vẫn chưa thấy có sự cố xảy ra, mà không làm thì lấy đâu ra tiền nuôi con ăn học.
 
Anh Trần Văn Ngà cũng cho biết thêm, không những độ an toàn không đảm bảo mà vấn đề ô nhiễm môi trường cũng là một nguy cơ cảnh báo. Các xưởng chủ yếu hoạt động gần hộ gia đình, khu dân cư nên ô nhiễm nước thải. Chính vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ cùng với nhân dân cùng làm mua máy móc công nghệ để chế tạo sợi tơ. Đồng thời, việc xây dựng được khu sản xuất theo kiểu tập trung vừa đảm bảo an toàn trong lao động lại không gây ô nhiễm môi trường. Có như vậy, sản phẩm làm ra không chỉ đạt về chất lượng mà cả hình thức lẫn mẫu mã, lưu giữ được nghề cha ông xưa để lại.
 
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn cũng cho biết: Để duy trì được làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như, chúng tôi đã đầu tư trồng dâu mới trên 10 ha, khuyến khích bà con trồng ngô xen trên diện tích trồng dâu để tăng thêm thu nhập, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về lý thuyết cũng như thực hành. Vừa qua, tại các buổi tổng kết hoạt động làng nghề cũng thường xuyên nhắc nhở các chủ xưởng ươm thận trọng với nguy cơ từ nồi hơi tự chế. Trước khi vận hành nồi hơi, người dân phải kiểm tra đầy đủ các cơ cấu an toàn, hệ thống điện, đồng hồ chỉ áp suất…
.

Phan Tuyết