Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý rất phổ biến, thường gặp ở nhóm tuổi lao động và có xu hướng trẻ hoá, chiếm tỷ lệ hơn 30% dân số. Ở người bệnh trẻ tuổi, nếu không được điều trị đúng cách và theo dõi định kỳ có thể khiến từ một bệnh lý có thể sử dụng phương pháp điều trị đơn giản để hạn chế mức độ thoát vị như: Điều chỉnh tư thế làm việc, sinh hoạt hợp lý; Thuốc; Vật lý trị liệu phục hồi chức năng … có thể chuyển biến thành nặng hơn và dẫn đến phải phẫu thuật.
Hình ảnh BSCKI Trần Văn Thuyên - Trưởng Khoa Ngoại cơ xương khớp đang thăm khám cho Người bệnh |
Qua thăm khám lâm sàng, chụp X-quang và cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng thấy hình ảnh thoát vị đĩa đệm L3 – L4. Thể thoát vị nặng gây hẹp ống sống nhiều, đường kính ống sống còn lại rất nhỏ (nhỏ hơn 6 mm). Sau khi tìm được nhóm nguyên nhân đau lưng, đau lan xuống chân do khối thoát vị đĩa đệm chèn ép và nhận thấy điều trị bảo tồn không còn hiệu quả, Người bệnh được chỉ định mở xương rộng để lấy bỏ khối thoát vị để phòng tránh các biến chứng tổn thương thần kinh, sau đó nẹp vít cố định và ghép xương liên thân đốt sống L3-L4 (mặc dù chỉ định này được thưc hiện sớm hơn so với tuổi của Người bệnh T.).
Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng |
Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Võ Văn Thanh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết “Thông thường với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ở người trẻ tuổi có thể lựa chọn phương án mổ nội soi, giải ép ít xâm lấn để lấy khối thoát vị. Nhưng với trường hợp Người bệnh T. phải lựa chọn phương án mở xương rộng rãi mới lấy được triệt để khối thoát vị giúp phòng tránh tổn thương thần kinh gây yếu liệt chân sau mổ. Đặc biệt, do cấu tạo giải phẫu của đốt sống L3 – L4 vị trí dây thần kinh thoát ra với góc rất hẹp, nguy cơ tổn thương trong mổ và gây liệt cho người bệnh có thể xảy ra nếu phẫu thuật viên không có kinh nghiệm hoặc sử dụng những dụng cụ phẫu thuật không đảm bảo, vì thế phương án mổ mở rộng cắt bở phần diện khớp để lấy thoát vị và ghép xương liên thân đốt, nẹp vít cố định là sự lựa chọn an toàn hiệu quả cho Người bệnh”.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 90 phút với phẫu thuật trực tiếp của Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Võ Văn Thanh. Khi phẫu thuật mở rộng cắt bỏ phần xương cung sau và diện khớp để lấy thoát vị, Bác sĩ sử dụng nẹp vít cố định và đặt miếng ghép đĩa đệm để hàn xương thân đốt dưới sự hướng dẫn của máy C-arm. 02 ngày sau phẫu thuật, Người bệnh được rút dẫn lưu, đã có thể ngồi dậy tập đi lại. Sau đó người bệnh được hướng dẫn tập phục hồi chức năng liên tục trong 6 tuần tiếp theo để có thể hồi phục hoàn toàn.
Hình ảnh Bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật |
Hình ảnh không gian phòng mổ với trang thiết bị hiện đại máy C-arm |
Hiện nay, người mắc thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do thói quen lười vận động, ăn uống không khoa học hoặc luyện tập thể thao chưa đúng cách dẫn đến thương tổn vùng thắt lưng, đau cột sống thắt lưng. Để phòng tránh điều này, mọi người cần rèn luyện thể thao hàng ngày với những bài tập đúng cách, tốt cho vùng cột sống với sự hướng dẫn của các chuyên gia nhằm tránh các sang chấn có thể dẫn tới thoát vị địa đệm.
Chỉ có khoảng 10% người mắc thoát vị đĩa đệm cần tiến hành phẫu thuật. Tùy theo từng người bệnh thì bệnh lý thoát vị đĩa đệm có mức độ thoái hóa và sẽ có những thể thoát vị khác nhau. Khi đi khám, Bác sĩ chuyên khoa sẽ tìm được nhóm nguyên nhân chính xác gây đau cho người bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh. Nếu mức độ thoát vị nhẹ, người bệnh có thể điều trị nội khoa dùng thuốc hoặc phong bế dây thần kinh, tê ngoài màng cứng. Chỉ khi điều trị phối hợp các phương pháp nội khoa và tập phục hồi chức năng không hiệu quả, cuộc mổ mới được chỉ định. Vì vậy, khi phát hiện mình thuộc nhóm nguy cơ hoặc đã mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế đúng chuyên khoa, tránh trường hợp điều trị không đúng cách dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn và phải phẫu thuật.
Hình ảnh X-quang trước và sau phẫu thuật |
.