(Congannghean.vn)-Họ, là những cặp vợ chồng mang hai dòng máu Việt - Lào, vì cảm cái nghĩa, cái tình mà nên ân duyên, về sống chung với nhau dưới một mái nhà, không hôn thú. Dĩ nhiên, đó là chuyện của ngày quá khứ, bởi mùa xuân này, họ được đón một cái tết đoàn viên đúng nghĩa khi Chính phủ hai nước đã phối hợp tác duyên, trao quốc tịch và đăng ký kết hôn cho những cặp vợ chồng này.
Biên giới Việt Nam - Lào địa phận qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, những ngày giáp Tết Canh Tý, hoa dã quỳ dường như đua nở, khoe sắc rực rỡ nhiều hơn ngày thường. Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi rẽ đám sương mù dày đặc để vào với xã Mỹ Lý, nơi hiện có nhiều cặp vợ chồng Việt - Lào sinh sống nhất ở huyện địa đầu xứ Nghệ này. Chủ tịch UBND xã Lô Văn Liệu hóm hỉnh cho biết, Mỹ Lý quanh năm nghèo khó, nhưng Tết năm nào cũng vui vẻ, ấm cúng. Điều đặc biệt của cái Tết năm nay, đó là nhiều cặp vợ chồng đã được công nhận là… vợ chồng thực thụ, nhiều công dân từng mang quốc tịch Lào nay chính thức được “phiên chế” thành người Việt Nam, khiến cho mùa xuân nơi miền biên viễn năm nay thực sự là mùa xuân của đoàn viên, hội tụ.
Trao quốc tịch cho những công dân Lào di cư tự do sinh sống tại Việt Nam |
Tại xã Mỹ Lý, không thể không nhắc đến trường hợp 2 anh em ruột người Lào là Lô May Khăm (anh trai, 33 tuổi) và Lô Thị Ly (em gái, 23 tuổi), cùng quê tại bản Loòng Cắng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào), nay đã được “Việt hóa” khi được nhập quốc tịch Việt Nam. Trước đó, Lô May Khăm lấy vợ người Việt và ở rể tại xã Mỹ Lý với nhà vợ từ năm 2003. Một lần sang thăm anh trai, Lô Thị Ly đã bị trai bản Kha Văn U (25 tuổi) “hớp hồn” rồi không chịu về nước với bố mẹ đẻ, từ đó thành dâu xứ Nghệ. Sau nhiều năm sống bất hợp pháp, Tết này hai anh em Khăm - Ly đã được trao quyền công dân, vui mừng khôn xiết.
Tại xã Keng Đu, hiện cũng có không ít cặp vợ chồng “ưng cái bụng” thì vượt biên giới về sống chung một nhà với nhau, mà không nghĩ như vậy là chưa tuân thủ luật pháp của 2 nước. Như trường hợp của chị Xeo Mẹ Dung (32 tuổi), quê tại bản Cò Sạn, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Cách đây 16 năm, chị phải lòng anh Xeo Văn Xuân (32 tuổi) trú tại bản Huồi Lê, xã Keng Đu khi anh này vượt biên qua Lào mưu sinh. Hai người nảy sinh tình cảm, quyết định đi đến hôn nhân nhưng gia đình nhà gái phản đối vì lấy chồng ngoại quốc. Cực chẳng đã, anh chị dắt nhau về Việt Nam dựng lán trại để xây tổ ấm. Đến nay, 2 vợ chồng đã có 5 đứa con chung, mang trong mình 2 dòng máu Việt - Lào.
Những người vợ “ngoại quốc” phấn khởi cùng nhau đi làm thủ tục nhập tịch, đăng ký kết hôn |
Số liệu thống kê và rà soát cho thấy, hiện nay, có 202 trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép cư trú tại Việt Nam, trong đó có 177 trường hợp đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam theo thỏa thuận của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới, được ký kết vào tháng 7/2013. Thực hiện chủ trương của 2 chính phủ, Nghệ An đã hoàn thiện hồ sơ để Chủ tịch nước ký quyết định cho 70 trường hợp người Lào được phép cư trú tại huyện Kỳ Sơn, 27 trường hợp tại huyện Quế Phong và 38 trường hợp tại huyện Tương Dương. Sau khi có quyết định, ngày 21/11/2019, thừa ủy quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trao Quyết định cho 70 công dân nước CHDCND Lào cư trú trên địa bàn Nghệ An được nhập quốc tịch Việt Nam.
Có mặt trong ngày trọng đại được nhập quốc tịch Việt Nam và cầm trên tay tờ giấy đăng ký kết hôn, chị Lương Thị Xôm (30 tuổi), quê quán ở bản Huồi Khoong, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) không khỏi bồi hồi, xúc động: “Mặc dù đứa con thứ 3 của mình chỉ mới hơn một tuổi, nhưng ngay từ sáng sớm mình đã dậy sớm, địu con vượt núi từ bản Kèo Cơn, xã Keng Đu (Kỳ Sơn) để đón nhận sự chào đón, thừa nhận công dân của Chính phủ Việt Nam”.
Là một cô gái Lào xinh đẹp, có nụ cười tươi như hoa chăm pa, 11 năm trước, chị Xôm đã theo tiếng gọi của trái tim, rời quê hương sang Việt Nam để theo chồng là anh Lương Văn San, sinh sống bất hợp pháp tại xã biên giới này từ đó đến bây giờ. Niềm vui của chị Xôm cũng là nỗi hân hoan của 70 cặp vợ chồng khác nói chung trong ngày trọng đại, thỏa nỗi khát khao được đón nhận là công dân “made in Việt Nam” của hàng trăm cô dâu, chú rể ngoại quốc khác, vì tiếng gọi của trái tim, đã bất chấp tất cả, vượt qua mọi ranh giới địa lý, mọi rào cản về ngôn ngữ, văn hóa để xây nên những tổ ấm mang 2 dòng máu Việt - Lào ở miền biên viễn.
.