(Congannghean.vn)-Nghệ An hiện có hơn 9.000 người nhiễm HIV. Vì vậy, phòng, chống HIV/AIDS đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp quản lý và chính người dân.
Các lực lượng phối hợp tuần hành tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS |
Theo đó, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được tập trung triển khai đồng bộ như: Truyền thông nâng cao nhận thức về dự phòng và điều trị HIV/AIDS; trong nhóm nghiện chích ma túy; cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và can thiệp, dự phòng, điều trị ma túy tổng hợp. Đồng thời, mở rộng can thiệp cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới; triệt để thực hiện dự phòng phổ cập, tập trung can thiệp dự phòng cho các nhóm nguy cơ cao, các nhóm dễ bị tổn thương, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; đảm bảo người nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cần thiết khác…Trong đó, phương châm lấy dự phòng là chính, giáo dục lối sống lành mạnh và các chuẩn mực đạo đức xã hội là trọng tâm.
Theo đánh giá chung, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện, rộng khắp và có hiệu quả cao. Nhờ đó, số người nhiễm HIV mới phát hiện, số bệnh nhân AIDS và số người tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn chưa ổn định, có nhiều nguy cơ trở lại, nhiều địa phương chưa quan tâm cao đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Trên thực tế, dù đã triển khai nhiều giải pháp song người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn chịu sự kỳ thị, xa lánh. Điều này làm ảnh hưởng đáng kể việc tiếp cận dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV, rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm và chuyển gửi đến dịch vụ chăm sóc điều trị. Nguyên nhân cơ bản của sự kỳ thị, phân biệt đối xử xuất phát từ nhận thức thiếu hiểu biết, các quan niệm sai lầm về sự lây truyền HIV và còn bởi lâu nay nhiều người vẫn coi HIV là tệ nạn xã hội. Trong đó, nhiều người nhiễm HIV đang trong tuổi lao động không được học nghề, không có công ăn việc làm và rất nhiều người trong số đó bị hắt hủi, xa lánh hoặc sống lay lắt, cùng cực. Họ luôn phân vân giữa việc có nên công khai bị nhiễm HIV để nhận sự cảm thông của người thân, hay giữ bí mật để tránh sự kỳ thị chung của cộng đồng xã hội.
Để giúp người nhiễm HIV tránh bị kỳ thị, cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Chính quyền các cấp cần tiếp tục tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, sự đồng tâm hợp lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có việc giúp đỡ, chăm sóc và hỗ trợ cho những người nhiễm HIV/AIDS.
Mới đây, Bộ Y tế đã có chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, yêu cầu tăng cường đầu tư từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đề án đảm bảo tài chính đã được phê duyệt; báo cáo cấp có thẩm quyền để bố trí đủ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV, đảm bảo 100% bệnh nhân HIV có thẻ BHYT, thực hiện hỗ trợ chi trả khám, chữa bệnh BHYT và các hỗ trợ khác theo Quyết định số 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí viện trợ quốc tế và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, duy trì và tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS trong quá trình thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Các địa phương cần chủ động, khẩn trương mở rộng điều trị thuốc kháng HIV (ARV) cho tất cả những người nhiễm HIV ngay khi được phát hiện; mở rộng cấp phát thuốc tại tuyến xã và cấp phát thuốc nhiều tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn các cơ sở điều trị và các điều kiện cần thiết khác để bắt đầu thanh toán ARV cho điều trị HIV/AIDS qua Quỹ BHYT từ năm 2019…