(Congannghean.vn)-Liên tiếp các vụ việc xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em được phanh phui trên cả nước trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi hoang mang. Di chứng và nỗi đau để lại trong tâm hồn những đứa trẻ non nớt này là những vết xước không bao giờ lành. Còn với những người làm cha làm mẹ, ám ảnh ấy sẽ theo suốt cuộc đời.
Ảnh minh họa |
Cách đây không lâu, có dịp dự phiên tòa xét xử bị cáo Uông Nhật Được (68 tuổi) trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh về 2 tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em, khiến một bé gái 14 tuổi mang thai, tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi hình ảnh của chị N.T.T., mẹ của cháu bé. Chốn công đường, người mẹ bơ phờ, mệt mỏi sau chuỗi ngày dài đi tìm công lý cho con, thi thoảng lại hốt hoảng đưa ánh mắt tìm kiếm khi con gái (cũng là nạn nhân) rời chỗ ngồi đi ra bên ngoài.
Chia sẻ với tôi bên lề phiên xử án, chị T. cho biết, dẫu biết rằng sẽ ảnh hưởng danh dự cả cuộc đời phía trước của con gái, nhưng chị không thể không đưa vụ việc ra ánh sáng. Bởi không chỉ muốn vạch trần tội ác của kẻ biến thái, mà chị còn muốn cảnh báo tới xã hội, để chung tay loại trừ tội ác này ra khỏi đời sống.
Tâm sự của chị N.T.T. cũng là nỗi niềm chung của hàng nghìn bà mẹ khác đang phải gánh chịu nỗi đau tâm hồn khi con cái của mình chẳng may rơi vào tình cảnh tương tự.
Mới đây nhất, hình ảnh người mẹ trẻ hơn 2 tháng đi đòi công lý, khiến đối tượng C.M.H., nguyên cán bộ ngân hàng ở Hà Nội, có hành vi xâm hại con gái mới 8 tuổi của mình phải trả giá đã làm không ít người phải giật mình bởi sự tồn tại của những kẻ bệnh hoạn dường như ở mọi nơi và dưới nhiều vỏ bọc.
Liên tiếp trong những ngày gần đây, cụm từ “ấu dâm”, xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phanh phui khiến những người làm cha mẹ không khỏi lo lắng cho sự an toàn của con em mình. Từ vụ đối tượng C.M.H. bị khởi tố đến vụ đối tượng N.K.T. đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lại có hành vi dâm ô với nhiều bé gái tại Vũng Tàu… đã thực sự khiến dư luận dậy sóng.
Sau khi những vụ việc này xảy ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc nêu trên và sớm đưa đối tượng ra xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Theo luật sư Lê Thị Kim Soa, Trưởng Văn phòng luật Lê Trần, trên thực tế, các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là các vụ có hành vi dâm ô thường gặp không ít khó khăn trong công tác điều tra. Mặc dù đã có chế tài xử lý, luật pháp cũng đã quy định rất rõ hình phạt nhưng với loại tội phạm này, do nhiều yếu tố khác nhau nên mức xử phạt, răn đe dường như vẫn còn thiếu nghiêm khắc. Những bất cập này sắp được khắc phục khi từ ngày 1/7/2017 tới đây, Luật Trẻ em có hiệu lực sẽ là tấm lá chắn để bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi móng vuốt của “yêu râu xanh”.
Cụ thể, Luật số 102/2016/QH13 thông qua ngày 5/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 có tất cả 7 chương, 106 điều, quy định chi tiết về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Trẻ em trong luật này được hiểu là người dưới 16 tuổi. Trong đó tại Khoản 8, Điều 4 quy định chi tiết: “Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”. Song song với việc giải thích từ ngữ về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ em thì tại Điều 6 của Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có xâm hại tình dục.
Ngoài ra, luật cũng quy định tại Điều 25 Quyền được bảo vệ không bị xâm hại tình dục “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”. Trong luật này, Quốc hội cũng đã thông qua vấn đề bảo vệ trẻ em thành một chương riêng, quy định việc bảo vệ được chia thành ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Với quy định này, tùy theo mức độ có thể bị ảnh hưởng đến trẻ mà có cấp độ bảo vệ khác nhau.
Vấn đề trẻ em bị lạm dụng và xâm hại tình dục ở nước ta trên thực tế xảy ra nhiều hơn con số bị phát hiện và xử lý, phần đa nạn nhân là các bé gái. Tuy nhiên, số vụ việc được đưa ra pháp luật không nhiều. Một trong những lý do là gia đình nạn nhân cổ hủ trong quan niệm trọng nam khinh nữ, vì muốn không bị xấu hổ mà chấp nhận ấm ức không tố cáo kẻ gây ra hành vi xâm hại đối với con em mình.
Đặc biệt, rất nhiều vụ đối tượng lại là người thân trong gia đình nên để tránh mang tiếng, nhiều cha mẹ đã chọn cách im lặng. Hơn nữa, những vụ xâm hại tình dục thường không có đầy đủ nhân chứng, vật chứng. Nếu là các vụ hiếp dâm thì chứng cứ để lại sẽ rõ ràng hơn, còn những vụ dâm ô thường xảy ra ở nơi kín, vắng người qua lại, ít dấu vết để lại nên gặp khó khăn trong việc xét xử.
Cũng theo luật sư Lê Thị Kim Soa, việc trẻ em bị xâm hại tình dục có từ lâu và ở khắp nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; các bé bị xâm hại thường có hoàn cảnh rất đặc biệt như gia đình khó khăn, neo người... Trước đây, nhiều vụ việc xảy ra nhưng không đưa ra ánh sáng được, một phần do quan điểm của chính người dân sợ tố cáo thì con, em mình bị tai tiếng. Bây giờ bị phát hiện nhiều hơn là do từ truyền thông, mạng xã hội, quan điểm sống đã thay đổi, nhận thức về quyền con người được nâng cao.
Những đứa trẻ bị xâm hại tình dục sẽ bị ảnh hưởng về thể xác và tinh thần, nỗi ám ảnh này có thể sẽ theo các em suốt cuộc đời. Chính vì thế, các bậc phụ huynh cần gần gũi và lắng nghe con cái, hãy tạo cho trẻ cơ hội để nói sự thật. Trên thực tế có những bé bị xâm hại nhiều lần nhưng không dám kể với cha mẹ vì sợ bị mắng hay cha mẹ không tin. Hơn nữa, ngay khi bé có dấu hiệu bị xâm hại, cha mẹ hãy ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng, lưu lại mọi dấu vết trên người bé để kịp thời điều tra. Đừng vì xấu hổ mà im lặng, bởi chính sự im lặng đó sẽ khiến không chỉ 1 trẻ mà có thể nhiều trẻ phải chịu sự xâm hại.