Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201603/dai-ngan-mua-hoa-no-665236/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201603/dai-ngan-mua-hoa-no-665236/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đại ngàn mùa hoa nở - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 05/03/2016, 15:27 [GMT+7]

Đại ngàn mùa hoa nở

(Congannghean.vn)-Khi có dịp đặt chân lên vùng miền Tây Nghệ An, du khách không thể bỏ qua Khu dự trữ sinh quyển miền Tây, trải dài trên 9 huyện miền núi với tổng diện tích 1,3 triệu ha. Hành lang xanh kết nối 3 đại ngàn đặc dụng với những cánh rừng nguyên sinh Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt.

Những khu bảo tồn thiên nhiên này là điểm đến hấp dẫn du khách và là nơi khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Đất trời đang độ tiết xuân phân. Núi rừng khoe sắc muôn xanh ngàn tía, điệp trùng những mái núi trải dài trong rét mướt, sương tuyết đón đợi những tia nắng giao mùa.

   Mùa hoa lau, hoa đót

Qua cầu Mường Xén rẽ phải, chập chùng non cao rừng thẳm, ta như lạc vào bạt ngàn hoa lau, hoa đót trắng ngà, xanh lá mạ đang phủ kín triền núi miền biên ải. Những rừng khộp, săng lẻ, lộc vừng, lim, sến... men chân xuống núi bắt đầu đổ những chiếc lá già nua để thay màu áo mới.

Hoa đót, quà của rừng dành cho đồng bào vùng cao
Hoa đót, quà của rừng dành cho đồng bào vùng cao

Thời tiết năm nay khá dễ chịu. Ngoại trừ đợt rét hại bất thường, núi rừng miền Tây ảo mờ tuyết phủ, dọc theo dòng sông Nậm Mộ hữu tình, hiền hòa mải miết chảy. Xứ sở kỳ vĩ, đầy ắp huyền tích của đại ngàn Trường Sơn đang mang đến cho người dân bản địa một mùa xuân yên vui, no ấm sau những vụ thu hoạch ngô, sắn, gạo nương hay tìm lâm sản để đem ra thị tứ, chợ huyện bán cho thương lái nhưng vẫn chỉ đủ để trang trải cuộc sống.

Đã thành truyền thống, ngày cuối năm, dân bản hội ngộ nơi đầu nguồn nước, dâng lễ vật cúng thần Rừng, thần Nước. Lễ dâng ngoài xôi gà còn có thêm mâm “khăn lá”. Trên mâm có hoa đót, cây, hoa, sáp ong... chuẩn bị mùa tế lễ sấm ra hoa đót. Loài hoa được kết dùng làm chổi quét nhà rất được ưa chuộng trên thị trường và phục vụ việc xuất khẩu.

Xác định đây là loài cây thế mạnh để phát triển kinh tế nội vùng của huyện Kỳ Sơn và vùng miền Tây nên Hội Cựu chiến binh xã Keng Đu đã vận động hội viên cùng gia đình trong các bản tranh thủ những ngày nắng đẹp thu, hái về phơi cho được nắng. Hoa đót thu hoạch lúc còn bánh tẻ là tốt nhất, đót sáng màu và giữ được độ dai cần thiết, giữ được tươi nguyên màu lá mạ, nom ưa nhìn.

Đi trên con đường tuần tra của Bộ đội biên phòng vào Đồn Keng Đu nơi cuối trời Tổ quốc, đâu đâu ta cũng thấy những rừng hoa lau, hoa đót nở trắng núi đồi. Người dân các bản kẻ gùi, có người thồ bằng xe máy. Hoa đót được thu, hái rồi tập kết hai bên đường xe chạy để đem về chòi canh phơi hoặc rải dọc hai bên đường mà chẳng sợ mất. Con trẻ tranh thủ ngày nghỉ học, nghỉ Tết cũng cùng bố mẹ vào rừng hái đót bán để mua sách vở, cải thiện cuộc sống gia đình.

   Nghề truyền thống của người Khơ Mú

Ông Lò Phó Khoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Keng Đu - người dân tộc Khơ Mú cho hay: “Ngoài đi hái đót để cải thiện đời sống, hội viên của Hội và nhân dân ở đây còn là “tai mắt” bảo vệ biên cương cùng chính quyền xã và Bộ đội biên phòng Đồn Keng Đu. Họ bảo vệ sự thiêng liêng của núi rừng và giữ gìn sinh kế từ rừng”.

Nghề “đi đót” đem lại giá trị kinh tế cao, lại ít phải lam lũ. Mùa tháng Giêng, đi dọc con đường lên Mường Lống - Keng Đu, Mường Típ, Huồi Tụ..., bản làng nào cũng thấy phơi đót. Trên mái ta luy, mái nhà, bờ rào, sân vườn rải đầy hoa đót. Hiện tại, vào mùa này, nếu chịu khó, siêng đi rừng thì mỗi hộ cũng thu được vài tạ.

Không riêng gì Hội Cựu chiến binh, các hội, đoàn thể khác của các xã có vùng nguyên liệu làm chổi đót cũng tận dụng lợi thế mà rừng cho nơi rẻo cao để thoát nghèo, bằng cách không bán sản phẩm thô quá nhiều mà vận động hội viên, nhân dân giữ lại để kết chổi. Sự khéo léo trong đan lát của người Khơ Mú đã tạo ra những sản phẩm bắt mắt, như ghế mây, mâm tre, bế, gùi... Những chiếc chổi chắc chắn, bền đẹp được đem ra thị tứ, xuống chợ huyện, đồng bằng đã góp phần cải thiện cuộc sống.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mong Thị Hải, cán bộ Hội Phụ nữ bản Huồi Lê, xã Keng Đu chia sẻ: “Đót ở đây nhiều vô kể, nhưng phải thu hoạch đúng mùa vụ, chớ để đót già, nếu phơi thật khô thì được giá lắm. Nhờ khai thác lợi thế của rừng nên người dân không còn lo “đứt” bữa nữa. Nhiều nhà biết trữ đót lại trong chòi rẫy để mùa mưa không đi rú được thì ngồi nhà kết chổi cũng có cái ăn”. Một chiếc  chổi đẹp do người Khơ Mú đan có giá 30.000 - 35.000 đồng, trung bình mỗi ngày, một người làm được 25 chiếc.

Để có đầu ra ổn định cho nghề mây tre đan của các dân tộc ở miền rẻo cao xa xôi, cần có sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp trong việc liên kết để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tìm hướng đi cho sản phẩm; đồng thời góp phần bảo vệ biên giới và bảo tồn sự đa dạng sinh học. Nhân dân miền Tây rất mong sẽ có các doanh nghiệp đầu tư vốn, tập trung thu mua các sản phẩm để bà con dân bản chủ động hơn trong việc thu hái, sản xuất và đem sản phẩm của mình đến mọi miền đất nước.

.

Nguyễn Viết Lợi

.