(Congannghean.vn)-Anh Cao Cự Hùng trú tại xóm 9, thôn Đông Thọ, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, bị bệnh bại liệt dẫn đến teo chân và không thể đi lại từ lúc mới lên 3 tuổi. Nhưng bằng ý chí, nghị lực, anh đã học nghề rồi mở tiệm sửa chữa xe máy với một tổ ấm hạnh phúc.
Chúng tôi tìm về xóm 9, thôn Đông Thọ, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An gặp anh Cao Cự Hùng đúng lúc anh đang bận sửa xe máy cho khách. Xong việc, anh cởi mở chia sẻ câu chuyện về nghị lực vươn lên của chính mình.
Hùng là con thứ 4 và là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em. Lên 3 tuổi, anh bị bệnh bại liệt dẫn đến chân bị teo, không thể đi lại bình thường. Khi Hùng đến tuổi tới trường, không đành lòng nhìn con mù chữ, mẹ anh đã không quản nắng mưa đưa anh đến lớp trên chiếc xe đạp cà tàng.
Hàng ngày, nhìn dáng mẹ gầy yếu tất bật ra đồng sớm để kịp giờ đón anh đi học về, Hùng không đành lòng nên đã xin nghỉ học. Khi ấy mẹ anh đã khóc. Bà nói rằng, bà muốn anh học tập, sau này kiếm được một công việc ổn định để nuôi sống bản thân. Chính những giọt nước mắt, những lời tâm sự từ đáy lòng và sự động viên, khích lệ của mẹ đã giúp Hùng vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên.
Anh Cao Cự Hùng sửa xe máy cho khách |
8 tuổi, anh bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên để “xây nền móng” tự lập. Hùng bắt đầu tập đi bằng hai tay, dùng đôi tay cầm hai bàn chân lê từng bước một. Những ngày đầu, Hùng thường xuyên bị ngã, mặt mày trầy xước, hai bàn tay tấy đỏ, sưng tím, ứa máu. Đối với một người bình thường, 4 năm không hẳn là một khoảng thời gian quá dài nhưng đối với Hùng, đó là cả một “giai đoạn lịch sử” của cuộc đời. Sau 4 năm trời khổ luyện, không một ngày ngơi nghỉ, Hùng mới có thể “đi lại” thành thạo bằng đôi bàn tay với tư thế... ngồi xổm để đến trường.
Tuy nhiên, biến cố cuộc đời lại xảy đến với Hùng, khi anh đang học lớp 9, bố qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Nhà nghèo, không đành lòng khi thấy mẹ và các chị vất vả, Hùng quyết định nghỉ học để vào miền Nam kiếm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Với một cậu bé tật nguyền, phải đi lại bằng hai tay, việc kiếm sống vô cùng gian khó. Tuy nhiên, với sự thật thà, chăm chỉ, không ngại khổ, Hùng đã trải qua rất nhiều công việc như: Thợ mộc, bán vé số, vừa học vừa sửa chữa đồng hồ, rồi thêu thùa…
Trong một lần tình cờ được người thân giới thiệu, Hùng đã học thêm nghề sửa chữa xe máy. Ngay từ buổi học đầu tiên, anh thấy rất thích và muốn gắn bó lâu dài với nghề này. Với đức tính ham học hỏi, cần mẫn và chăm chỉ, anh nhanh chóng “đọc” được những “bệnh” của xe máy để sửa chữa, phục hồi một cách thành thạo.
Năm 2007, khi đang đi tìm phòng trọ ở TP Hồ Chí Minh, Hùng tình cờ gặp Lê Thị Ngát. Thấy cảm mến người con gái này, Hùng đã bỏ qua mặc cảm, mạnh dạn làm quen với Ngát. Tuy Hùng không lành lặn nhưng nhận thấy trong con người anh luôn toát lên sự chân thành, trách nhiệm và ý chí vươn lên nên sau mấy tháng quen nhau, chị Ngát đã nhận lời yêu anh.
Ban đầu, anh chị không nhận được sự đồng ý của gia đình chị Ngát vì ái ngại trước hoàn cảnh của Hùng. Nhưng cảm phục ý chí của chàng trai tật nguyền và biết không thể cấm đoán con gái, cuối cùng bố mẹ Ngát cũng đồng ý cho 2 người đến với nhau. Tháng 3/2009, đám cưới của “đôi đũa lệch” Hùng - Ngát được tổ chức trong niềm hạnh phúc vỡ òa của anh chị và sự chúc phúc của bà con lối xóm.
Sau khi đưa vợ từ TP Hồ Chí Minh về quê để sinh con đầu lòng, Hùng ra Hà Nội làm thợ sửa xe máy. Tu chí làm ăn, khi đã tích cóp được ít vốn, Hùng về quê thuê ki-ốt mở tiệm sửa xe máy. Tháng 12/2013, tiệm sửa chữa xe máy Hùng Ngát chính thức khai trương. Hùng bộc bạch: “Vợ tôi đã chịu nhiều thiệt thòi khi lấy tôi, nên tôi phải cố gắng hết mình để vợ con đỡ khổ. Tôi không được lành lặn nên phải cố gắng gấp nhiều lần người bình thường để có thể trang trải cuộc sống gia đình”. Tiệm sửa xe máy của anh không chỉ mang về cho anh chị nguồn thu nhập ổn định, từ 5 - 7 triệu đồng/tháng mà nhiều tháng nay, đây còn là nơi dạy nghề cho 3 thanh niên ngoài xã.