Cả nước đã và đang phải gánh chịu những đợt nắng nóng gay gắt của mùa hè. Liên tiếp những ngày qua, nhiệt độ tại nhiều địa phương lên tới 38 - 40°C, đã khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn và ảnh hưởng nặng nề, nhưng đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ bùng phát, lan rộng của nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở người do thời tiết nóng bức, ngột ngạt gây ra.
Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, thời điểm từ tháng 5 tới tháng 8 là giai đoạn cao điểm của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dễ bùng phát nhất do thời tiết mùa hè là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Bên cạnh đó, môi trường sống bị ô nhiễm nặng tại nhiều tỉnh thành, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, thiếu khoa học, nhất là ở khu vực nông thôn... cũng là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh truyền nhiễm tấn công mạnh mẽ.
Đáng lo ngại hơn, qua thực tế giám sát dịch tễ cho thấy, có tới trên 10 loại dịch bệnh nguy hiểm rất dễ có nguy cơ bùng phát và lan rộng vào giai đoạn mùa hè như: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ly trực trùng, sốt rét, viêm não virus, thương hàn... Phần lớn các căn bệnh này rất dễ lây lan thông qua môi trường, đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay. Hơn nữa, không ít dịch bệnh đến nay vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên khi dịch xảy ra thường có rất nhiều người mắc và lan rộng. Trong đó phải kể tới dịch sốt xuất huyết, đây thực sự là căn bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất thế giới.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam tăng cường phun thuốc sát khuẩn tại các khu vực bị ô nhiễm. (Nguồn: vov.vn) |
Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm, toàn cầu có khoảng 390 triệu người bị sốt xuất huyết. Đối với Việt Nam, tính đến giữa tháng 5 năm nay đã ghi nhận khoảng 11.000 trường hợp mắc tại 41 tỉnh, thành phố, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng lưu ý trong số các địa phương có số người mắc sốt xuất huyết ở mức cao thì TPHCM có trên 3.850 ca mắc phải nhập viện điều trị, tiếp đó là cả tỉnh như: Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau... cũng đang có xu hướng gia tăng số người mắc.
Bên cạnh đó, dịch bệnh viêm não, tiêu chảy và tay chân miệng cũng đang bắt đầu vào giai đoạn cao điểm, trong đó chỉ riêng bệnh tay-chân-miệng đã có khoảng 16.000 người mắc chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và số ca mắc tại miền Bắc tăng tới 200%. Ngoài ra, mùa hè cũng là mùa bệnh đau mắt đỏ khi mới chỉ vào hè được hơn tháng nhưng cả nước đã có hơn 5.728 trường hợp mắc đau mắt đỏ và điều đáng cảnh báo là dịch bệnh này đang có tốc độ lây lan khá nhanh.
Rõ ràng, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang vào giai đoạn cao điểm, không chỉ là những dịch bệnh lưu hành thường xuyên xảy ra quanh năm chưa được khống chế mà cả những dịch bệnh hiếm gặp, mới nổi cũng đang phức tạp và khó lường. Thực tế này đang khiến cho người dân và cộng đồng xã hội rất lo lắng khi sức khỏe và tính mạng bị đe dọa bởi dịch bệnh. Trong khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến bất thường và nguy hiểm thì ý thức phòng chống dịch bệnh của không ít người dân, cũng như chính quyền và cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn chủ quan lơ là.
Dịch bệnh nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân mà còn tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước. Chắc chắn dịch bệnh không từ bỏ bất cứ ai, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm nếu chủ quan coi thường.
Không thể chậm chễ hơn nữa, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng cùng với tất cả địa phương cần tập trung các biện pháp quyết liệt và trách nhiệm hơn trong phòng chống dịch bệnh. Các cấp chính quyền cần coi công tác phòng chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ chính trị, gắn liền với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời cần kiên quyết làm rõ và xử lý thật nghiêm đối với bất kỳ cá nhân, địa phương, cơ quan, đơn vị nào lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nếu không, thiệt hại, hậu quả do dịch bệnh gây ra sẽ vô cùng khôn lường.
Cùng với đó, bản thân mỗi người dân phải nêu cao trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của cơ quan y tế, chủ động ngăn ngừa, bảo vệ sức khỏe của bản thân mình, gia đình và cộng đồng; trong đó, cần phải đặc biệt lưu ý cho trẻ nhỏ được tiêm chủng đầy đủ đúng lịch các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.